Nhỏ Bình thường Lớn

Châu Âu đang tốt lên từng ngày

3 tháng trước, khu vực đồng tiền chung châu Âu bên bờ vực phá sản. Thị trường hoảng sợ với những khoản nợ chồng chất của các nước trong khu vực, còn các chuyên gia kinh tế bình luận về việc nước nào sẽ phá sản trước. Thế nhưng với thời điểm này, người châu Âu hoàn toàn có thể đi nghỉ kỳ nghỉ mùa thu với tâm trạng yên tâm và lạc quan.
Ảnh minh họa

Tháng 7/2010, chỉ báo niềm tin kinh tế đo lường sự tin tưởng vào triển vọng kinh tế trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), leo lên mức cao nhất trong 2 năm. Trong khi đó chi phí ngăn khả năng vỡ nợ của các nước rơi xuống mức thấp nhất trong 2 tháng, chi phí lãi vay của các chính phủ cũng giảm.

Tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục. Những nhận xét về tình hình kinh tế quý III/2010 tốt hơn so với kỳ vọng bởi nhu cầu đối với sản phẩm công nghiệp, niềm tin tăng lên, tỷ lệ thất nghiệp tại một số nước giảm. Số lượng đơn đặt hàng của cường quốc kinh tế lớn nhất châu Âu - Đức, trong lĩnh vực công nghiệp tháng 6/2010 tăng 3,2%, cao gấp đôi dự báo của các chuyên gia.

Cùng lúc này, FED phát đi tín hiệu sẽ in thêm tiền để cứu kinh tế Mỹ nếu cần. Sự đi xuống của Mỹ có thể là cơ hội châu Âu đi lên, nhà đầu tư trở lại châu Âu để có sự ổn định. Chắc chắn chưa nhiều người quên dự báo được đưa ra 3 tháng trước, rằng đồng USD sẽ ngang bằng với đồng euro vào năm 2011. Tháng 5/2010, đồng euro rơi xuống mức thấp nhất trong 4 năm so với đồng USD là 1,215USD/euro. Từ đầu năm 2010, đồng euro hạ 16% và hiện vẫn bị coi là định giá quá thấp. Các chuyên gia thuộc UBS dự báo tỷ giá sẽ ở mức 1,1USD/euro vào cuối năm 2010. Thế nhưng đến ngày 09/08, đồng euro giao dịch với đồng USD ở mức 1,33USD/euro còn đồng USD tiếp tục hạ giá, đã có lúc đồng USD xuống thấp nhất trong 15 năm so với đồng yên.

Đối với những ai lo lắng về khả năng sụp đổ của eurozone, sự phục hồi của châu Âu thật sự ấn tượng. Ông Karel Lannoo - Giám đốc điều hành tại Trung tâm chính sách châu Âu, nói: "Tôi lạc quan với tốc độ bình ổn của eurozone. Tháng 5 tôi đã rất bi quan. Nhưng khủng hoảng nợ là cảnh báo đối với các nhà hoạch định chính sách về việc cần xem xét lại cách điều hành."

Tất nhiên, EU vẫn gặp nhiều thách thức. Dù tăng trưởng đã trở lại nhưng tốc độ tăng trưởng tại các nền kinh tế khác nhau. Ở Đức, kinh tế lên mạnh nhưng tại Hy Lạp và Tây Ban Nha "đi ngang", triển vọng tăng trưởng u ám. Những nền kinh tế này cần phải giảm thâm hụt ngân sách nhiều hơn, để có thể tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiến, vấn đề giải quyết căng thẳng xã hội nảy sinh từ sự phẫn nộ của công chúng với các chương trình cắt giảm ngân sách cũng không kém phần phức tạp. Không ít chuyên gia kinh tế dự báo Hy Lạp vẫn sẽ có thể vỡ nợ dù khả năng này vài năm nữa mới xảy ra.

Thùy Trang (Theo Time)

Tin cũ hơn