Theo PGS. TS. Trần Thành Nam, ChatGPT sẽ là một công cụ hữu hiệu để giáo viên sử dụng dạy học sinh cách học, cách khai thác tri thức. |
Đó là chia sẻ của PGS. TS. Trần Thành Nam (Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục - Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) với báo Thế giới và Việt Nam xung quanh ảnh hưởng của "cơn sốt" ChatGPT đối với giáo dục.
Sức hút đến từ ChatGPT
Ông có thể lý giải tại sao ChatGPT lại tạo nên cơn sốt, đặc biệt là với giới trẻ?
ChatGPT đang tạo nên cơn sốt, đặc biệt là với giới trẻ vì nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, nó là một ứng dụng AI tốt nhất mà chúng ta từng trải nghiệm từ trước đến nay.
Theo cách nói dân giã của người Việt là “gi gỉ gì gi, cái gì cũng biết”, nó có thể trả lời lưu loát trên nhiều lĩnh vực kiến thức khoa học và cuộc sống bằng nhiều ngôn ngữ một cách nuột nà như con người. Nó có thể giải đáp giúp các bạn trẻ những câu hỏi “ngớ ngẩn” hoặc “xấu hổ” mà thường thì chúng ta ngại không dám hỏi ai.
Sau đại dịch Covid-19, nhiều người trẻ trở nên cô đơn hơn và ChatGPT xuất hiện như một người bạn, một người có đủ năng lực ngôn ngữ để tâm tình và cũng có sự ngô nghê để chúng ta giải trí. Vì vậy, nhiều người đang tìm đến ChatGPT như một người bạn thật, xem nó như một kết nối xã hội và là một nguồn để cân bằng lại khỏi những áp lực, stress.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia tâm lý, ông nghĩ gì về những ảnh hưởng của ChatGPT đối với ngành giáo dục?
ChatGPT sẽ có những ảnh hưởng đến ngành giáo dục nhưng tôi nhìn nhận và kỳ vọng nhiều hơn ở khía cạnh tích cực. Đó là việc chúng ta phải chuyển đổi triệt để từ việc chỉ tập trung dạy nội dung sang dạy phát triển năng lực. Chuyển đổi triệt để từ việc dạy chữ sang chú trọng dạy người.
Khi đó, ChatGPT sẽ là một công cụ hữu hiệu để giáo viên sử dụng dạy học sinh cách học, cách khai thác tri thức. Giáo viên sẽ đóng vai người truyền cảm hứng, tạo hứng thú cho học sinh, hướng dẫn học sinh cách đặt câu hỏi thông minh để hỏi ChatGPT, hướng dẫn học sinh cách vận dụng những kiến thức mà ChatGPT đã chia sẻ để áp dụng vào cuộc sống và rút ra các bài học.
Với những nỗi lo sợ gian lận trong thi cử, tôi cho rằng cái gốc không phải là ChatGPT. Trước đây khi có Google, chúng ta cũng đã từng lo lắng như thế. Cái chính là làm thế nào để học sinh không còn động cơ gian lận. Động cơ gian lận bắt nguồn từ chủ nghĩa thành tích, là phong trào học vì điểm số. Nếu chúng ta giải quyết được bài toán này cũng không cần quá lo lắng về việc gian lận.
Nhưng cái tôi lo lắng hơn về ChatGPT là trong chính những câu hỏi thường gặp về ChatGPT được công bố trên trang chủ của OpenAI cũng khẳng định rằng ChatGPT có kiến thức hạn chế về thế giới và các sự kiện sau năm 2021. Đôi khi cũng có thể tạo ra những hướng dẫn có hại hoặc nội dung thiên vị.
Ngoài ra, để bù đắp cho những lỗ hổng kiến thức hiện tại, ChatGPT sẽ cung cấp phản hồi theo khả năng tốt nhất của mình (thường là bịa chuyện) thay vì nói “lỗi” hoặc “không biết”.
Như vậy, sẽ ra sao nếu ChatGPT cung cấp cho chúng ta thông tin sai về các nhân vật lịch sử; đưa ra những nhận định có vẻ hợp lý nhưng hoàn toàn “sáng tạo” khi bình luận về một tác phẩm văn học…
Tất cả những điều này khiến cho vai trò của người thầy càng trở nên quan trọng, sẽ là người xác tín tất cả các nguồn thông tin do trí tuệ nhân tạo đưa ra.
Tận dụng sức mạnh của AI
Nhưng người thầy truyền thống sẽ phải chuyển mình thế nào trước sự xuất hiện của các “người thầy AI”?
Những người thầy truyền thống sẽ thấy vai trò của mình trở nên thừa thãi. Vì ChatGPT sẽ thay thế những giáo viên truyền thống, dạy theo tiếp cận nội dung, chỉ dạy dựa trên sách giáo khoa mà không có sự vận dụng sáng tạo.
