📞

Chắp cánh cho thủ công mỹ nghệ Việt

08:00 | 10/07/2016
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ là sản phẩm văn hoá có tính nghệ thuật cao và được coi là biểu tượng của nghề truyền thống. Tuy nhiên, thế mạnh này dường như chưa tạo được điểm nhấn ấn tượng trong phát triển du lịch bền vững của Việt Nam.

Nhờ sự chăm chỉ, khéo léo và khả năng sáng tạo của con người Việt Nam, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam vô cùng phong phú và đặc sắc. Những mặt hàng thủ công mỹ nghệ thể hiện sự tài hoa của bàn tay con người đã trở thành thế mạnh quan trọng trong phát triển du lịch Việt Nam.

Kết tinh văn hóa

Ngay từ khi phát hiện ra các sản phẩm trống đồng Đông Sơn, trống đồng Ngọc Lũ, thế giới đã biết đến một nền văn hoá Việt qua những sản phẩm phản ánh sinh động và sâu sắc văn hoá và xã hội thời đại Hùng Vương. Đến nay, những sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang đậm tính văn hoá biểu tượng đã được xuất khẩu ra toàn thế giới, giúp người dân khắp 5 châu tìm hiểu phần nào về văn hoá của Việt Nam.

Đây cũng chính là điểm thu hút mạnh mẽ đối với khách hàng nhất là khách quốc tế, nó trở thành một ưu thế cho hàng thủ công mỹ nghệ so với các mặt hàng khác. Khi đến với Việt Nam, đa số du khách đều muốn mang theo về nước một món đồ thủ công mỹ nghệ, bởi những sản phẩm này luôn chứa đựng những gì tinh tế nhất của một nền văn hóa. Điều đó có được nhờ vào đôi bàn tay khéo léo và đầu óc sáng tạo của người thợ, người nghệ nhân. Sản phẩm làm ra vừa có giá trị sử dụng nhưng lại vừa mang dấu ấn tài hoa của người thợ và nét độc đáo của một miền quê nào đó. Chính nhờ hàm lượng văn hoá này mà các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được đánh giá cao hơn nhiều so với hàng công nghiệp sản xuất hàng loạt.

Nhờ vậy, không chỉ là sản phẩm văn hoá - du lịch, hàng xuất khẩu, hàng thủ công mỹ nghệ còn là bộ phận không thể thiếu trong hoạt động của ngành du lịch. Các làng nghề sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ đã góp phần làm cho các tour du lịch thêm phong phú.

“Độc lập tác chiến”

Giá trị là vậy nhưng không thể không nhìn nhận một thực tế là các làng nghề gặp vô vàn khó khăn như thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, mặt bằng sản xuất, phải giải quyết các vấn đề khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường… Cách làm “độc lập tác chiến”, tức là mạnh ai nấy làm, quảng bá nhỏ lẻ, không nằm trong một chiến lược phát triển chung nào, đồng thời với việc thiếu thông tin kinh tế đã khiến nhiều hộ dân làng nghề lao vào sản xuất mà không tiêu thụ được hàng hoá, không ít làng nghề đã rơi vào tình trạng phá sản.

Bên cạnh đó, việc thả nổi chất lượng sản phẩm ở một bộ phận hộ dân làng nghề hiện nay đã vô tình kéo lùi sự phát triển của thủ công mỹ nghệ trong phát triển du lịch. Cho dù đó chỉ là những “con sâu bỏ rầu nồi canh” nhưng những hạt sạn như vậy trong sản xuất sản phẩm văn hóa sẽ khó được du khách chấp nhận.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng: "Chúng ta không thể đưa khách đến tất cả các làng nghề mà chúng ta có mà phải lựa chọn những làng nghề tiêu biểu đặc sắc nhất, từ đó đầu tư cho hạ tầng để kết nối du lịch, kết nối dịch vụ, chú trọng công tác quản lý điểm đến, kiểm soát về an ninh, vệ sinh môi trường".

Chắp cánh cho làng nghề

Theo bà Đỗ Thị Tuyết Minh - Giám đốc Công ty Genexim - chuyên xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, Việt Nam được biết đến là một trong những nước có ngành thủ công mỹ nghệ phát triển. Mặt hàng làm bằng tay được xuất khẩu sang nhiều nước châu Âu, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc... và thậm chí là cả các nước Đông Nam Á như Philippines, Thái Lan... Từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, các làng nghề Việt Nam bắt đầu hút khách hàng và khách du lịch đến tận nơi để chiêm ngưỡng việc sản xuất thủ công và mua những mặt hàng độc đáo tại gốc.

Khi du lịch nước nhà phát triển thành ngành “kinh tế mũi nhọn” thì sản phẩm thủ công mỹ nghệ cũng góp phần làm tăng sức hấp dẫn du khách và một số làng nghề đã trở thành những điểm đến thu hút đông khách trong nước và quốc tế.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, khi hàng hoá tiêu dùng công nghiệp hiện đại tràn ngập thị trường, sản phẩm thủ công đứng trước những thách thức hết sức gay gắt. Tình hình mới đòi hỏi các làng nghề Việt Nam phải mở rộng thị trường, tìm “đầu ra” cho sản phẩm. Muốn vậy phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi mẫu mã phù hợp với nhu cầu, thị hiếu khách hàng, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm.

Bên cạnh việc mở nhiều tuyến du lịch làng nghề đến những nơi có sản phẩm thủ công mỹ nghệ nổi tiếng có bề dày văn hoá lâu đời thì làng nghề cần được tham gia các sự kiện quảng bá văn hoá Việt Nam ở các nước. Đồng thời, việc cọ xát với thị trường quốc tế giúp làng nghề nắm bắt thông tin nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, giải quyết vấn đề rất bức xúc của làng nghề hiện nay là sáng tạo mẫu mã như thế nào, áp dụng công nghệ hiện đại ra sao để đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của khách hàng từng nước cụ thể nhằm tìm “đầu ra” cho xuất khẩu.