Đây là những dự án quy mô lớn, hiện đại, được gắn kết chặt chẽ với nhau tạo thành hạ tầng giao thông đồng bộ, hoàn chỉnh. Các dự án đã góp phần nâng tầm vị thế của Quảng Ninh, bước đầu phát huy những giá trị khác biệt.
Từ sáng kiến đổi mới, đột phá trong đầu tư hạ tầng giao thông
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2018, triển khai kế hoạch năm 2019 của Bộ Giao thông Vận Tải, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã khẳng định, các địa phương cần học tập Quảng Ninh, đây là điển hình trong cả nước về đổi mới, đột phá trong đầu tư hạ tầng giao thông. Nhìn từ Quảng Ninh, có thể thấy các công trình giao thông mới đã tạo được bứt phá nhanh chóng, hình thành các cửa ngõ giao thông quan trọng để tỉnh kết nối với quốc tế, động lực để thu hút đầu tư, phát triển đồng bộ hạ tầng cơ sở.
Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đón cùng lúc 2 tàu biển quốc tế cỡ lớn. (Nguồn: Quangninh.gov) |
Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước sở hữu sân bay tư nhân, cảng tàu khách chuyên biệt và tự làm đường cao tốc. Các dự án tuy mới đưa vào khai thác từ cuối năm 2018, tuy nhiên đang hoạt động hết sức hiệu quả.
Điển hình là Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn, đến nay đã có 3 hãng hàng không lớn nhất Việt Nam tổ chức khai thác tuyến, gồm Vietnam Airlines, Vietjet và Bamboo Airway với tổng số 30 chuyến bay đến và đi mỗi tuần, công suất trên mỗi chuyến bay đều đạt gần 70%. Theo thống kê từ Ban Quản lý Cảng, sau hơn 1 tháng khai thác, đã có khoảng 10.000 lượt hành khách thông qua đi tuyến Quảng Ninh – TP. Hồ Chí Minh và ngược lại.
Các chuyến bay đều đảm bảo an toàn, hiệu quả, công tác tổ chức khai thác Cảng được nhân dân, du khách ghi nhận và đánh giá cao. Cơ bản hành khách đều rất hài lòng về sự tiện ích, thuận lợi và an toàn của sân bay mới. Theo kế hoạch, ngày 28/2 tới đây, hãng hàng không quốc tế đầu tiên là Donghai Airlines (Trung Quốc) cũng sẽ mở đường bay từ sân bay Bảo An (Thâm Quyến, Trung Quốc) đến Vân Đồn với tần suất 3 chuyến/tuần.
Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu khách quốc tế đến với Hạ Long mà không phải qua chuyển tải, đảm bảo sự an toàn cho du khách, thiện cảm từ cái nhìn đầu tiên. Dù mới đưa vào khai thác từ tháng 12/2018, đến nay Cảng đã đón trên 20 chuyến tàu biển, đưa hơn 50.000 du khách cùng thủy thủ đoàn đến Hạ Long.
Ông Ted Mertens, du khách đến từ Mỹ, cho biết: Không giống những cảng tàu khách đã từng đi qua, cảng khách dùng chung với cảng hàng hóa, đến Hạ Long chúng tôi được đón tiếp khá ân cần bằng cảng khách chuyên biệt. Tôi rất hài lòng! Các bạn sở hữu nhiều danh thắng du lịch, có Vịnh Hạ Long, nay thêm hạ tầng cảng tốt, tôi tin rằng, du lịch của Quảng Ninh còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Đến… tự làm đường cao tốc
Đối với hạ tầng giao thông đường bộ, có lẽ Quảng Ninh đang là một trong những tỉnh sở hữu đường cao tốc dài nhất Việt Nam với tổng số gần 100km tính đến thời điểm này. Điều đặc biệt, các tuyến cao tốc đều do Quảng Ninh tự làm, khác hẳn với các tuyến cao tốc đang có trong nước do Chính phủ đầu tư.
Các tuyến đường đã cho thấy rõ vai trò kết nối của mình, rút ngắn thời gian di chuyển, liên kết chặt chẽ các khu kinh tế, cực tăng trưởng phía Bắc và các sân bay quốc tế gồm: Nội Bài (Hà Nội) - Cát Bi (Hải Phòng) - Vân Đồn (Quảng Ninh).
Trong quý I/2019, Quảng Ninh tiếp tục đầu tư cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, dự kiến hoàn thành trong 22 tháng thi công. Khi hoàn thành, Quảng Ninh sẽ sở hữu gần 200km đường cao tốc, đóng góp 1/10 vào kế hoạch có 2.000km đường cao tốc mà Chính phủ đang quyết tâm thực hiện. Các tuyến đường không chỉ tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận lợi, an toàn, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế các khu vực trong tỉnh, giao thương quốc tế qua cửa khẩu Móng Cái, phát huy vai trò là cửa ngõ kết nối ASEAN với Trung Quốc.
Đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. (Nguồn: Quangninh.gov) |
Với đa dạng các loại hình giao thông, có thể thấy rằng, đến nay Quảng Ninh đang là tỉnh có điều kiện kết nối với thế giới tốt nhất so với các tỉnh, thành khác trong khu vực miền Bắc. Điều này cũng là câu trả lời rõ nhất vì sao các tập đoàn lớn trong và ngoài nước đang tiếp tục triển khai các kế hoạch đầu tư mới ở Quảng Ninh, hình thành lên các khu kinh tế, cụm công nghiệp năng động. Nói như ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam tại lễ khởi công Dự án đầu tư KCN Sông Khoai của Tập đoàn Amata (Thái Lan) tháng 12/2018 vừa qua: Chọn đầu tư về Quảng Ninh vì họ nhìn thấy lợi ích của mình ở đó.
Hiện Quảng Ninh đã hoàn thiện và thông qua quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo hướng đồng bộ, tăng cường kết nối các khu vực trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của tỉnh; khai thác hiệu quả các loại hình vận tải, chú trọng vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics...
Từ định hướng này, tỉnh tiếp tục thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào hạ tầng giao thông, cả về cảng biển, đường sắt, đường bộ, đường không, liên thông với mạng lưới giao thông vùng, quốc gia và quốc tế. Tiếp nối những thành công, các dự án mới chắc chắn sẽ tiếp tục đưa Quảng Ninh vươn lên một tầm cao mới, là tỉnh phát triển năng động và hiệu quả.