📞

“Chat” với Xuân Hinh

06:30 | 02/02/2017
Xuân là mùa của vui tươi. Không biết có sự liên quan đến cái tên đệm của nghệ sĩ hài này hay không nhưng người đang buồn gặp Xuân Hinh thì hết buồn, đang vui thì thêm vui...

Năm hết Tết đến, chẳng có ai rảnh rang, giới nghệ sĩ thì lại càng không, nhất là nghệ sĩ hài. Thế nhưng, người viết bài vẫn may mắn được bông phèng với Xuân Hinh. Với anh, Xuân thì lúc nào cũng vui và có vui thì mới hài được.

Anh bảo: “Tết ngày xưa, kinh tế có khó khăn hơn, mọi người còn mải lo cái ăn, nên hài không có nhiều như bây giờ. Cách đây gần 30 năm, tôi là người tấu hài tiên phong ở miền Bắc. Lúc ấy, đời sống đã khá hơn thời bao cấp rất nhiều và người dân bắt đầu quan tâm đến những tiểu phẩm hề mồi, hề gậy rồi hề cu sứt..., những nhân vật đã mang lại tiếng cười sảng khoái cho bà con không chỉ trong những ngày Xuân.

Trong tiếng cười có nước mắt

Hồi mới diễn hài, Xuân Hinh chú trọng diễn những gì ngắn ngắn để bà con nắm được thông điệp vở diễn. Anh chia sẻ: “Trong cuộc sống làm ăn vất vả thế này, bà con khó có thể ngồi xem cái gì dài. Vậy, thông điệp cần phải ngắn”. Khi đó, có thể nói, Xuân Hinh là một trong những nghệ sĩ đầu tiên cho ra đời những tiểu phẩm hài ngắn, bắt đầu từ những tích hài chèo cổ, rồi dần dần đến những nhân vật như Tùng lò gạch, Xuân Hinh đi hát karaoke, Xuân Hinh ra công viên bị công an bắt, Xuân Hinh đi hỏi vợ, Xuân Hinh dạy con ra tỉnh…

Tính đến nay, nghệ sĩ này đã có hàng trăm cuốn video xoay quanh các đề tài hết sức đời thường như cuộc sống gia đình, con cái, làng xóm, láng giềng… được đại chúng khán giả - đặc biệt là tầng lớp bình dân đón nhận nhiệt thành. “Cuộc sống bao cấp khó khăn dần qua đi, đời sống người dân dần thay đổi... Chỉ có Xuân Hinh thì vẫn thế” – anh chốt lại một câu rồi cười giòn tan.

Trong quan điểm của Xuân Hinh, cuộc sống đã khiến con người có nhiều điều cần suy nghĩ. Vì thế, khi viết một tiểu phẩm hài, anh thấy càng phải suy nghĩ, làm sao cho nội dung của nó vừa phải thâm thúy, nhưng không khiến khán giả thấy nặng nề, mà họ có thể cười cho vui, xả stress hiệu quả. Anh nói: “Tất nhiên, trong những tiếng cười của tôi bao giờ cũng có nước mắt. Như vậy mới gọi là tiếng cười hay. Có tí nước mắt thì khán giả sẽ nhớ lâu hơn”. Với quan điểm đó, những tác phẩm của Xuân Hinh đều gửi gắm những thông điệp mà sau tiếng cười vui bao giờ khán giả cũng phải ngẫm một chút.

“Kẻ chọc cười dân dã”

Sinh ra ở miền quê quan họ Bắc Ninh, nghệ sĩ Xuân Hinh tự hào quê hương chính cái nôi nuôi dưỡng máu nghệ thuật trong mình. Nhà đông anh em nên tuổi thơ của nghệ sỹ Xuân Hinh phải nếm trải nhiều vất vả. Nghĩ lại, anh bảo cuộc đời mình truân chuyên cũng lắm, bôn ba cũng nhiều. Ngay từ khi 10 tuổi, anh đã nghĩ làm cách nào để có tiền, thế là đi buôn. Lăn lộn với cơm, áo, gạo, tiền từ tấm bé, vất vả là vậy nhưng ước mơ theo đuổi nghệ thuật vẫn âm ỉ trong anh. Năm 1977, khi tròn 17 tuổi, Xuân Hinh thi rồi trúng tuyển vào Đoàn Dân ca quan họ Bắc Ninh. Rồi cơ duyên lại một lần nữa đến với Xuân Hinh khi Trường Sân khấu Điện ảnh lần đầu tuyển sinh khoa chèo, anh lại “khăn gói quả mướp” lên đường đi thi. Để rồi năm 1983, anh thi đỗ vào Trường Sân khấu Điện ảnh, đây cũng là giai đoạn vất vả nhất trong cuộc đời khởi nghiệp của anh.

