📞

Cậu bé trúng pháo kích năm ấy

07:00 | 15/10/2016
Ông Phạm Văn Tịch đến với nước Mỹ trong một hoàn cảnh rất đặc biệt của chiến tranh. Đến nay, dù đã trải qua gần 50 năm nhưng ký ức về Việt Nam cùng những ngày tháng cũ vẫn vẹn nguyên trong tâm trí ông.

Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo bên dòng sông Thu Bồn thuộc Đại Lộc (Quảng Nam) trong vùng kiểm soát của quân giải phóng, ông Phạm Văn Tịch từng được tham gia đội thiếu niên hoạt động bảo vệ thôn làng. Rủi ro là ông đã bị thương nặng ở cả hai chân trong một trận pháo kích của quân đội Mỹ vào năm 1967 khi 15 tuổi. Ông được dân làng đưa vào vùng B Đại Lộc tại rừng Trường Sơn để điều trị. Do cuộc chiến càng ngày càng ác liệt, tỷ lệ thương vong ngày càng nhiều, thuốc men ở rừng sâu khan hiếm nên ông được gia đình đưa về điều trị tại nhà. Trong một trận càn quét vào làng để truy lùng bộ đội giải phóng, quân Mỹ đã đưa ông ra bệnh viện Đà Nẵng để điều tra rồi bỏ lơ chờ chết.

Khi Chiến dịch tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968 diễn ra, bom đạn Mỹ đánh phá các vùng quê ác liệt khiến bệnh viện Đà Nẵng bị quá tải. Ông Tịch tiếp tục được đưa đến bệnh viện điều dưỡng quân đội Mỹ ở Tuy Hoà, Phú Yên. Khi chiến trận dịu xuống, ông được đưa trở lại bệnh viện Đà Nẵng. Tại đây, ông may mắn gặp gỡ một nhóm bác sĩ và nhà thiện tâm yêu chuộng hòa bình ở Mỹ có tên là The Committee of Responsibility COR. Mục tiêu của họ là đưa một số trẻ em 12 tuổi trở xuống bị thương nặng sang Mỹ điều trị trong 6 tháng đến một năm. Ông Tịch là một trong số gần 100 đứa trẻ may mắn được lọt vào danh sách chọn đi Mỹ chữa bệnh dù ông 16 tuổi.

Cuộc hội ngộ của những người yêu nước

Khi đến Mỹ, một khung trời mới mẻ, bình yên đã mở ra trước mắt ông Tịch khác hẳn với những gì ông chứng kiến ở làng quê hẻo lánh khi lính Mỹ càn quét. Lúc ấy, ông được điều trị chăm sóc trong một môi trường sạch sẽ và đầy đủ tiện nghi với các bác sĩ, nhân viên y tế lịch sự, ân cần đầy tình người. Thương tật của ông ngày càng ổn định, có thể đi lại bằng nẹp sắt và đôi nạng gỗ. Và ông được một gia đình người Mỹ thương yêu, tình nguyện đưa về nuôi dưỡng và cho ăn học.

Ông Phạm Văn Tịch (người chống nạng) và Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc Hà Văn Lâu (hàng hai, thứ tư từ phải sang) năm 1981.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, hình ảnh làng quê nghèo chìm trong khói lửa chiến tranh vẫn thường xuyên ngự trị và đau đáu trong ông. Hàng ngày, qua tivi và báo chí Mỹ, ông Tịch vẫn dõi theo để tìm hiểu tin tức quê nhà. Đây cũng là thời gian ông Tịch được chứng kiến hàng loạt phong trào thanh niên sinh viên Mỹ xuống đường ở thành phố Berkeley đòi hoà bình, chấm dứt chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam. Là nạn nhân và là người trực tiếp chứng kiến cuộc chiến khốc liệt và tàn bạo của quân đội Mỹ ở Việt Nam, ông không thể dửng dưng ngồi yên chịu đựng trước cảnh tang tóc ở quê nhà.

Đó là thời điểm năm 1972, quân Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc Việt Nam khiến làn sóng phản chiến ở Mỹ lên cao. Trước tình hình đó, một số anh chị em du học sinh Việt Nam ở Mỹ đã cùng nhau xuống đường biểu tình phản đối Mỹ can thiệp vào Việt Nam. Ông Tịch cho biết, thời đó, số du học sinh rất ít, ở rải rác khắc nơi trên nước Mỹ nên việc tìm đến nhau không dễ dàng. Để tăng thêm sức mạnh tiếng nói của người Việt tại Mỹ phản đối chiến tranh, về sau, một số sinh viên đã tập hợp lại và thành lập Hội Liên hiệp Việt Nam tại Mỹ do ông Nguyễn Văn Lũy làm Chủ tịch. Đến năm 1975, khi miền Nam Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, Hội đổi tên thành Hội Việt kiều yêu nước tại Mỹ. Thời gian sau, Hội đổi tên một lần nữa thành Hội người Việt Nam tại Mỹ và vẫn do ông Nguyễn Văn Lũy làm Chủ tịch danh dự.

