Cha mẹ hãy là người “gác cổng” trên mạng xã hội của trẻ |
Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng không phải là vấn đề mới. Trong bối cảnh thông tin phát triển như hiện nay, làm sao để giáo dục trẻ cách ứng xử thông minh, sử dụng mạng xã hội để tránh nguy cơ sa ngã vào những “hố đen” trên mạng xã hội?
Giáo dục trẻ em cách ứng xử thông minh, sử dụng mạng xã hội an toàn để tránh nguy cơ sa ngã vào những “hố đen” trên mạng xã hội thực chất chính là việc cung cấp cho trẻ em kiến thức, kỹ năng. Qua đó để trẻ tự bảo vệ bản thân và tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Nói cách khác, đó là việc tạo “vaccine số” cho trẻ em, để trẻ có thể tự bảo vệ mình trước những nội dung xấu, độc hại trên môi trường mạng và có những tương tác lành mạnh, sáng tạo trên không gian mạng.
Nói đến giáo dục trẻ em, trước tiên phải nói đến vai trò của gia đình, nhà trường, giáo viên. Cha mẹ và các thành viên trong gia đình cần quan tâm, trò chuyện, động viên, khuyến khích trẻ em truy cập vào những trang web có nội dung lành mạnh. Hướng dẫn cho con em mình thời gian, phương thức tham gia mạng, cảnh báo những nguy cơ trẻ em có thể gặp phải trên môi trường mạng và cách thức xử lý.
Nhà trường đưa nội dung này vào chính khóa hoặc ngoại khóa để dạy cho trẻ em về kỹ năng sử dụng mạng an toàn, các tình huống và cách phòng tránh.
Có vai trò quan trọng không thể thiếu chính là của các nhà báo, phóng viên, các kênh thông tin truyền thông đại chúng, các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm cung cấp những thông tin, bài học, kỹ năng để cha mẹ, thầy cô giáo nhận thức và cập nhật các vấn đề trên môi trường mạng (do môi trường mạng luôn không ngừng biến đổi và biến đổi rất nhanh), từ đó có kiến thức, kỹ năng dạy trẻ em.
Những tác động và ảnh hưởng từ “thế giới ảo” đang ngày càng gia tăng và nguy hiểm. Vậy để tạo ra “lá chắn”, “màng lọc” cho môi trường Internet của trẻ em được lành mạnh, thì cần nỗ lực từ các bên liên quan thế nào, theo bà?
Trước tiên phải khẳng định bảo vệ trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nói riêng là một vấn đề liên ngành, cần sự phối hợp chung tay của nhiều ngành và của toàn xã hội.
Điều 54 của Luật Trẻ em quy định cụ thể về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới mọi hình thức. Cha mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật.
Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu năm nhiệm vụ, giải pháp chính đó là: Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý. Giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng. Triển khai các biện pháp, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực thực thi pháp luật. Tăng cường hợp tác quốc tế.
Trong quyết định này cũng đã giao trách nhiệm cụ thể đối với từng bộ, ngành liên quan cần phải làm gì, các doanh nghiệp, cơ quan truyền thông, ủy ban nhân dân các cấp cần làm gì, phối hợp như thế nào.
Rất mong trong thời gian tới nhiệm vụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng sẽ được quan tâm hơn và đẩy mạnh thực hiện hơn nữa.
Những cạm bẫy rình rập từ môi trường ảo giăng ra khá nhiều. Để trẻ em không trở thành nạn nhân của những rủi ro trên môi trường mạng, khâu phòng ngừa đóng vai trò quan trọng thế nào, thưa bà?
Để trẻ em không trở thành nạn nhân của những rủi ro trên môi trường mạng, công tác phòng ngừa đóng vai trò quan trọng và tiên quyết.
Phòng ngừa ở đây chính là việc tạo cho trẻ em thói quen, kỹ năng sử dụng mạng an toàn. Giúp trẻ em biết sử dụng lợi thế, kho tài nguyên vô tận trên mạng nhưng cũng biết cách phòng tránh những rủi ro, nguy hại rình rập.
Làm gì để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng trước đầy rẫy sự cám dỗ? Nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng, bất an khi thời gian con em tiếp cận Internet nhiều hơn. Bà có thể đưa ra lời khuyên cho phụ huynh?
Để bảo vệ trẻ trên không gian mạng, cha mẹ đóng vai trò quan trọng, tôi có một số gợi ý dành cho cha mẹ.
Thứ nhất, trao đổi với con để cùng đưa ra nguyên tắc về sử dụng Internet và điện thoại di động như: Không sử dụng điện thoại di dộng trong phòng ngủ vào buổi tối hoặc không sử dụng điện thoại sau khi đã tắt đèn đi ngủ.
Đặt thời gian biểu truy cập mạng để thời gian các em sử dụng mạng một cách phù hợp.
Khuyến khích tất cả thành viên gia đình dành thời gian cho các hoạt động chung, cùng nhau trò chuyện, chia sẻ
Đặt các thiết bị truy cập mạng như máy tính để bàn, lap top, máy tính bảng trong phòng khách/phòng chung của gia đình để giám sát việc sử dụng của con cái mình.
Thứ hai, sử dụng giải pháp công nghệ. Cài đặt thiết bị, phần mềm chống, chặn, lọc nội dung xấu, độc, không phù hợp với trẻ em trên các thiết bị truy cập mà con em mình thường xuyên sử dụng để hạn chế sự tiếp cận, sử dụng của các em.
Theo dõi lịch sử truy cập mạng hoặc sử dụng ứng dụng, thông tin trên các thiết bị dùng chung giữa phụ huynh và trẻ em để đưa ra lời nhắc nhở, chỉ dẫn phù hợp.
