Với Đại sứ Việt Nam tại Nga Ngô Đức Mạnh (nhiệm kỳ 2018-2021), bạn bè ông hay nhiều thế hệ người Việt từng đi qua những tháng năm chiến tranh rồi bỡ ngỡ bước chân vào hòa bình, Liên Xô, nước Nga, lý tưởng của người Nga đẹp đẽ vô cùng… “Tình yêu” ấy đến nay vẫn bỏng cháy và thiêng liêng. |
Thưa Đại sứ, với nhiều thế hệ người Việt Nam, nước Nga luôn có một vị trí rất quan trọng trong trái tim. Thơ ca, văn học, người Nga… trở thành miền ký ức đáng trân trọng, xúc cảm mãnh liệt nhất với nhiều người Việt. Câu chuyện, tình yêu với văn hóa của xứ sở bạch dương ấy với thế hệ của Đại sứ gợi lại những gì? Thế hệ chúng tôi lớn lên trong chiến tranh ác liệt, thiếu thốn đủ thứ nên lúc nào cũng đau đáu ước mong ngày đất nước hòa bình, thống nhất. Vì thế, nguồn văn hóa tinh thần của chúng tôi chính là những tác phẩm văn học cách mạng mà nền văn học Xô viết, đặc biệt là từ nước Nga. Đây là món ăn tinh thần rất quý đối với nhiều thế hệ người Việt Nam. Từ bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Konstantin Simonov Đợi anh về - “Vì sao anh chẳng chết? Nào bao giờ ai biết/ Có gì đâu em ơi/ Chỉ vì không ai người/ Biết như em chờ đợi”, đến các tác phẩm điện ảnh như bộ phim Giải phóng của Yury Ozerov về chiến tranh Vệ quốc 1941-1945 vĩ đại, rồi những cuốn sách như Thép đã tôi thế đấy của Nikolai Ostrovsky đã trở thành những tác phẩm văn học “gối đầu giường” của nhiều thanh niên thuở trước.
Đó là hình ảnh cao đẹp với nghị lực phi thường của người lính Hồng quân khắc sâu trong tâm trí của nhiều thế hệ người Việt. Những câu nói bất hủ của nhân vật Pavel Corsaghinđược chép tay trong sổ nhật ký, truyền tay đọc, lưu bút, trở thành những câu cửa miệng động viên tinh thần, thành lẽ sống của biết bao thế hệ thanh niên Việt Nam ở cả hậu phương miền Bắc hoặc trên tiền tuyến chống xâm lược. |
Có thể nói rằng, những tác phẩm văn học Xô viết mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, thôi thúc con người sống cuộc sống ý nghĩa giữa muôn trùng thách thức tưởng không thể vượt qua. Văn học Xô viết như liều thuốc chữa lành những vết thương rỉ máu trên chiến trường ác liệt. Rất nhiều nam nữ thanh niên Việt Nam được truyền cảm hứng qua các nhân vật trong các tác phẩm văn học Liên Xô mà xếp bút nghiên, tình nguyện lên đường nhập ngũ, chiến đấu vì những lý tưởng cao cả. Rõ ràng, dòng chảy văn hóa đã kết nối nhiều thế hệ người Việt Nam với Liên Xô, với nước Nga ngày nay. Thông qua đó, chạm tới tâm hồn cao đẹp của người Việt Nam về sự kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu chống phát xít cũng như đồng cảm trước những hy sinh to lớn trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại; bồi đắp nên những tình cảm quý mến đối với đất nước, văn học và người dân Nga. Khi lớn lên, vào đại học, chúng tôi có điều kiện được tiếp cận, tiếp xúc nhiều hơn với những tác phẩm văn học nổi tiếng của Liên Xô, của nước Nga và thực sự ấn tượng về nền văn hóa đặc sắc, tính cách con người bộc trực, bình dị. Trong nhiều thập kỷ, tiếng Nga được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam, rất nhiều người Việt đã đi học ở Liên Xô, Nga và trở về phục vụ công cuộc phát triển đất nước. Đây chính là lực lượng góp phần lan tỏa hình ảnh về đất nước và con người Nga, tạo nên một dòng chảy ân tình rất mãnh liệt từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trong tâm hồn nhiều người Việt luôn có một góc chân thành dành cho nước Nga bởi sự đồng cảm về những mất mát, hy sinh to lớn trong cuộc chiến tranh vệ quốc, cũng như lòng biết ơn vì sự giúp đỡ to lớn của người Nga đối với Việt Nam trong công cuộc kháng chiến và xây dựng hòa bình.