Đặc biệt, nó sẽ thay thế những giáo viên lên lớp chủ yếu dành thời gian để kể về các sự kiện, cung cấp thông tin đơn thuần; hoặc những giáo viên vẫn tiến hành kiểm tra với các tiêu chí đánh giá dựa trên trí nhớ, liệt kê sự kiện, phân biệt đáp án đúng sai để tính điểm hơn là những tri thức được chuyển hóa vào cuộc sống thực tiễn.
Nhưng ChatGPT sẽ không thay thế được giáo viên hiện đại, những giáo viên dạy học theo cách tiếp cận dựa trên năng lực. Dạy học bằng cách đưa ra những câu hỏi kích thích sự tư duy sáng tạo. Coi trọng tư duy phản biện trong quá trình kiểm tra đánh giá hơn là trí nhớ.
ChatGPT cũng hoàn toàn không thể tạo được cảm hứng học tập. Nó chỉ đưa ra được các bước đi, các kết quả nhưng không thể hướng dẫn người học được cái quan trọng là những nhà khoa học đi trước đã tư duy như thế nào để giải quyết từng bước và đi đến kết quả cuối cùng.
Học sinh và giáo viên nên tận dụng ChatGPT để là công cụ thúc đẩy giáo dục phát triển. Do đó, các thầy cô cũng cần phải thay đổi gì trong hoạt động dạy học, đặc biệt khâu kiểm tra, đánh giá?
Những giáo viên hiện đại cũng có thể tận dụng sức mạnh của AI để giảm tải các hoạt động giấy tờ mang tính thủ tục hành chính gây áp lực. Giáo viên có thể tận dụng AI để soạn về các quy định và chính sách môn học; có thể lên bản phác thảo về kế hoạch dạy học.
Thậm chí, chúng ta có thể yêu cầu AI thiết kế một loạt các câu hỏi ngắn để kiểm tra kiến thức bài trước. Điều này giúp giáo viên tiếp kiệm thời gian để đầu tư vào những hoạt động tạo cảm hứng, thúc đẩy tư duy chiều sâu và sáng tạo cho người học.
Còn bản thân người học cũng cần học cách sử dụng những công nghệ AI để tăng hiệu suất của việc học tập. Nhận ra những điều mà công cụ AI như ChatGPT không thể làm được hoặc làm không tốt.
Ví dụ, chúng ta không thể ra lệnh cho ChatGPT viết bài luận tự phản ánh về thay đổi trong nhận thức của một cá nhân (Ví dụ, những kiến thức em đã học từ tuần trước đã làm thay đổi cách nhìn của em về một nhân vật, một sự kiện như thế nào).
ChatGPT cũng không thể đưa ra dự đoán về các sự kiện trong tương lai. Chúng cũng không có khả năng tổng hợp những thông điệp cốt lõi từ một bài báo hay kết nối thông tin từ nội dung giảng dạy trên lớp với hình ảnh trực quan mà giáo viên đang vẽ ra trên bảng để giái thích.
Chính vì vậy, có lẽ cách giải quyết thông minh không phải là tuyệt giao với công nghệ, trở lại với các bài luận viết tay và kiểm tra vấn đáp. Điều quan trọng là hãy tận dụng sức mạnh của AI cũng như cách mà vài chục năm trước đây chúng ta cho phép học sinh sử dụng máy tính cầm tay vào phòng thi toán hoặc sử dụng google để tìm thông tin cho các bài luận của họ.
Còn giáo viên có thể cân nhắc điều chỉnh các chính sách điều khoản của học phần mình phụ trách, cho phép học sinh được sử dụng AI trong trợ giúp quá trình học tập như phải liêm chính học thuật (phải trung thực và trích dẫn đầy đủ nếu sử dụng). Yêu cầu học sinh chỉ được phép sử dụng AI để tạo ra một bản nháp đầu tiên nhưng chỉ bấy nhiêu đó thì sẽ không thể qua môn.
Giáo viên cũng có thể thiết kế lại các hoạt động đánh giá của mình và các tiêu chí tập trung hơn vào những hoạt động tư duy bậc cao, cách giải quyết vấn đề sáng tạo, các dự án học tập, bài thu hoạch phản ánh sự thay đổi nhận thức cá nhân và các nhiệm vụ mà ChatGPT hay các công cụ AI khác không thể hoàn thành.
ChatGPT khiến người trẻ phải xác định học để trở thành 'con người hạng nhất, không phải robot hạng hai' |
Học để không trở thành "robot hạng hai"
Không thể cấm học sinh sử dụng sản phẩm trí tuệ này mà cần phải có sự thay đổi nhanh chóng để thích nghi. Vậy trường học vừa khai thác thế mạnh của công nghệ vừa đào tạo ra những con người có năng lực thích ứng và làm chủ công nghệ ra sao?
