Được thành lập từ tháng 3/1996, qua hơn hai thập kỷ phát triển, ASEM đã khẳng định vị thế là diễn đàn đối thoại quan trọng và có quy mô lớn nhất giữa hai châu lục Á - Âu, góp phần thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác, liên kết ở hai khu vực và trên thế giới.
Hội nghị Cấp cao ASEM 12 được đánh giá có ý nghĩa quan trọng, diễn ra vào thời điểm tình hình quốc tế và khu vực cũng như hợp tác đa phương đứng trước những cơ hội và thách thức chưa từng có. Các rủi ro tài chính, chủ nghĩa bảo hộ, xung đột thương mại tác động không thuận đến đà phát triển và liên kết kinh tế thế giới. Bất ổn, xung đột cục bộ ở một số khu vực phức tạp hơn; các thách thức toàn cầu gay gắt hơn. Hệ thống đa phương, nhất là hệ thống thương mại đa phương, đối mặt với nhiều thách thức. Xu thế hợp tác, liên kết đa tầng nấc cùng xu thế cải cách, đổi mới của các cơ chế đa phương đang được thúc đẩy. Những chuyển biến sâu sắc trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa sâu rộng đó đòi hỏi cộng đồng quốc tế, trong đó có hai châu lục Á – Âu, phải chung tay góp sức hơn nữa để củng cố, duy trì đà hợp tác đa phương nhằm ứng phó hiệu quả hơn với các thách thức mới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác Á - Âu 11 tại Mông Cổ, tháng 7/2016. |
Là cơ chế hợp tác rộng lớn của hai trung tâm kinh tế - chính trị đầu tàu của phát triển và đổi mới sáng tạo, với sự quy tụ của 53 thành viên, đại diện cho 60% dân số thế giới và đóng góp hơn 55% thương mại, 65% GDP và 75% du lịch toàn cầu, ASEM đang ở thời điểm chuyển đổi quan trọng, cần đóng vai trò tiên phong trong thúc đẩy hợp tác và liên kết quốc tế.
Do đó, Hội nghị Cấp cao lần này được kỳ vọng sẽ là cơ hội để các nhà Lãnh đạo ở hai châu lục thảo luận cởi mở, xây dựng và thực chất về các vấn đề kinh tế, tài chính, các vấn đề khu vực và toàn cầu đang nổi lên hiện nay, đề ra những định hướng và biện pháp cụ thể nhằm tạo động lực mới cho quan hệ đối tác Á – Âu, đóng góp vào duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và trên thế giới, thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm và ứng phó hữu hiệu hơn với các thách thức toàn cầu.
Hội nghị cũng hứa hẹn sẽ chuyển đi thông điệp mạnh mẽ về một ASEM có trách nhiệm và có khả năng thích ứng trong cục diện mới, đi đầu thúc đẩy hợp tác đa phương, đóng góp xây dựng cơ chế quản trị toàn cầu hiệu quả, công bằng và dân chủ hơn, qua đó khẳng định vai trò không thể thiếu của Diễn đàn trong trong cấu trúc đa cực đang định hình.
Việc tham gia Diễn đàn ASEM với tư cách thành viên sáng lập năm 1996 đánh dấu bước triển khai quan trọng chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ và hội nhập kinh tế quốc tế của ta. Hơn hai thập kỷ qua, Việt Nam tự hào là một thành viên năng động và có trách nhiệm, ghi những dấu mốc có ý nghĩa trong chặng đường phát triển của ASEM, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Diễn đàn. Nổi bật nhất là việc tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 5 (2004), 5 Hội nghị Bộ trưởng trong các lĩnh vực kinh tế (2001), công nghệ - thông tin (2006), ngoại giao (2009), giáo dục (2009), lao động (2012).
