Mỹ vẫn đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với 293.398 ca tử vong trong tổng số 15.585.105 ca nhiễm (chiếm 22% tổng số ca nhiễm trên toàn cầu). Trong 24 giờ qua, số ca tử vong trên toàn nước Mỹ đã tăng gần gấp đôi so với ngày trước đó, từ 1.574 lên 2.913 ca.
Đáng chú ý, số ca mắc Covid-19 ở Mỹ chạm mốc 10 triệu ca vào ngày 9/10 và đã nhanh chóng tăng thêm 5 triệu ca chỉ trong vòng một tháng.
Tuần qua, Mỹ ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 tăng ở mức đáng báo động, đặc biệt ngày 4/12 ghi nhận 227.800 ca - mức cao nhất từ đầu dịch. Trong khi đó, ngày 8/12 là ngày thứ 36 liên tiếp số ca mắc mới vượt ngưỡng 100.000 ca tính từ đầu tháng 11.
Số ca tử vong cũng tăng ở mức cao nhất trong tuần qua. Trong ngày 3/12, trên toàn nước Mỹ có 2.926 bệnh nhân Covid-19 không qua khỏi, là mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Số ca nhập viện do Covid-19 cũng tăng lên mức cao nhất vào ngày 7/12, với 102.148 ca.
* Sau Mỹ là Ấn Độ với 9.735.975 bệnh nhân Covid-19 và đứng thứ ba thế giới về số ca tử vong (141.398 ca).
Với 6.675.915 ca nhiễm, Brazil đứng thứ ba thế giới về số ca mắc, song đứng thứ hai thế giới về số ca tử vong với 178.184 ca.
* Tình hình dịch bệnh ở châu Âu tiếp tục diễn biến khó lường khi Giáng sinh cận kề, buộc chính phủ nhiều nước phải cân nhắc việc tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng dịch.
Tại Pháp, dù các chỉ số cho thấy dịch đang có chiều hướng giảm, song số ca mắc mới vẫn ở mức cao, xung quanh ngưỡng 10.000 ca/ngày. Tình hình cũng không khả quan hơn ở những nước láng giềng.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo nước này sẽ phải cần thêm nhiều thời gian để đảo ngược tình hình khi đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới.
Trong 7 ngày qua, chỉ số lây nhiễm ở Đức là 145 ca/100.000 dân, cách khá xa so với mục tiêu 50 ca/100.000 dân mà Đức hướng tới để có thể truy vết và phá vỡ các chuỗi lây nhiễm.
Trong bối cảnh đó đã có bang Sachsen, nơi đang bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch, sẽ ở trong tình trạng "khóa cứng" kể từ ngày 14/12 tới. Theo đó, các trường học, nhà trẻ và cửa hàng bán lẻ, ngoại trừ những nơi cung cấp các mặt hàng thiết yếu, sẽ phải đóng cửa và lệnh phong tỏa này sẽ kéo dài tới ngày 10/1/2021.
Viện Khoa học quốc gia Đức Leopoldina cũng khuyến nghị cần tiến hành "khóa cứng" trên toàn quốc trong thời gian nghỉ lễ để có thể kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh.
Trong 24 giờ qua, nước Đức đã ghi nhận hơn 18.000 ca mắc mới, với 622 trường hợp tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh lên hơn 1,2 triệu ca, trong đó có hơn trên 20.000 trường hợp tử vong.
Italy vẫn là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch Covid-19. Với 634 ca tử vong trong ngày 8/12, nước này đã ghi nhận số bệnh nhân tử vong do đại dịch vượt ngưỡng 61.000.
Tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại Italy hiện ở mức 3,47%, trong khi con số này ở Tây Ban Nha và Pháp lần lượt là 2,75% và 2,35%.
Do dịch Covid-19 diễn biến nghiêm trọng hơn từ nhiều tuần nay, chính phủ đã thông báo một loạt biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt vào dịp nghỉ lễ cuối năm, như cấm di chuyển giữa các vùng từ ngày 21/12 tới 6/1/2021.
Thủ tướng Giuseppe Conte cảnh báo "chặng đường vẫn còn dài" và Italy cần phải ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ 3 có thể xảy ra từ tháng 1/2021 với mức độ tương đương lần 2.
Cùng ngày, chính phủ Bỉ quy định, từ ngày 18/12, tất cả những người nhập cảnh phải khai báo y tế bắt buộc. Đặc biệt, những người đã ở "vùng đỏ" trên 48 giờ khi vào Bỉ phải tự cách ly trong 10 ngày và phải xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 vào ngày cách ly thứ 7.