Ở chiều ngược lại, văn học Việt Nam, đặc biệt trong những năm 70, 80 của thế kỷ trước, được phổ biến rất rộng rãi ở Liên Xô và ở nước Nga. Các ngày, tuần, tháng văn hóa Việt Nam được tổ chức khá thường xuyên ở Liên Xô, ở Nga càng làm cho tình cảm gắn bó giữa hai dân tộc thêm khăng khít. Đó là những điều mà thế hệ tôi cũng như nhiều thế hệ người Việt Nam đã cảm nhận được một cách sâu sắc, trở nên gần gũi và là một phần không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của người dân. |
Trải qua 74 năm với không ít những thăng trầm, đổi thay của thời cuộc, “mối tình” Việt-Nga, theo Đại sứ, được xây nên bởi những nền tảng vững chắc nào để “trường tồn” với thời gian? Vào những năm tháng khó khăn nhất, người dân Việt Nam luôn nhận được sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của người dân Nga trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và tiếp đến trong sự nghiệp xây dựng hòa bình sau chiến tranh. Sự giúp đỡ to lớn của nước Nga, của nhân dân Nga chính là nguồn động viên, minh chứng rõ rệt cho tình hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho tình hữu nghị bền chặt giữa nhân dân hai nước. Cách đây hơn 100 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đến nước Nga - sự kiện lịch sử đã tạo ra bước ngoặt quan trọng trên con đường tìm đường cứu nước của Người và cũng là bước ngoặt quyết định đối với cách mạng Việt Nam. Trong cuộc đời bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt chân đến rất nhiều quốc gia nhưng Liên Xô là nơi Người có thời gian gắn bó lâu nhất.
Liên Xô là một trong những nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Chính phủ của nước Việt Nam mới vào ngày 30/1/1950. Từ đó cho đến nay, mối quan hệ Việt-Nga ngày càng bền chặt, thể hiện ở quan hệ chính trị có độ tin cậy cao và không ngừng được củng cố. Việc trao đổi đoàn các cấp, nhất là đoàn cấp cao được thực hiện thường xuyên và diễn ra trên tất cả các kênh, từ kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội cho đến địa phương. Hai bên duy trì nhiều cơ chế hợp tác phù hợp như đối thoại chiến lược ngoại giao-quốc phòng-an ninh thường niên. Tổng thống Vladimir Putin nhiều lần đến thăm chính thức Việt Nam, lần đầu tiên vào năm 2001, chỉ một thời gian ngắn sau khi đảm nhận chức vụ Tổng thống Nga. Việt Nam và Nga hợp tác đa dạng trong mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh cho đến giao lưu nhân dân và hợp tác địa phương. Rất nhiều công trình, nhà máy do Liên Xô và Nga giúp xây dựng hiện đang đang phát huy hiệu quả to lớn đối với nền kinh tế như thủy điện Hòa Bình, cầu Thăng Long, xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro… Tôi đặc biệt ấn tượng với giao lưu giữa nhân dân hai nước thông qua rất nhiều kênh phong phú như giữa các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, hội hữu nghị của Việt Nam với các đối tác Nga, các tỉnh, thành phố Việt Nam kết nghĩa với các chủ thể của Liên bang Nga. Điều này góp phần mở rộng các mối quan hệ không chỉ ở cấp trung ương mà cả ở cấp địa phương, tạo nên cơ sở xã hội rất bền chặt của mối quan hệ giữa hai nước. Tất cả những điều trên giúp cho tình hữu nghị, sự hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Nga vượt qua được những khó khăn, thăng trầm của lịch sử, bảo đảm nền tảng vững chắc cho mối quan hệ này trường tồn với thời gian cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Là người gắn bó với xứ sở bạch dương qua nhiều thập kỷ, có câu chuyện nào về những người bạn Nga khiến Đại sứ muốn chia sẻ và lan tỏa? Tôi tin chắc rằng mỗi người chúng ta đều đã từng biết, nghe kể ít nhiều những câu chuyện đẹp về tình cảm quý mến giữa những người dân hai nước với nhau, nhất là với những ai đã từng có thời gian sống, làm việc, học tập ở Nga. Đất nước đó là nơi đã gieo mầm của tình yêu đôi lứa hay khởi đầu sự nghiệp của bao chàng trai, cô gái Việt.
