Ngày 8/7, Thái Lan ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 theo ngày cao nhất từ trước đến nay. (Nguồn: Bangkok Post) |
Biến thể Delta đã trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại nhiều nước và khu vực. Không chỉ có khả năng lây lan nhanh, biến thể này còn khiến nhiều người trẻ tuổi gặp biến chứng nặng khi mắc Covid-19.
* Tại châu Mỹ
Số liệu của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ công bố ngày 7/7, biến thể Delta chiếm tới 51,7% số ca mắc mới trong hai tuần qua.
Trong khi đó, số ca nhiễm biến thể Alpha hiện giảm và chỉ chiếm 28,7% số ca mắc. Mỹ hiện ghi nhận 34.641.050 ca mắc Covid-19, cao nhất trên toàn cầu, trong đó có 621.849 ca tử vong. Các dữ liệu báo cáo sơ bộ cho thấy những loại vaccine hiện có của hãng Pfizer/BioNTech, AstraZeneca và Moderna đều hiệu quả trong phòng bệnh Covid-19.
Do đó, Tổng thống Joe Biden đã khuyến khích người dân Mỹ đi tiêm chủng để bảo vệ bản thân trước nguy cơ lây nhiễm biến thể nguy hiểm này.
7/7 là ngày chứng kiến nhiều kỷ lục buồn đối với Cuba với 3.664 ca mắc mới Covid-19 ghi nhận trong ngày - mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Tổng số ca mắc hiện nay ở đảo quốc Caribe là 214.577 ca, trong đó có 1.405 ca tử vong. Phần lớn số ca mắc mới ở Cuba là ca lây nhiễm cộng đồng.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Brazil Marcolo Queiroga bày tỏ lo ngại trước tình trạng hơn 3,5 triệu người dân nước này không tới các điểm tiêm chủng theo lịch hẹn để được tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 thứ hai, cho rằng hành động này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới chiến lược miễn dịch cộng đồng.
Theo thống kê chính thức, 37% dân số Brazil đã được tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên, nhưng mới chỉ có 13% hoàn tất mũi thứ hai.
Brazil hiện là quốc gia Mỹ Latinh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch Covid-19. Bộ Y tế nước này công bố thêm 54.022 ca mắc mới và 1.648 ca tử vong trong 24 giờ qua, theo đó nâng tổng số ca mắc và tử vong lần lượt lên gần 19 triệu ca bệnh và 528.540 ca không qua khỏi.
* Tại châu Á
Ngày 8/7, Thái Lan đã ghi nhận thêm 75 ca tử vong do Covid-19 và đây là con số cao kỷ lục tại quốc gia Đông Nam Á này. Như vậy, kể từ khi đại dịch bùng phát hồi năm ngoái, Thái Lan đã có 2.462 người không qua khỏi do Covid-19.
Trong khi đó, Thái Lan trong 24 giờ qua cũng có thêm 7.058 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc Covid-19 tại nước này lên 308.230 ca.
Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) của nước này công bố thêm 1.275 ca mắc Covid-19 trong 24 giờ qua, mức cao nhất từ trước đến nay.
Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum cảnh báo làn sóng lây nhiễm thứ tư đang lây lan nhanh, đặc biệt ở những người từ 20-30 tuổi chưa tiêm vaccine phòng Covid-19, trong khi số ca nhiễm biến thể Delta cũng đang gia tăng đáng lo ngại.
Tại Nhật Bản, số ca mắc mới Covid-19 ở thủ đô Tokyo đang tăng nhanh, buộc Chính phủ Nhật Bản phải lên kế hoạch ban bố tình trạng khẩn cấp. Tình trạng khẩn cấp lần thứ 4 dự kiến sẽ có hiệu lực trong suốt thời gian diễn ra Olympic Tokyo và kéo dài tới ngày 22/8, hai ngày trước khi khai mạc Paralympic Tokyo.
Cùng với việc ban bố tình trạng khẩn cấp ở Tokyo, Chính phủ Nhật Bản sẽ kéo dài thời gian áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm ở 3 tỉnh giáp thành phố này, gồm Saitama, Chiba và Kanagawa, cùng với tỉnh Osaka ở phía Tây tới ngày 22/8.
Trong khi đó, các biện pháp phòng dịch trọng điểm sẽ hết hiệu lực tại 5 tỉnh khác - gồm Hokkaido, Aichi, Kyoto, Hyogo và Fukuoka - theo đúng kế hoạch vào ngày 11/7.
Trong khi đó, Ấn Độ dự kiến sẽ nhận được những liều vaccine Covid-19 đầu tiên do nước ngoài sản xuất thông qua COVAX, với 3-4 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna có thể sẽ được chuyển đến quốc gia Nam Á này từ nay đến tháng 8 tới.
Đến nay, Ấn Độ đã tiêm tổng cộng 361,3 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 - nhiều thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc, trong đó tiêm ít nhất một liều cho 31% trong số 944 triệu người trưởng thành.
* Tại châu Âu
Ngày 7/7, chính phủ Đức đã quyết định từ tháng 8 tới sẽ chuyến giao miễn phí toàn bộ các lô vaccine AstraZeneca mà nước này dự kiến tiếp nhận cho các nước thứ ba, trong đó số lượng ban đầu chuyển cho COVAX ít nhất là 500.000 liều.
Cho tới nay, các loại vaccine phòng Covid-19 chủ yếu thuộc về những nước giàu. Đã có nhiều tiếng nói chỉ trích các nước giàu làm quá ít giúp các nước nghèo chống dịch bệnh.
Tuần trước, Bộ Y tế Đức thông báo những người đã tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca sẽ được tiêm mũi 2 là vaccine công nghệ mRNA, như BioNTech/Pfizer hoặc Moderna.
Bộ Y tế Bỉ đã cho phép tiêm vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Pfizer cho trẻ em từ 12-15 tuổi, trên cơ sở tự nguyện và được sự cho phép của bố mẹ.
Tại cuộc họp các Bộ trưởng Y tế hôm 7/7, Hội đồng Y tế liên bang Bỉ nhấn mạnh virus SARS-CoV-2 ít gây ra các trường hợp nhiễm bệnh nặng ở thanh thiếu niên nhưng đối tượng này lại là trung gian lây truyền virus.
Do đó, cần phải hạn chế tác nhân lây bệnh, đặc biệt đối với các nhóm dễ bị tổn thương, nhất là khi biến thể Delta dễ lây lan hơn. Đó là lý do phải tiêm chủng cho thanh thiếu niên với lợi ích chính là bảo vệ cộng đồng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trẻ em và thanh thiếu niên thường mắc Covid-19 nhẹ hơn so với người lớn. Do đó, việc tiêm phòng cho nhóm đối tượng này không cấp bách bằng người cao tuổi, người mắc bệnh mãn tính hay hộ lý. Tuy nhiên, tiêm chủng cho thanh thiếu niên giúp tăng tỷ lệ bao phủ và bảo vệ người dân.
| Thi tốt nghiệp THPT: Có thí sinh nhiễm Covid-19, Bộ GD&ĐT lên tiếng Kết thúc ngày đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, một số địa phương phát hiện thí sinh nhiễm Covid-19, đại diện Bộ GD&ĐT ... |
| Những điều cần biết về vaccine phòng Covid-19 của Pfizer BioNTech Vaccine phòng Covid-19 của Pfizer-BioNTech đã được WHO đánh giá an toàn và hiệu quả; ưu tiên tiêm chủng cho nhân viên y tế có ... |