Xuân Hinh với nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền trong vai ông Tơ và bà Nguyệt trong chương trình Gala cười 2017. (Ảnh: Quang Anh)

Trong suốt 4 thập kỷ “hành nghề”, điều Xuân Hinh luôn tâm niệm chính là “để có được một tác phẩm hay cần đi thâm nhập cuộc sống”. Chính vì vậy, người ta thường thấy nghệ sĩ hài Xuân Hinh lê la ở các quán nước trà, tiếp xúc với những người dân lao động đại diện cho tầng lớp những người nghèo khổ. Có lẽ, cũng chính vì thế mà hài của anh còn được gọi là hài dân dã. Vừa qua, kỷ niệm 40 năm sự nghiệp của mình, anh đã làm liveshow “Xuân Hinh – kẻ chọc cười dân dã” vô cùng ấn tượng.

Đi lên từ thị hiếu của khán giả bình dân, gắn bó với đại chúng bình dân để hiểu và mang lại trúng tiếng cười mà khán giả của mình cần, “thương hiệu” của Xuân Hinh dần được khẳng định. Anh bảo: “Làm nghệ sĩ cần có tác phẩm hay. Mà tác phẩm hay thì phải có tác động đến xã hội. Người nghệ sĩ cần khán giả như cá cần nước. Nghệ thuật như một thứ hàng hóa. Kẻ làm nghệ thuật phải có người xem. Một tác phẩm mà không có người xem là tác phẩm chết”. Chính vì thế, khi Xuân Hinh đã lên sàn diễn là luôn diễn hết mình, làm hết mình để khán giả yêu mình, khán giả mua vé và có bán được vé thì mới có thể đầu tư được tác phẩm hay, rồi để lại phục vụ cho khán giả... Nghe Xuân Hinh chia sẻ càng thấy cảm thông với sự quay cuồng của người nghệ sĩ trong lao động nghệ thuật. Quan điểm của anh nghe thì có vẻ thực dụng quá, nhưng đó là thực tế mà người nghệ sĩ đang phải đối mặt.

Luôn trân trọng giá trị truyền thống

Xem hài của Xuân Hinh, người xem thấy giá trị nổi bật trong các tác phẩm của anh chính là những giá trị truyền thống pha lẫn những nét hiện đại.

Xuân Hinh được trời phú cho nhiều năng khiếu nghệ thuật. Anh có thể hát chèo, chầu văn... Điều đó đã hỗ trợ anh rất nhiều kỹ năng diễn hài. Xuân Hinh vẫn nói đùa mình là người “đứng núi này trông núi nọ” trong nghệ thuật. Anh vốn yêu tiếng hát dân ca từ khi sinh ra trong cái nôi quan họ Bắc Ninh. Mê quan họ, rồi mê chèo, khi được học chèo thì lại mê biểu diễn trên sân khấu, rồi mê tiếp đến chầu văn,… Chính vì thế mà khán giả thấy Xuân Hinh luôn thay đổi, luôn muốn làm mới mình trong mắt khán giả. Thế nhưng, dù xuất hiện trong diện mạo nào, theo cách thức nào thì “vòng kim cô” mà Xuân Hinh tự đặt lên đầu mình chính là phải giữ được những giá trị truyền thống, chừng nào còn đứng trên sân khấu.

Anh chia sẻ: “Hôm nay diễn ở chỗ có 200 khán giả, ngày mai ở chỗ khác có tới 5.000 khán giả…, mình vẫn phải làm sao để giữ được truyền thống. Tôi yêu văn hóa dân tộc, luôn đau đáu với nhạc dân tộc vì nó ngấm vào máu, chảy trong huyết quản.”

Trong khoảng một thập niên trở lại đây, thị trường hài thay đổi, thị hiếu tiếng cười của khán giả cũng thay đổi theo, buộc người nghệ sĩ cũng phải thay đổi. Xuân Hinh tâm sự: “Sự phát triển chóng mặt của công nghệ thông tin khiến khán giả có nhiều lựa chọn hơn và điều đó buộc nghệ sĩ phải thay đổi. Nghệ sĩ phải làm mới mình khi đối mặt với sự cạnh tranh cao hơn và phải làm nghệ thuật tốt hơn nữa mới có thể giữ được khán giả. Đó là áp lực nhưng cũng là động lực để người nghệ sĩ chinh phục bản thân, chinh phục các giá trị nghệ thuật”.