Trong nhật ký công tác của mình, tôi đã nhiều lần chứng kiến tình cảm ấm áp của lãnh đạo, chính quyền trung ương cũng như địa phương và người dân Nga đối với Việt Nam. Đến giờ tôi vẫn nhớ như in việc chuẩn bị cho lễ đặt phiến đá gắn biển khẳng định vị trí sẽ dựng tượng Bác Hồ trên phố Hồ Chí Minh chỗ giao nhau với đại lộ Khai sáng vào buổi chiều Đông ngày 7/10/2020 ở thành phố Saint Petersburg. Hôm đó, thời tiết có mưa nhỏ, khá lạnh. Bà Arina Aleksandrovna, Phó quận trưởng quận Vyborgsky thuộc thành phố Saint Petersburg có mặt vào đầu giờ chiều để chỉ đạo công việc. |
Do phiến đá “tưởng không nặng mà nặng không tưởng” hơn 10 tấn nên việc lắp đặt vào vị trí bị kéo dài, vất vả hơn dự kiến, chiếc cẩu thứ nhất không đủ sức nâng nên phải điều gấp cần cẩu thứ hai đến. Đến cuối giờ chiều muộn, khi biết bà Arina Aleksandrovna không thể về nhà như đã hẹn, anh Anton, chồng của bà Phó quận trưởng đã vội chạy xe đến và trực tiếp vào việc. Rất nhanh nhẹn trong từng động tác, anh giúp buộc dây cáp vải vào phiến đá rồi ra hiệu hướng dẫn thợ lái máy để từ từ cẩu tảng đá xuống. Rồi anh cẩn thận lấy những con lăn chèn vào cho phiến đá khỏi xê dịch, cân chỉnh sao cho đặt đúng vị trí, cân đối và mặt chính của phiến đá hướng vào đài lễ. Trong ánh sáng phố đã lên đèn, khuôn mặt anh lấm tấm mồ hôi và ửng đỏ vì lạnh trông càng đẹp hơn. Tất cả đều vui vì đã kịp chuẩn bị chu đáo cho buổi lễ được tổ chức vào sáng sớm hôm sau. Nhiều người dân Nga ở khu vực xung quanh đã kéo nhau đến xem, mỗi lúc một đông, tò mò muốn biết cái gì đang diễn ra tại khu vực mình đang sống. Khi được biết nơi này sẽ dựng tượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi người rất phấn khởi. Nhiều người mang cả con trẻ đến để cùng trò chuyện, thậm chí có người mang nước chè nóng ra mời để xua cái lạnh đang bủa xuống. Hết nhiệm kỳ trở về nước, hơn 2 năm sau, vợ chồng tôi được chính quyền thành phố Saint Peterburg mời trở lại Nga để dự lễ khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay ở quảng trường chỗ đặt phiến đá vào ngày 30/6/2023 đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đến Petrograd, nay là Saint Petersburg. Xuất phát từ tình cảm quý mến đối với Bác Hồ, với đất nước Việt Nam, chính quyền thành phố cùng người dân Saint Petersburg ngay từ đầu đã ủng hộ chủ trương đặt tượng đài Hồ Chí Minh ở một vị trí “đắc địa” của thành phố và làm mọi cách để kịp khánh thành tượng đài theo đúng ý định. Ngày hôm đó, tôi vô cùng cảm động, trong không khí rợp cờ hoa và những giai điệu thiết tha của những bài hát Nga, Việt nổi tiếng, người dân hai nước trong tay cầm những bông hoa cẩm chướng đỏ tươi, thành kính đặt lên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều người dân Nga, các cụ già, cựu chiến binh, thanh niên đến từ các khu vực lân cận của thành phố Saint Petersburg, nhiều người có mặt từ sáng sớm để chứng kiến buổi lễ. Đây chính là tình cảm thiêng liêng của họ dành cho Bác Hồ khiến tôi thực sự cảm kích cho đến tận bây giờ. |
Tổng thống Vladimir Putin đã khẳng định, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất của Nga tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Năm 2024 đánh dấu 30 năm hai bên ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Nga (1994-2024). Nhìn vào bức tranh chung của quan hệ Việt-Nga hiện nay, Đại sứ nhận định như thế nào về cơ hội hợp tác giữa hai nước? Tôi hoàn toàn có niềm tin về sự phát triển không ngừng của mối quan hệ Việt-Nga. Trước hết, rõ ràng, hai nước dành cho nhau những tình cảm quý mến cũng như những đánh giá hết sức quan trọng trong quan hệ với mỗi nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh về việc tăng cường, phát triển quan hệ với Liên bang Nga. Trong bài phát biểu nhân chuyến thăm chính thức đến Liên bang Nga năm 2018, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ tiếp tục tăng cường mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong các điều kiện mới, cùng nhau làm sâu sắc các mối quan hệ chính trị song phương, củng cố quan hệ và đoàn kết chiến lược, nâng cao hiệu quả hợp tác trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại và đầu tư, cũng như trong quốc phòng và hợp tác kỹ thuật quân sự”. Thứ hai, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam-Liên bang Nga được thử thách qua thời gian và không ngừng phát triển về mọi mặt. Ở Việt Nam vẫn còn đó những công trình do Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay xây dựng, đã và đang phát huy hiệu quả đối với nền kinh tế quốc dân. Thứ ba, Nga là một trong những cường quốc về năng lượng, nông nghiệp, khoa học kỹ thuật và có rất nhiều tiềm năng để tiếp tục phát triển. Nền kinh tế hai nước mang tính bổ trợ cho nhau. Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm Nga như dầu mỏ, phân bón, vật liệu sản xuất, các sản phẩm công nghệ cao để phục vụ sản xuất, tiêu dùng; đồng thời cũng có thế mạnh xuất khẩu sang Nga các mặt hàng nông sản nhiệt đới, thủy sản, thực phẩm, đồ tiêu dùng, hàng điện tử... Hai nước đã tham gia vào các hiệp ước, hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU). Thị trường Nga rộng lớn và Việt Nam cũng là điểm đến ưa thích của người dân Nga, nhất là trong lĩnh vực du lịch biển, nghỉ dưỡng.
Tôi cho rằng tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rất lớn. Thống kê cho thấy, năm 2023, mặc dù có những khó khăn nhất định, nhưng kim ngạch thương mại hai chiều vẫn tăng đáng kể, tăng 2,3% so với năm 2022. Tôi cũng nhận thấy một vài trở ngại trong cơ chế thanh toán bằng đồng nội tệ, hay việc triển khai một số dự án còn bị chậm. Việt Nam chưa khai thác tốt tiềm năng, lợi thế đối với một thị trường rộng lớn như Nga, nhất là nhu cầu về hàng tiêu dùng. Việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn do khoảng cách địa lý, nhưng đó là những khó khăn chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua. Với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hai bên, tôi tin tưởng vào triển vọng tích cực của sự hợp tác về kinh tế, thương mại cho cả hai nước. Dự kiến, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có chuyến thăm chính thức Việt Nam (19-20/6), Đại sứ đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của chuyến thăm đối với quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga? Tổng thống Nga đã nhiều lần thăm Việt Nam và chắc chắn cá nhân Tổng thống có nhiều tâm huyết cho việc thúc đẩy quan hệ song phương, thưa Đại sứ?
Chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Vladimir Putin đến Việt Nam diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Putin vừa mới tái đắc cử Tổng thống Nga vào tháng Năm sau khi giành được sự tín nhiệm rất cao của người dân. Ông vừa mới đi thăm Trung Quốc và hai nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập là Belarus và Uzbekistan. Năm nay, đánh dấu 30 năm ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Nga (1994-2024). Trong bối cảnh đó, việc thực hiện chuyến thăm cho thấy cả hai nước Nga và Việt Nam luôn coi trọng, dành sự ưu tiên cao trong chính sách đối ngoại của mình để tăng cường mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam, ngày 12/11/2013, Tổng thống Putin đã từng phát biểu: “Quan hệ giữa Nga và Việt Nam có tính chất đặc biệt, thậm chí còn hơn cả chiến lược. Chúng ta có điểm chung, theo nghĩa đầy đủ của từ đó là quá khứ anh hùng cùng nhau hợp tác đấu tranh, trong đó có cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam, rất nhiều công việc chung vì sự hồi sinh sau chiến tranh và triển vọng vô cùng tốt đẹp cho tương lai”. Chính vì vậy, chuyến thăm thứ 5 của Tổng thống Putin đến Việt Nam lần này có ý nghĩa rất quan trọng, là dịp để nguyên thủ, lãnh đạo hai nước bàn thảo những định hướng cơ bản, vạch ra tầm nhìn chiến lược, từ đó có những chỉ đạo sâu sắc, tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Thực hiện: Phương Hằng | thiết kế: Lim Dim | Ảnh: NVCC, TTXVN… |