Sau năm 1975, Hội người Việt Nam tại Mỹ tiếp tục vận động các phong trào vì hoà bình phản đối Trung Quốc xâm lược Việt Nam và quyên góp các sách báo khoa học gửi về Việt Nam. Một số anh chị em tích cực tham gia vận động thành lập các trung tâm chuyển thuốc men, tiền, quà tặng về giúp thân nhân, bà con ở quê nhà đang gặp khó khăn. Hội đã tiếp đón các phái đoàn ngoại giao của Việt Nam tại Liên hợp quốc như Đại sứ Đinh Bá Thi, Đại sứ Hà Văn Lâu, Đại sứ Hoàng Bích Sơn... Ngoài ra, Hội còn đón tiếp các phái đoàn khoa học Việt Nam như GS Nguyễn Văn Hiệu - Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam đầu tiên sang thăm nước Mỹ, các cố GS. BS. Tôn Thất Tùng, cố GS Võ Thị Hồng Anh... và các phái đoàn dân sự khác.

Gặp gỡ người bạn lớn trong đời

Điều đặc biệt là trong những năm tháng ấy, ông Tịch đã may mắn gặp được một người tri kỷ. Ông nhớ lại, những ngày đầu đến Mỹ, ông ngơ ngác nằm cạnh hai người bạn Việt có cùng hoàn cảnh là nạn nhân chiến tranh đến Mỹ cùng một chuyến, tiếng Anh cả 3 một chữ bẻ đôi không biết giữa bao khuôn mặt xa lạ. Thi thoảng cũng có khuôn mặt Á châu đến thăm và dạy Anh văn nhưng họ là người Mỹ gốc Á không nói được tiếng Việt. Đến một ngày, có một người đàn ông tuổi cỡ trung niên, giọng nói nghe ra tiếng Việt dù khác với giọng quê Quảng Nam của ông, đến thăm. Sau khi chào hỏi, người đàn ông ấy nhấc túi xách để lên giường bệnh ông đang nằm, rồi bấm vào chiếc casset đặt trong đó rồi bài hát vang lên “Giải phóng Miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước…” khiến ông Tịch sững sờ ngạc nhiên.

Ông Phạm Văn Tịch trong lần về thăm quê hương năm 1995.

Người đàn ông đó là ông Nguyễn Văn Lũy – người đã thường xuyên tới bệnh viện thăm hỏi, động viên và đưa ông về nhà chơi. Từ đó, hai người gắn bó như anh em ruột thịt. Với ông Tịch, ông Lũy giống như một người cha, một người thầy giúp ông trau dồi nhiều thêm về lòng yêu nước. Hai ông còn sát cánh với nhau trong suốt chặng đường xuống đường chống chiến tranh ở Mỹ cho đến khi ông Lũy chọn trở về Việt Nam trút hơi thở cuối cùng vào năm 2003.

Ông Tịch cho biết, ông Nguyễn Văn Lũy là người Việt ở Mỹ đầu tiên một mình dám đứng lên phản đối chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam. Ông Lũy cũng đã vượt qua nhiều âm mưu hãm hại và nhục mạ với lòng vị tha hiếm có. Năm 1983, ông Lũy và vợ là bà Phạm Thị Lựu còn bị nhóm người Việt cực đoan ở Mỹ sát hại khiến ông Lũy bị thương nặng và bà Lựu chết trên đường đến cấp cứu. Vì ông Lũy không có con nên ông Tịch đã đưa ông về nhà bảo vệ và chăm sóc. Theo ông Tịch, vụ hạ sát vợ chồng ông Nguyễn Văn Lũy là một cú sốc kinh hoàng cho cả cộng đồng người Việt ở Mỹ lúc đó.

Nơi ấm cúng của sinh viên Việt

Ông Tịch luôn tin, là người Việt Nam dù sống ở đâu, không có ai muốn quên đi nguồn cội văn hóa của mình. Ở Mỹ, cộng đồng người Việt tuy còn khiêm tốn so với các cộng đồng khác nhưng văn hoá Việt rất phong phú, đặc biệt có nhiều món ăn như phở, bánh mì, bánh xèo, gỏi cuốn rất phổ biến và được người bản xứ rất ưa thích. Về đời sống tinh thần, mỗi năm Xuân về khắp nơi đều có hội chợ Tết, pháo hoa, mứt, bánh tét, bánh chưng, áo dài, khăn đóng khoe sắc màu dân tộc trên đất người...

Thế nhưng, trăn trở lớn nhất của thế hệ những người như ông Tịch là thế hệ trẻ có còn tiếp tục duy trì và giữ gìn văn hoá Việt không. Thực tế, nhiều bậc cha mẹ đã nhìn thấy con em mình sinh ra và lớn lên ở Mỹ bị tản mát và hụt hẫng về văn hóa gốc. Theo ông Tịch, mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn nếu như trong nước tăng cường thúc đẩy và duy trì văn hoá Việt ở nước ngoài bằng cách xuất khẩu văn hoá phẩm ra nước ngoài nhiều hơn, rộng hơn và đa dạng hơn. Đồng thời, trong nước cũng cần chú trọng đến việc tăng tính hấp dẫn trong phát triển dịch vụ văn hoá để thu hút con em người Việt ở Mỹ trở về du lịch tại quê cha đất tổ, cũng như có kế hoạch giúp đỡ các em tìm hiểu về nguồn gốc của mình...

Hiện tại, một trong những niềm vui của ông Tịch đến từ những sinh viên Việt Nam học tập và nghiên cứu ở trường đại học gần nhà ở Berkeley (California, Mỹ). Không có con, tuổi cao, bệnh tật nhưng ngôi nhà của ông Tịch lại là nơi ấm cúng để thi thoảng các em sống xa gia đình lui tới tụ tập và vui chơi. Ông cho biết, mỗi năm vào dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, các sinh viên lại tụ tập bên ông đón Tết, cùng nhau gói bánh, nấu bánh chưng, làm đèn lồng...