📞

Chất lượng ngoại ngữ: Vì sao chưa được như kỳ vọng?

06:00 | 22/10/2016
Đề án Ngoại ngữ Quốc gia với tổng kinh phí khoảng gần 10.000 tỉ Đồng đã được Bộ GD&ĐT triển khai từ 8 năm trước. Mục đích là đưa thanh niên Việt Nam hội nhập với thế giới bằng khả năng giao tiếp và sử dụng tiếng Anh thành thạo, tự tin. Thế nhưng, sau khi đi được 2/3 chặng đường, chất lượng dạy và học Ngoại ngữ ở nước ta vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.

TG&VN đã có cuộc trao đổi vấn đề này với Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Lâm - Phó trưởng Khoa Đào tạo Đại cương – Trường Đại học Hà Nội – cũng là giảng viên Đào tạo Tiếng Anh của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 cho giáo viên tiếng Anh các cấp THCS, THPT, Cao đẳng, Đại học.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Lâm - Giảng viên Trường Đại học Hà Nội. (Ảnh: YN)

Thưa anh, Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 đã đi được 2/3 chặng đường với gần 10.000 tỉ Đồng được đầu tư nhưng hiệu quả mang lại theo nhiều đánh giá là chưa tương xứng. Như vậy, sau 8 năm thực hiện đề án này, mục tiêu đề ra và kết quả đạt được vẫn còn khá xa nhau. Theo anh thì đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này?

Không thể phủ nhận mặt tích cực của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đã và đang thực hiện góp phần đổi mới toàn diện việc dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, mục tiêu đề ra chưa được như sự kỳ vọng là do một số nguyên nhân. Thứ nhất là chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chưa có lộ trình phù hợp cho người học, tham gia đánh giá như thời gian chuẩn bị cho người học quá gấp gáp, gây áp lực.

Thứ hai là chuẩn đầu ra áp dụng cho các đối tượng chưa phù hợp. Ví dụ như cùng giáo viên THCS và THPT nhưng yêu cầu với giáo viên giảng dạy tại các thành phố lớn nên khác với giáo viên tại vùng sâu vùng xa.

Thứ ba, công tác kiểm tra, đánh giá chưa thực sự hiệu quả, quá trình ôn tập ngắn ngày, thi cử còn mang tính “chiếu lệ”, đối phó là chính.

Chất lượng giáo viên thường được đề cao, được coi là yếu tố quyết định cho việc dạy và học Ngoại ngữ. Nhưng hiện nay, việc cấp chứng chỉ đạt chuẩn cho giáo viên Ngoại ngữ đang có không ít khó khăn, thách thức. Là người có kinh nghiệm lâu năm trong công tác giảng dạy bộ môn này, anh có thể chia sẻ những khó khăn, thách thức mà giáo viên đang gặp phải?

Chất lượng giáo viên bao gồm trình độ chuyên môn, khả năng truyền đạt và kinh nghiệm giảng dạy. Vì vậy, việc cấp chứng chỉ đạt chuẩn mới chỉ đáp ứng được một trong ba tiêu chí trên.

Thực tế cho thấy, có những giáo viên đạt chuẩn về chuyên môn nhưng khả năng truyền đạt kiến thức lẫn kinh nghiệm giảng dạy còn yếu nên hiệu quả cuối cùng của một giờ dạy thường rất thấp. Vì vậy muốn thay đổi được toàn diện chất lượng ngoại ngữ cần có sự đánh giá, chọn lựa những giáo viên chất lượng hơn, thay vì chỉ đánh giá mỗi khả năng Ngoại ngữ.

Chứng chỉ đạt chuẩn do Việt Nam cấp chỉ có giá trị trong nước, chưa được công nhận rộng rãi nên giáo viên có xu hướng tự tham gia các kỳ thi lấy chứng chỉ uy tín và có giá trị quốc tế như IELTS,TOEFL, TOEIC… Như vậy, giáo viên “một công đôi việc”, vừa “trả nợ” được chứng chỉ đánh giá năng lực Ngoại ngữ do Bộ GD&ĐT quy định, vừa có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, thuận tiện cho việc học tập và nghiên cứu tại nước ngoài.

Với giáo viên, việc được cấp chứng đạt chuẩn Ngoại ngữ cũng chỉ dừng lại ở việc đáp ứng về mặt thủ tục hành chính, kết quả đánh giá chưa giúp ích thực sự cho chuyên môn giảng dạy của giáo viên.

