📞

Chẳng phải một mình một chợ, ‘bánh đà’ thu hút FDI cần tăng tốc hậu Covid-19

Hoàng Nam 09:39 | 01/07/2020
TGVN. 6 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút gần 16 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), là "bánh đà quan trọng' trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, để thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn nữa, chất lượng hơn nữa, Việt Nam vẫn cần "chạy nhanh hơn".
Theo các chuyên gia kinh tế, 'bánh đà' thu hút FDI có được trong 6 tháng đầu năm là nhờ Việt Nam đã khống chế thành công đại dịch Covid-19. (Nguồn: Shutterstock)

Đà… thu hút FDI tỷ USD

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm 2020, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần đạt 15,67 tỷ USD. Như vậy, dù chịu tác động của đại dịch Covid-19 nhưng số vốn FDI chỉ giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2019 - năm đỉnh cao trong thu hút FDI của Việt Nam.

Đáng chú ý, trong 6 tháng qua đã có nhiều dự án mới có số vốn đầu tư lớn hoặc giải quyết nhiều lao động vào Việt Nam. Trong tổng số 1.418 dự án mới với tổng vốn đăng ký đạt 8,44 tỷ USD, có dự án vốn đầu tư lớn nhất là 4 tỷ USD của Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu; Dự án Nhà máy sản xuất lốp xe Radian Jinyu Việt Nam, tổng vốn đầu tư 300 triệu USD tại tỉnh Tây Ninh; Dự án Victory - Nhà máy sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao tại Đồng Văn, tỉnh Hà Nam của Đài Loan (Trung Quốc), tổng vốn đầu tư 273 triệu USD...

Cả nước cũng có 526 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 3,7 tỷ USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ. Trong đó, Dự án tổ hợp hoá dầu Miền Nam Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 1,4 tỷ USD; Dự án Công trình văn phòng của Singapore, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 246 triệu USD...

Theo các chuyên gia kinh tế, 'bánh đà' thu hút FDI có được trong 6 tháng qua là nhờ Việt Nam đã khống chế thành công đại dịch Covid-19. Bởi qua thành công này, Việt Nam đã có cho thế giới thấy hai lợi thế mới. Thứ nhất là năng lực xử lý của Chính phủ với sự cố khủng hoảng toàn cầu. Thứ hai là khả năng chống chịu của nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp khi khủng hoảng xảy ra. Quý I và II/2020, Việt Nam vẫn ghi nhận tăng trưởng lần lượt là 3,82% và 1,81% trong khi nhiều quốc gia tăng trưởng âm.

Chính yếu tố thành công này, Việt Nam hiện được xem là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư và có lợi thế trong việc đón nhận dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển trên thế giới.

Bên cạnh đó, việc Quốc hội đã thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng được kỳ vọng sẽ tạo thêm cú hích thu hút FDI thời gian tới. Hiện Apple, gã khổng lồ công nghệ của Mỹ đã tuyên bố chọn Việt Nam để sản xuất 30% tai nghe không dây cho thị trường toàn cầu. Panasonic trong tháng 9 này cũng sẽ chuyển nhà máy từ Thái Lan sang Việt Nam...

'Bánh đà' thu hút FDI có thêm lực xúc tác khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành quyết định thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài. Nhiệm vụ của Tổ công tác là chủ động bằng các biện pháp linh hoạt, phù hợp để tiếp cận, đàm phán với các tập đoàn lớn, công nghệ cao, đứng đầu hoặc vận hành các chuỗi giá trị, nhằm vận động, xúc tiến, phù hợp với mục đích, yêu cầu hợp tác đầu tư cùng có lợi. Chính vì vậy, các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư đến từ Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… đang coi Việt Nam như là một điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Đó là chưa kể đến việc Việt Nam còn 154 tỷ USD vốn FDI đăng ký nhưng chưa giải ngân. Cùng với việc tạo điều kiện cho nhà đầu tư mới thì vô hình chung, chính sách này cũng gỡ vướng về mặt bằng, hay chính sách… cho các dự án đã được cấp giấy phép.

Như vậy, bên cạnh thành công trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 thời gian qua, những yếu tố trên cũng là tiền đề để nhà đầu tư xem xét.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 6, cả nước có 336 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 97,8 nghìn ha đã thành lập, trong đó có 261 KCN đi vào hoạt động và 75 KCN đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng. Tỷ lệ lấp đầy của các KCN đang hoạt động đạt khoảng 76%. Việc Việt Nam trở thành điểm sáng trong thu hút FDI sẽ tạo cơ hội lấp đầy các KCN trên cả nước.

Nhưng vẫn cần tăng tốc

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo, Việt Nam không phải “một mình một chợ” trong cuộc đua thu hút FDI hậu dịch Covid-19. Đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam là các nước ASEAN và một số nước châu Á khác như Ấn Độ...

Trong lần trả lời báo chí gần đây, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho biết, Ấn Độ mới đây đã công bố tiếp nhận 1.000 tập đoàn kinh tế lớn chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang và tuyên bố dành đủ diện tích đất, ưu đãi cho họ. Indonesia cũng tuyên bố thành lập 1 khu công nghiệp 400 ha đầu tiên để tiếp nhận doanh nghiệp dịch chuyển từ nước khác sang. Vì vậy, sự cạnh tranh giữa các quốc gia là khốc liệt.

GS. Nguyễn Mại cho rằng, muốn cạnh tranh với các đối thủ có tiềm lực đó, yếu tố quan trọng nhất là phải tiếp tục cải cách hành chính, môi trường đầu tư để trở nên hấp dẫn hơn và đặc biệt là Việt Nam cần phải làm "nhanh hơn". Cùng với đó, Việt Nam phải sớm tuyên bố với các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới là đã sẵn sàng tiếp nhận các dự án đầu tư. Đặc biệt, đối với các nhà đầu tư dịch chuyển từ nước khác vào Việt Nam cần phải làm nhanh các thủ tục để doanh nghiệp sản xuất, không thể bắt nhà đầu tư chờ đợi. Vì vậy, câu chuyện cải cách hành chính cần được thực hiện ráo riết, nghiêm túc.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tập hợp nghiên cứu các làn sóng đầu tư từ các nước trên thế giới, không chỉ riêng Trung Quốc, để có thể đón đầu. Các chuyên gia, đơn vị của Bộ này cũng đã tiếp cận các hiệp hội, các nhà đầu tư lớn để trao đổi về các gói hỗ trợ, giải pháp trong khuôn khổ pháp luật để tìm tiếng nói chung với nhà đầu tư. Cùng với đó, Bộ cũng đang phối hợp với các bộ, ngành để đưa ra các sửa đổi trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp nhằm thu hút đầu tư nước ngoài thời gian tới.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu mở rộng vốn của các doanh nghiệp FDI đã đăng ký, Bộ cũng cần xúc tiến đầu tư tại chỗ, tổ chức khảo sát tình hình các nhà đầu tư đã được cấp giấy phép hiện tại ra sao, vướng gì mà chưa giải ngân được… từ đó có sự điều chỉnh chính sách phù hợp.

Như vậy, cùng với quyết tâm ứng phó, dập tắt đại dịch là thúc đẩy mạnh mẽ thu hút FDI để phục hồi kinh tế. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đồng lòng để nền kinh tế tăng trưởng 4-5% trong năm nay cho thấy sức chống chịu của nền kinh tế vẫn lớn. Đây là thế mạnh của Việt Nam, một cơ hội lớn để Việt Nam tạo ra kỳ tích thu hút FDI trong thời hậu Covid-19.