Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chánh án TANDTC đã hội đàm với Ngài V.M. Lebedev, Chánh án TATC Liên bang Nga; thăm và làm việc với Tổng cục hỗ trợ tư pháp thuộc TATC Liên bang Nga, Tòa án tỉnh Moscow, và đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Nga.
Trong cuộc hội đàm, hai Chánh án Việt Nam và Liên bang Nga điểm lại mối quan hệ truyền thống đặc biệt hữu nghị giữa hai quốc gia và quan hệ hợp tác giữa hệ thống Tòa án hai nước.
Chánh án TATC Liên bang Nga giới thiệu một số thay đổi gần đây trong hệ thống pháp luật và Tòa án Nga. Tòa án Nga hiện nay đang phải đối mặt với áp lực công việc do số lượng vụ án phải thụ lý tăng rất lớn. Một trong những biện pháp xử lý nhanh và hiệu quả số lượng lớn vụ việc dân sự là áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn cho những vụ án đơn giản, đương sự không có quyền kháng cáo. Theo thủ tục này, Tòa án sẽ ra quyết định giải quyết vụ việc ngay, không cần nêu lý do, qua đó tiết kiệm nhiều thời gian giải quyết vụ án. Dự luật này do TATC xây dựng đã được trình lên Quốc hội để phê chuẩn.
Bên cạnh đó, Tòa án Nga cũng tăng cường hòa giải tiền tố tụng. Trước khi khởi kiện, các bên phải thông qua luật sư của mình để hòa giải, không thành công mới được đưa vụ việc ra Tòa án. Về hình sự, Tòa án Nga chủ trương đơn giản hóa và phi hình sự hóa một số hành vi trong bộ luật hình sự. Theo đó một số tội phạm trước đây bị coi là tội phạm hình sự, nay được xem là vi phạm hành chính. Thêm vào đó, Tòa án Nga đề nghị người phạm tội lần đầu đối với 80 hành vi của Bộ luật hình sự không bị coi là có tiền án. Làm như vậy để giảm nhẹ hậu quả của chế định tiền án, tiền sự đối với tương lai của người vi phạm. Tổng thống và Quốc hội Nga ủng hộ chủ trương này.
(Nguồn: ĐSQ) |
Về phần mình, Chánh án TANDTC Việt Nam Nguyễn Hoà Bình thông tin cho phía Nga về một số thay đổi trong hệ thống pháp luật Việt Nam và hoạt động của Tòa án Việt Nam trong tiến trình cải cách tư pháp. Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị Chánh án Nga ủng hộ đề xuất thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Trường Đại học Tư pháp Nga với Học viện Tòa án Việt Nam, nhằm hỗ trợ đào tạo giảng viên và giúp đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ thẩm phán cho Việt Nam.
Chánh án Việt Nam mời Chánh án Nga sang thăm chính thức TANDTC, trình bày bài giảng về nghiệp vụ xét xử cho giảng viên và học viên của Học viện Tòa án và các Thẩm phán trong hệ thống thông qua hình thức truyền hình trực tuyến. Chánh án Nga ủng hộ các đề xuất trên, và vui vẻ nhận lời mời sang thăm và giảng dạy tại Việt Nam, dự kiến vào mùa thu năm 2018.
Tại Tổng cục Hỗ trợ Tư pháp Nga, ông Tổng Cục trưởng đã giới thiệu về Hội đồng tư pháp Nga. Đây là cơ quan đại diện cho Cộng đồng Tư pháp Tòa án Nga. Hội đồng đóng vai trò quan trọng, hoạt động theo cơ chế họp 2 lần/năm, xem xét và phê duyệt báo cáo hằng năm của Tòa án Nga. Ngân sách Nhà nước chi cho Tòa án do Tổng cục Quản lý là hơn 3,5 tỷ USD/năm, được cấp theo nguyên tắc tăng dần. Nếu giảm ngân sách dưới 5% thì phải được Hội đồng Tư pháp đồng ý, giảm hơn 5% thì phải được Đại hội thẩm phán toàn Nga đồng ý. Ngân sách này được phân bổ đều hàng tháng trong năm. Nếu Bộ Tài chính không cấp tiền, thì theo qui định của luật, Tòa án Nga có quyền lấy tiền từ các tài khoản thuộc ngân khố nước Nga. Từ khi có qui định này, thì nguồn tài chính của Tòa án luôn được bảo đảm kịp thời.
(Nguồn: ĐSQ) |
Tại Nga, chế độ lương của Thẩm phán được bảo đảm bằng luật với nhiều ưu đãi khác nhau như: Mức lương của Thẩm phán bằng 1,5 lần công chức tương ứng khác, lương hưu bằng khoảng 80% lương bình thường, thẩm phán được hưởng nhiều chế độ miễn phí như bảo hiểm tài sản, tính mạng, nghỉ ngơi…
Tại Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình đã gặp gỡ làm việc với Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Ngô Đức Mạnh và nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán về tình hình kinh tế xã hội trong nước, công tác xây dựng Đảng, kết quả hoạt động của Ban chỉ đạo trung ương phòng chống tham nhũng và thông báo về các vụ án tham nhũng lớn đang điều tra, truy tố, xét xử.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình thăm Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga. (Nguồn: ĐSQ) |