Ngoài ra, thường thì chứng chỉ cấp xong về để đấy, thi một lần là “trả nợ” xong, không tạo động lực trau dồi chuyên môn cao hơn… Vì vậy, việc tham gia tự ôn tập và tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực Ngoại ngữ với giáo viên là miễn cưỡng.

Nhiều ý kiến cho rằng, chương trình học tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 12 rất nhàm chán, nặng nề về văn phạm. Không ít người khẳng định trình độ tiếng Anh của học sinh không tốt là do giáo viên chưa đạt chuẩn. Anh có đồng ý với những ý kiến này không?

Chương trình tiếng Anh phổ thông hiện nay tại Việt Nam tập trung vào văn phạm quá nhiều là đúng bởi mục tiêu cuối cùng là học sinh phải vượt qua được các kỳ thi tiếng Anh trong nước như thi chuyển cấp, thi Đại học….

Tuy nhiên, theo tôi nhận định trình độ tiếng Anh của học sinh không tốt là do giáo viên chưa đạt chuẩn là chưa hoàn toàn chính xác. Bởi để đánh giá được trình độ tiếng Anh của học sinh không thể chỉ dựa vào giáo viên mà còn phụ thuộc vào năng lực của học sinh, môi trường tiếp xúc với tiếng Anh và mục đích của việc học tiếng Anh.

Gần 30 năm qua, chúng ta đã giảng dạy tiếng Anh trong nhà trường với sự đầu tư khá lớn nhưng kết quả chưa được như mong đợi. Qua thống kê, kết quả kỳ thi THPT năm 2015 chỉ có 18,8% thí sinh đạt 5 điểm trở lên. Kỳ thi năm 2016, môn Ngoại ngữ chỉ có 16% thí sinh có bài thi đạt điểm 5 trở lên. Như vậy theo anh lúc này cần phải có biện pháp gì để cải thiện chất lượng tiếng Anh trong nhà trường?

Là một người đã từng học và giảng dạy tiếng Anh nhiều năm, theo tôi vấn đề cốt lõi trong việc phổ cập thứ tiếng này tại Việt Nam là phải tạo được một môi trường sử dụng tiếng Anh rộng rãi, thường xuyên. Thậm chí có thể là bắt buộc sử dụng tiếng Anh để nâng cao hiệu quả trong công tác dạy và học bộ môn này. Bên cạnh đó thì còn cần tạo cảm hứng cho người học thay vì học để thi cử. Bởi không ít bạn trẻ đang học tiếng Anh phục vụ cho việc thi cử nhiều hơn. 

Chính bản thân người học phải ý thức được việc học Ngoại ngữ là cho mình, để giúp ích cho việc kết nối, giao tiếp với bên ngoài cũng như có nhiều cơ hội hơn trong công việc. Nếu còn tình trạng học vì gánh nặng, áp lực thì sẽ còn khó khăn trong việc tìm lối ra cho tình trạng chất lượng Ngoại ngữ ì ạch như hiện nay.

Là giảng viên đào tạo Tiếng Anh của đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 cho giáo viên tiếng Anh các cấp THCS, THPT, Cao đẳng, Đại học, anh có ý kiến gì về trình độ Ngoại ngữ của các thầy cô giáo hiện nay?

Về cơ bản, trình độ Ngoại ngữ của giáo viên hiện nay là khá tốt. Phần lớn họ được đào tạo bài bản ở nước ngoài, được tuyển chọn kỹ lưỡng trước khi được nhận vào cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, sau một thời gian trình độ Ngoại ngữ của giáo viên có xu hướng “dậm chân tại chỗ”, thậm chí thụt lùi. Nguyên nhân có thể do trình độ của người học còn thấp, chưa đòi hỏi cao ở giáo viên. Ngoài ra, còn do môi trường làm việc sử dụng hoàn toàn bằng tiếng mẹ đẻ thay vì phải sử dụng Ngoại ngữ nên thói quen và phản xạ ngôn ngữ thường yếu đi.

Thêm nữa, công tác nghiên cứu khoa học, gửi bài tham gia các Hội thảo Quốc tế còn ít, chất lượng các bài viết bằng Ngoại ngữ còn chưa cao, mang tính chiếu lệ ở một số cơ sở đào tạo. Ngoài ra, có thể do chế độ đãi ngộ cho những tác giả có bài viết tốt chưa tương xứng nên chưa khuyến khích được giáo viên nâng cao công tác nghiên cứu và phát triển chuyên môn cá nhân.

Cảm ơn anh vì những chia sẻ này.