Sống trong kỷ nguyên công nghệ với sự ra đời ồ ạt của các công cụ hỗ AI là một xu thế không thể đảo ngược. Người học cần xác định được chúng ta phải học không vì mục đích điểm số và đối phó với các bài kiểm tra của giáo viên. Chúng ta phải học để trở thành “con người hạng nhất, chứ không phải robot hạng hai”.
Chúng ta cũng phải giúp học sinh hiểu rằng, việc thành công và hạnh phúc trong tương lai có thể chỉ phụ thuộc vào khoảng 30% kiến thức chúng ta có được và khoảng 70% là trí tuệ cảm xúc; là tư duy phản biện sáng tạo và tinh thần đổi mới.
Vì vậy, chúng ta vẫn cần phải học viết, làm toán, ngoại ngữ và tận dụng công nghệ để quá trình học của chúng ta nhanh hơn, hiệu quả hơn và trở nên sáng tạo hơn AI, không để AI cướp mất công việc của chúng ta trong tương lai.
Giáo viên có thể giúp học sinh hiểu hơn về các công cụ AI như ChatGPT để sử dụng nó một cách hiệu quả hơn. Bằng cách giao nhiệm vụ cho học sinh yêu cầu ChatGPT giải thích một khái niệm cho một học sinh tiểu học, một sinh viên đại học và một chuyên gia rồi phân tích sự khác biệt trong cách ChatGPT sử dụng ngôn ngữ trong việc diễn giải khái niệm. Hoặc có thể giao nhiệm vụ tìm kiếm trên internet xem nguồn gốc các văn bản đã được ChatGPT sử dụng để tạo ra phản hồi xem nó có độ tin cậy hay không.
Giáo viên cũng có thể giao cho học sinh đặt các câu hỏi cho ChatGPT và biến mình thành giáo viên để chấm điểm cho câu trả lời của ứng dụng này. Từ đó rút ra điều gì trong câu trả lời là hay và điều gì học sinh có thể cải thiện và đưa ra những đáp án xuất sắc hơn.
Chúng ta cũng phải đưa ra các quy định để học sinh không tìm kiếm những câu trả lời sai trái từ ChatGPT. Ví dụ như sẽ ra sao nếu học sinh đặt câu hỏi về cách tự gây hại cho bản thân mình, cách chế tạo súng hay bom hạt nhân. Liệu ChatGPT có hiểu những vấn đề nhạy cảm, có hại và chặn không đưa ra những câu trả lời cho những câu hỏi như vậy hay không?
Ở một khía cạnh khác, trong cơn sốt ChatGPT, cần thiết phải chăm sóc sức khỏe tâm thần cho cộng đồng thế nào?
Sau khủng hoảng của đại dịch Covid-19, chúng ta đang ở trong một cuộc khủng hoảng mới về sức khỏe tâm thần, khi nhiều quốc gia không đủ nguồn nhân lực chuyên gia để chăm sóc và hỗ trợ những người tổn thương sức khỏe tâm thần. Lúc này, các ứng dụng AI như ChatGPT có thể là một giải pháp để sơ cứu tâm lý ban đầu cho cộng đồng, giúp họ giảm bớt những đau khổ.
Cũng nhiều người đã sử dụng ChatGPT để tư vấn về vấn đề sức khỏe tâm thần và ấn tượng với những lời khuyên hữu ích, thiết thực giúp cải thiện tâm trạng của nó. Tuy nhiên, việc sử dụng ChatGPT như môt nhà tâm lý cũng có những nguy cơ.
Thứ nhất, ChatGPT luôn đưa ra lời khuyên có vẻ đúng, thậm chí chẩn đoán nhưng nó không được thiết kế để hỗ trợ bạn như một nhà trị liệu và nó không có thẩm quyền để chẩn đoán.
Thứ hai, những lời khuyên có vẻ am hiểu về sức khỏe tâm thần nhưng không phải lúc nào cũng toàn diện và đúng đắn.
Thứ ba, nếu xem ChatGPT như một nhà trị liệu, bạn có thể tiết lộ những thông tin cá nhân rất riêng tư mà không có bất cứ đảm bảo nào về sự bí mật.
Thay vì ChatGPT, hiện tại cũng đã có nhiều những Ứng dụng trí tuệ nhân tạo được thiết kế chuyên để chăm sóc SKTT như Wisdo (https://wisdo.com/), Circle (https://circlesup.com/), Talklife (https://www-talklife-com) Koko (https://www.kokocares.org/). Chúng dường như là những giải pháp hữu ích hơn vì chúng tích hợp cả Ai và đội ngũ các chuyên gia cố vấn và mạng lưới các nhà chuyên môn về chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Xin cảm ơn ông!