Nhưng cha mẹ cũng cần lưu ý việc sử dụng các giải pháp công nghệ cần dựa trên sự đồng thuận để giảm thiểu sự ngăn cách, mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái.
Thứ ba, điều quan trọng nhất của mọi giải pháp, đó là hãy trao đổi cởi mở, trò chuyện với con để biết được con thường truy cập, sử dụng nội dung nào và vì sao để hướng dẫn con cách tìm kiếm, sử dụng thông tin, hình ảnh phù hợp.
Đồng thời, hướng dẫn con cách kết bạn, giao tiếp, không chấp nhận lời kết bạn với người mình không biết ngoài đời thực; trên mạng mọi người có thể nói dối, đôi khi họ mạo danh người khác; trên mạng có thể có người xấu có thể lừa đảo, xâm hại người khác; không được chat webcam với người mình không biết ngoài đời thực.
Hướng dẫn con cách xử trí nếu gặp rắc rối hoặc lo lắng trên mạng thì cần nói lại với cha mẹ, thầy cô giáo ngay hoặc sử dụng dịch vụ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để được tư vấn, trợ giúp.
Để trẻ em không trở thành nạn nhân của những rủi ro trên môi trường mạng, công tác phòng ngừa đóng vai trò quan trọng và tiên quyết. (Nguồn: Tripwire) |
Bà có thể đưa ra những khuyến nghị gì để bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng?
Tăng cường vai trò của gia đình, cha mẹ và trường học trong việc huấn luyện, giám sát, hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn. Đồng thời, giúp trẻ biết cách nên và không nên khi sử dụng các tiện ích, ứng dụng trên mạng cũng như cách nhận biết các thông tin, video clip độc hại, không phù hợp, cách kiểm soát thông tin cá nhân. Cha mẹ cũng là những người “gác cổng”, áp dụng các biện pháp để chủ động bảo vệ trẻ em.
Tăng cường xây dựng các ứng dụng, trò chơi lành mạnh, thu hút sự tham gia của trẻ em tìm hiểu những kiến thức, kỹ năng bổ ích trên môi trường mạng.
Tiếp tục hoàn thiện, bổ sung quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em, bảo vệ trẻ em trên mạng; quy định về trách nhiệm, quyền hạn của Ủy ban nhân dân các cấp, cơ chế phối hợp liên ngành trong công tác phòng ngừa, tiếp nhận thông tin, can thiệp sớm, bảo vệ khẩn cấp, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng.
Xây dựng cơ chế giữa doanh nghiệp và Nhà nước để khuyến khích việc xây dựng các ứng dụng, phần mềm hay các nền tảng, trò chơi trực tuyến là sân chơi bổ ích cho trẻ em. Khuyến khích trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên không gian mạng, những công cụ để lọc tự động, báo cáo phát hiện về xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Qua đó, giúp nhanh chóng phát hiện hành vi xâm hại và tăng cường khả năng phòng ngừa.
Nhìn ra các nước trong khu vực ASEAN và trên thế giới, họ có những biện pháp gì để ngăn ngừa những nguy cơ trẻ gặp phải khi tiếp xúc với các thông tin xấu, độc hại trên mạng?
Năm 2019, các nước ASEAN đã thống nhất thông qua Tuyên bố về Bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến trong ASEAN. Năm 2021 đã thông qua Tuyên bố về xóa bỏ bắt nạt trẻ em trong ASEAN, trong đó có bắt nạt trẻ em trên môi trường trực tuyến.
Tuyên bố về Bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến trong ASEAN đã nêu những biện pháp chính như: Thúc đẩy, xây dựng và thực hiện khung pháp lý quốc gia tại từng nước thành viên ASEAN và hướng tới kiện toàn các nguyên tắc bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức lạm dụng và bóc lột trực tuyến tại các nước thành viên ASEAN.
Tăng cường thực thi pháp luật, nâng cao năng lực chuyên môn về tư pháp và pháp luật thông qua việc đào tạo thường xuyên, phù hợp và cập nhật, chia sẻ các điển hình tốt về bảo vệ trẻ em khỏi tất cả hình thức lạm dụng và bóc lột trực tuyến.
Khuyến khích việc thành lập một đơn vị chuyên trách cấp quốc gia với nhiệm vụ rõ ràng trong việc lãnh đạo, hỗ trợ và điều phối việc điều tra.
Nâng cao tính hiệu quả của các dịch vụ bảo vệ và hỗ trợ trẻ em dựa trên quyền và có đáp ứng giới, các chương trình phúc lợi xã hội.
Kiện toàn các cơ chế thu thập và giám sát dữ liệu, báo cáo và chuyển tuyến , thông qua các đường dây nóng nhằm báo cáo các tài liệu trực tuyến bị nghi ngờ là bất hợp pháp, bao gồm cả các tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em.
Thúc đẩy một chương trình giáo dục quốc gia và giáo trình giảng dạy ở trường học nhằm nâng cao nhận thức về bóc lột tình dục và các hình thức bóc lột trẻ em khác nhằm tăng cường quyền năng cho trẻ em, thanh niên, cha mẹ, người giám hộ, người chăm sóc, những cán bộ thực hành và cộng đồng.
Huy động và tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân và các bên liên quan khác để họ tích cực tham gia giám sát các biện pháp phòng chống và ứng phó thông qua các quy định của luật pháp, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và phối hợp nhằm xây dựng các biện pháp hiệu quả để phát hiện, gỡ bỏ và báo cáo nội dung bất hợp pháp liên quan đến lạm dụng và bóc lột trẻ em trực tuyến.
Xin trân trọng cảm ơn bà!