Theo bảng phân loại của Bộ Ngoại giao Bỉ, hầu như tất cả các quốc gia trên thế giới đều trong "vùng đỏ", tức là có nguy cơ cao lây lan dịch Covid-19. Ở châu Âu, chỉ có Ireland, Iceland, một phần của Na Uy, hầu hết quần đảo Canary (Tây Ban Nha) và một phần của Vương quốc Anh có màu cam. Toàn bộ các nước ngoài Liên minh châu Âu (EU) đều bị coi là "vùng đỏ".
Tại Hà Lan, tình hình dịch Covid-19 cũng đang nóng lên, buộc chính phủ phải kéo dài các hạn chế xã hội đến hết dịp nghỉ lễ cuối năm. Theo đó, Hà Lan gia hạn thêm một tháng (đến ngày 15/1/2021) lệnh cấm các gia đình tiếp trên 3 khách là người lớn đến chơi nhà, trong khi các nhà hàng và quán bar vẫn phải đóng cửa.
Trong tuần vừa rồi, Hà Lan ghi nhận 43.103 ca mắc mới Covid-19, tăng 27% so với tuần trước đó. Tính đến thời điểm hiện tại, nước này có hơn 500.000 ca mắc và gần 10.000 ca tử vong.
* Tại châu Á, ngày 9/12, Bộ Y tế Campuchia ghi nhận 4 ca nhiễm mới trong cộng đồng. Đêm 8/12, bộ trên đã có văn bản yêu cầu những người từng có mặt tại các cửa hàng thời trang Zando và Pedro trong thời gian từ ngày 27/11 cần khẩn trương đến xét nghiệm và cách ly tại Khách sạn Sokha Phnom Penh.
Tính đến 7h ngày 9/12, Campuchia có tổng số 354 trường hợp nhiễm, trong đó có 307 trường hợp đã khỏi bệnh (tỷ lệ 86,72%).
* Liên quan vaccine ngừa Covid-19, ngày 8/12, tạp chí nghiên cứu y học The Lancet cho biết, vaccine phòng Covid-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca phối hợp cùng trường Đại học Oxford nghiên cứu sản xuất cần phải được tiếp tục tiêm thử nghiệm để có đủ dữ liệu kiểm chứng liệu vaccine này có hiệu quả trên 90% hay không.
Tại Mexico, Bộ Y tế thông báo kế hoạch tiêm phòng vaccine Covid-19 sẽ bắt đầu từ cuối tháng 12 và ưu tiên hàng đầu là dành cho các y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch.
Chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 dự kiến của Mexico như sau: Từ tháng 12/2020-2/2021 sẽ tiêm cho các y bác sĩ ở tuyến đầu; từ tháng 2-4/2021 tiêm chủng cho đội ngũ y bác sĩ còn lại và người từ 60 tuổi trở lên; tháng 4-5/2021 tiêm cho độ tuổi 50-59 tuổi; tháng 5-6/2021 tiêm cho độ tuổi 40-49 và từ tháng 6/2021-3/2022 tiêm cho dân số còn lại.
Chính phủ Mexico đã ký thỏa thuận với các hãng dược phẩm Pfizer, AstraZeneca và CanSino Biologics để mua 146,8 triệu liều vaccine. Ngoài ra, Mexico sẽ mua 51,57 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 theo Cơ chế tiếp cận toàn cầu vaccine ngừa Covid-19 (COVAX) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thúc đẩy.
Bộ Y tế Mexico cho biết trong tháng 12 này sẽ tiếp nhận lô vaccine đầu tiên của Pfizer với 250.000 liều.
Trong khi đó, tại Mỹ, ngày 8/12, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) công bố tài liệu cho hay, những dữ liệu thu thập được từ 38.000 người đã tham gia thử nghiệm tiêm phòng vaccine Covid-19 do các hãng dược phẩm Pfizer Inc. (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển đã cho thấy "không có mối lo ngại đặc biệt nào về tính an toàn" của loại vaccine này.
Tài liệu trên được FDA công bố 2 ngày trước khi một ủy ban cố vấn của cơ quan này tiến hành họp để quyết định có phê duyệt sử dụng vaccine của Pfizer Inc. và BioNTech trong trường hợp khẩn cấp hay không.
Tại Nga, Giám đốc Viện Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh Gamaleya Alexander Gintzburg cho biết, Nga dự kiến sản xuất ít nhất 6 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 mỗi tháng bắt đầu từ tháng 1/2021.