Những món đồ kỷ niệm của ông Shaw đã được các cán bộ ngoại giao tâm huyết công tác ở Mỹ sưu tầm và đưa về nước vào cuối năm 2014. Mới đây, Bộ Ngoại giao đã tiến hành trao lại bộ kỷ vật trên cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu giữ.
Món quà từ nước Mỹ
Năm 1941, Việt Minh và tổ chức vũ trang mới được thành lập là Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân rất cần vũ khí để chống lại phát xít Nhật. Vào thời điểm này, Mỹ cũng tuyên chiến và đặt mục tiêu đánh bại Nhật trên khắp chiến trường châu Á – Thái Bình Dương. Họ rất có nhu cầu tìm đồng minh chống Nhật để thu thập thông tin tình báo và cứu giúp phi công Mỹ gặp nạn.
Tháng 3/1945, chiếc máy bay Mỹ do ông Rudolph Shaw lái bị quân Nhật bắn rơi tại Cao Bằng. Ông Shaw được Việt Minh cứu và chữa trị vết thương. Tuy công việc bận rộn nhưng đích thân Bác Hồ đã đưa ông sang Côn Minh để trao trả trực tiếp cho tướng Claire Chennault – Chỉ huy lữ đoàn không quân “Cọp bay” của quân đội Mỹ.
Với việc trực tiếp đưa phi công Mỹ sang Côn Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết hợp thành công sứ mệnh nhân đạo với sứ mệnh ngoại giao. Thông qua cuộc gặp mặt với tướng Claire Chennault, Người đã xác định được tính chính danh và khuếch trương thanh thế của Việt Minh trong khu vực và trên thế giới. Sau chuyến đi ấy, Mỹ và Việt Nam đã trở thành đồng minh trong cuộc chiến chống phát xít Nhật. Quân đội Mỹ đã cử đội “Con Nai” gồm một số sĩ quan OSS (tiền thân của CIA) nhảy dù xuống Cao Bằng để giúp đỡ về quân sự cho Việt Minh theo yêu cầu của Bác Hồ.
![]() |
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng một số thành viên đội “Con Nai”. |
Sau khi về Mỹ, viên phi công Rudolph Shaw đã giữ gìn rất cẩn thận những đồ dùng của ông trong thời gian ở Cao Bằng để làm kỷ niệm. Trong số những đồ vật ấy có bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhật ký, giấy tờ, thẻ thông hành có chữ ký của Bác...
Tại buổi bàn giao hiện vật giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 17/12 vừa qua, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO, Đại sứ Phạm Sanh Châu cho rằng, bộ hiện vật này là minh chứng hùng hồn về tầm nhìn và phong cách của nhà ngoại giao thiên tài Hồ Chí Minh. “Chúng ta vừa kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt - Mỹ nhưng những bước quan hệ đầu tiên giữa hai nước đã bắt nguồn từ rất sớm. Người đã đặt nền móng cho mối quan hệ ấy chính là Bác Hồ yêu quý của chúng ta”, Đại sứ Sanh Châu khẳng định.
Thực tâm của cụ Hồ!
Tháng 10/1995, sau khi Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, Thiếu tá Allison K.Thomas – một thành viên của đội "Con Nai" đã trở lại thăm Việt Nam. Nhớ lại những ngày tháng sống cùng các cán bộ Việt Minh trên chiến khu, ông kể lại rằng, để huấn luyện cứu phi công Mỹ, Bác Hồ đã mời nhóm đến dựng lại hoạt cảnh để những người nông dân được mục sở thị. “Ông ấy còn nhờ chúng tôi dạy họ phát âm khẩu lệnh “Tôi là Việt Minh” bằng tiếng Anh thật chính xác để không xảy ra những hiểu lầm đáng tiếc trong quá trình tiếp cận phi công. Chỉ qua những hành động nhỏ ấy thôi, tôi đã thấy Bác Hồ là người rất thực tâm”, ông Thomas nói.
Tại buổi bàn giao bộ kỷ vật, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng chia sẻ một câu chuyện rất thú vị về việc huấn luyện cho người dân cứu phi công Mỹ của Bác Hồ. Ông cho biết, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam còn lưu giữ một tấm bích chương do chính tay Bác Hồ vẽ (là phụ lục của tờ báo Việt Nam Độc Lập) để hướng dẫn người dân cách xử lý khi có máy bay rơi.
![]() |
Bích chương do Bác Hồ vẽ, hướng dẫn nhân dân cách cứu phi công Mỹ. |
Bích chương gồm tám bức tranh liên hoàn với nội dung: Khi nghe thấy tiếng nổ trên bầu trời, nhìn lên thấy máy bay rơi, người dân phải tiếp cận máy bay; khi thấy phi công nhảy dù, người dân phải nói “Tôi là Việt Minh” bằng tiếng Anh rồi đưa họ đi sơ cứu, thay quần áo và bàn giao cho đoàn thế. Đoàn thể sẽ đưa phi công sang Côn Minh (Trung Quốc) để trao trả cho quân đội Mỹ. Tấm bích chương còn có hình ảnh lá cờ Việt Minh và cờ Mỹ cùng câu thơ lục bát rất dễ nhớ: Quân đội Mỹ là bạn ta/ Cứu phi công Mỹ mới là Việt Minh.
Năm 1995, sau khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ, nhà sử học Dương Trung Quốc và các cộng sự đã tặng một tấm bích chương tương tự cho Chủ tịch tập đoàn IDG Patrick McGovern. Mười năm sau, trong chuyến thăm Mỹ, Thủ tướng Phan Văn Khải đã dự buổi gala dinner ở Boston trước khi về nước. Tại bữa tiệc ấy, doanh nhân McGovern đã mang món quà này ra giới thiệu với mọi người và tuyên bố: “Mỹ và Việt Nam từng là đồng minh chống phát xít. Giờ đây, tại sao chúng ta không là đồng minh trong hợp tác xây dựng?”
Cũng tại bữa tiệc này, chú của ông Patrick McGovern là Thượng nghị sĩ George McGovern chia sẻ rằng, ông từng là một phi công lái máy bay ném bom trong Thế chiến II nên rất hoan nghênh Việt Nam tham gia cuộc đấu tranh chống phát xít Nhật. Việc Bác Hồ và Việt Minh tham gia cứu phi công Mỹ bị quân Nhật bắn rơi trên chiến trường Đông Dương đã làm cho một cựu phi công như ông rất xúc động. Vì thế, ông đã sớm nhận ra sai lầm trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam từ rất sớm và luôn chủ trương đưa lính Mỹ về nước.
Nhân dịp này, ông Dương Trung Quốc tặng Bộ Ngoại giao một bức ảnh chụp Bác Hồ trong chuyến sang thăm nước Pháp năm 1946. Theo ông, có lẽ trong lịch sử ngoại giao thế giới, chưa bao giờ có một vị nguyên thủ quốc gia nào như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người sẵn sàng sang quốc gia đang đô hộ nước mình để vận động hòa bình. Trong chuyến đi kéo dài từ 31/5 đến 21/10, Bác chỉ có một tuần đầu tiên được đón tiếp với danh nghĩa thượng khách. Trong khoảng thời gian còn lại, Bác đến gặp nhân dân thuộc mọi tầng lớp trong xã hội Pháp để thực hiện ngoại giao nhân dân. Nỗ lực không ngừng nghỉ của Bác đã mang đến Tạm ước 14/9. |