📞

Châu Âu đón tin vui về khí đốt, giá giảm 'vù vù' trước mùa Đông, có thể quên đường ống từ Nga qua Ukraine

Việt An 06:03 | 03/11/2024
Thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraine sẽ hết hạn vào cuối năm nay và khó có khả năng gia hạn. Trong bối cảnh đó, các công ty từ Hungary và Slovakia sắp ký hợp đồng mua 12-14 tỷ m3 khí đốt mỗi năm từ Azerbaijan.
Một cơ sở lưu trữ khí đốt tại Bierwang, Đức. (Nguồn: AFP)

Hợp đồng khí đốt mới nói trên sẽ sử dụng mạng lưới đường ống dẫn khí hiện có đưa khí đốt Nga qua Ukraine tới Liên minh châu Âu (EU).

Nguồn cung khí đốt mới từ Azerbaijan sẽ thay thế hiệu quả những lô khí đốt của Moscow mà châu Âu đang tiếp nhận theo thỏa thuận trung chuyển qua Kiev.

Hãng tin Bloomberg tiết lộ, hợp đồng mới sẽ cần phải thực hiện theo thỏa thuận hoán đổi giữa Azerbaijan và Nga vì Baku không có đủ năng lực xuất khẩu để thay thế những nguồn cung hiện có.

Giá khí đốt châu Âu cho tháng 12 tới đã giảm tới 8,1% sau khi thông tin về tiến triển trong đàm phán mua khí đốt Baku.

"Thỏa thuận vẫn đang trong quá trình thương thảo có thể giúp ổn định giá khí đốt sau những biến động gần đây trên thị trường", Bloomberg viết.

Với Azerbaijan, thỏa thuận cung cấp khí đốt cũng củng cố mối quan hệ năng lượng của nước này với châu Âu.

Quốc gia này đang cung cấp khí đốt cho 8 quốc gia ở châu Âu thông qua một đường ống dẫn khí chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định, an ninh năng lượng của khu vực sẽ không bị đe dọa khi chấm dứt thỏa thuận trung chuyển khí đốt giữa hai nước đang có chiến dịch quân sự đặc biệt.

Slovakia và Áo nằm trong số các quốc gia châu Âu tiếp tục nhập khẩu khí đốt Nga qua đường ống dẫn khí đi qua Ukraine.

Theo thỏa thuận đang đàm phán, công ty năng lượng nhà nước Socar của Azerbaijan sẽ cung cấp khí đốt cho cơ sở Sudzha ở biên giới Nga - Ukraine.

Sau đó, các công ty MVM Zrt của Hungary và Slovensky Plynarensky Priemysel AS của Slovakia sẽ tiếp quản và đưa khí đốt đến châu Âu.

Theo hãng tin Bloomberg: "Bất kỳ thỏa thuận thương mại nào cũng cần có sự đồng thuận chính trị từ giới chức Ukraine để nhà điều hành mạng lưới đường ống khí đốt của nước này ấn định việc vận hành".

Trước khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine bắt đầu hồi tháng 2/2022, Gazprom - "gã khổng lồ" khí đốt Nga cung cấp cho châu Âu hơn 1/3 lượng khí đốt tiêu thụ của khối.

Tuy nhiên, khi xung đột bắt đầu, EU đã đa dạng hóa nguồn cung năng lượng.

Hiện EU có nhiều nguồn khác nhau, cụ thể như Na Uy, Bắc Phi, Azerbaijan và khí tự nhiên hóa lỏng(LNG) từ thị trường toàn cầu.

(theo Bloomberg)