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. (Ảnh: NH) |
Việt Nam đã tích cực khởi xướng và đi đầu thúc đẩy, triển khai nhiều sáng kiến hợp tác trong khuôn khổ ASEM. Ta đã đề xuất 24 sáng kiến và đồng bảo trợ 27 sáng kiến, đưa nước ta trở thành một trong những thành viên tích cực nhất của Diễn đàn với nhiều sáng kiến thiết thực với địa phương, doanh nghiệp và người dân như phát triển bền vững, an ninh lương thực, nông nghiệp bền vững, quản lý nguồn nước, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, giáo dục – đào tạo, phát triển doanh nghiệp, giao lưu thanh niên... Đáng chú ý, từ năm 2011, ta cùng các nước ven sông Mekong và Danube khởi xướng cơ chế hợp tác đầu tiên trong ASEM về quản lý nguồn nước, nâng hợp tác tiểu vùng Mekong lên tầm liên khu vực, với điển hình của hợp tác địa phương Á - Âu như giữa Bến Tre – Tulcea (Rumani), Cần Thơ – Ruse (Bulgaria). Việc triển khai các sáng kiến, các hoạt động hợp tác ASEM không chỉ giúp nâng cao năng lực giải quyết nhiều vấn đề gắn với lợi ích và quan tâm của người dân, hình thành tư duy và văn hóa hội nhập, mà còn góp phần quảng bá lịch sử, văn hóa dân tộc và tiềm năng phát triển của các vùng miền đất nước đến với bạn bè Á – Âu.
Sự hợp tác chặt chẽ với các thành viên và tham gia tích cực vào ASEM còn đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho đất nước. Hội tụ 22 trong số 28 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam, các thành viên ASEM đều là các đối tác kinh tế, thương mại quan trọng hàng đầu đối với nước ta, chiếm 70% đầu tư trực tiếp nước ngoài và tổng giá trị thương mại quốc tế và 80% lượng khách du lịch đến Việt Nam. 14 trong 16 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký hoặc đang đàm phán là với các đối tác ASEM (trong số 60 đối tác có 47 thành viên ASEM). Những con số này phản ánh phần nào ý nghĩa và vai trò của các thành viên ASEM đối với bức tranh tổng thể kinh tế Việt Nam, nhất là trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tiếp thu công nghệ tiên tiến và kỹ năng quản lý cao, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.
Trong bối cảnh môi trường hòa bình, an ninh trên thế giới và ở khu vực còn bất ổn, cạnh tranh giữa các nước lớn phức tạp, chúng ta đã phối hợp chặt chẽ với các thành viên ASEM để ngày càng có nhiều thành viên đề cao lợi ích chung trong duy trì hòa bình, an ninh và ổn định để phát triển, lên tiếng ủng hộ lập trường chính nghĩa của ta trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, thúc đẩy giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nguyên tắc, chuẩn mực chung.
Những đóng góp và thành tựu có ý nghĩa trên đã góp phần khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trong ASEM cũng như sự tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm của chúng ta vào các nỗ lực chung của khu vực và trên trường quốc tế. Tại Hội nghị Cấp cao ASEM 12 lần này, chúng ta cũng sẽ tiếp tục cùng các thành viên đề xuất các sáng kiến, đóng góp thiết thực hơn nữa vào thành công của Hội nghị, góp phần nâng cao vị thế của ASEAN và thúc đẩy quan hệ đối tác Á - Âu ngày càng sống động, thiết thực, hiệu quả và đi vào chiều sâu.
Cùng với Hội nghị Cấp cao ASEM 12, việc Lãnh đạo cấp cao ta tham dự và đóng góp tích cực tại một loạt hội nghị đa phương quan trọng vừa qua và từ nay đến cuối năm như Hội nghị WEF ASEAN, Mekong – Nhật Bản, Hội nghị thường niên của IMF và WB, Hội nghị Cấp cao APEC, ASEAN, EAS, Hội nghị các Chủ tịch Nghị viện Á – Âu… là những bước triển khai quan trọng chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ 12 về nâng cao chất lượng, hiệu quả đối ngoại đa phương và Chỉ thị 25 mà Ban Bí thư vừa ban hành về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, đề cao vị thế quốc tế của Việt Nam.
Bùi Thanh Sơn
Ủy viên Trung ương Đảng
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao