Theo tờ này, nguy cơ nền kinh tế ngày càng tụt hậu xa hơn và đang trở nên "lạc điệu" là thách thức lớn, đặt ra cho kinh tế Việt Nam trên con đường vươn tới khát vọng trở thành con hổ châu Á. Để đạt được điều đó, Việt Nam sẽ cần phải có thêm lòng dũng cảm, bởi con đường khó khăn hơn vẫn còn đang ở phía trước.
Một trong những vấn đề lớn nhất mà Việt Nam đang gặp phải chính là tình trạng đầu tư kém hiệu quả và lãng phí. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân của Việt Nam đều có mức hiệu quả đầu tư rất thấp, 1 đồng đầu tư chỉ tạo được 0,7 đồng doanh thu. Con số này tương đương với hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc, vốn đang bị xem là gánh nặng của nền kinh tế nước này.
Hình minh họa. (Nguồn: Harvard Politic Review) |
Hiệu quả đầu tư của Việt Nam thấp có một phần nguyên nhân là sự dàn trải quá nhiều của các tập đoàn kinh tế. Theo số liệu của OECD, một tập đoàn Việt Nam hoạt động bình quân trên khoảng 6 ngành khác nhau.
Ngoài ra, theo số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), mặc dù Việt Nam được hưởng lợi khá nhiều từ các dòng vốn FDI dồi dào, nhưng chỉ có 36% số doanh nghiệp được tham gia vào chuỗi giá trị xuất khẩu, so với gần 60% tại Malaysia và Thái Lan. Tỷ lệ đóng góp của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào kim ngạch xuất khẩu cũng rất thấp so với các quốc gia khác.
Trong một số trường hợp, có vẻ như Việt Nam đang đặt ra mục tiêu quá cao. Nhiều người đã tỏ ra lạc quan về việc Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) có kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam để sản xuất điện thoại di động. Trên thực tế, không có nhiều doanh nghiệp nội được tham gia vào chuỗi cung ứng của hãng này, ngoại trừ phần bao bì.
Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ còn phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách tương đương hơn 6% GDP trong năm nay. Sang năm 2017, Việt Nam cũng không còn được nhận vốn vay ODA ưu đãi từ WB.