Ngày 25/7, Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom thông báo, họ buộc phải dừng hoạt động của một động cơ tuabin khí khác tại trạm máy nén Portovaya (CS) do đến hạn đại tu. Vì vấn đề này, lưu lượng qua Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) sẽ giảm một nửa so với hiện tại.
Theo hãng tin TASS, tính từ 7h (theo giờ Moscow) ngày 27/7, sản lượng hằng ngày của trạm Portovaya sẽ giảm gần một nửa, xuống còn 33 triệu mét khối khí mỗi ngày, so với mức 67 triệu mét khối hiện tại.
Sau thông báo của Gazprom, báo giá khí đốt trên thị trường giao ngay đã tăng mạnh. Đến 17h28' theo giờ Moscow, giá khí đốt đạt 1.851 USD/1.000 mét khối, tăng 9,6%. Cuối phiên giao dịch, báo giá khí đốt tiếp tục tăng lên mốc mới 1.890 USD/1.000 mét khối.
Hệ thống đường ống dẫn khí của Dòng chảy phương Bắc. (Nguồn: TASS) |
Đức phản ứng gay gắt
Dòng chảy phương Bắc hiện là tuyến đường cung cấp khí đốt chính của Gazprom tới châu Âu. Kể từ giữa tháng Sáu, đường ống dẫn khí đốt Nord Stream chỉ hoạt động ở mức 40% công suất tối đa, tương đương khoảng 67 triệu mét khối mỗi ngày, do tuabin khí Siemens không kịp đưa vào hoạt động trở lại sau khi sửa chữa do lệnh trừng phạt của Canada đối với Nga.
Ngày 9/7, sau nhiều lần yêu cầu từ Đức, Canada đã quyết định trả lại tuabin Siemens đã sửa chữa. Ủy ban châu Âu tuyên bố rằng việc Canada trả lại tuabin không vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga, vì quyết định này không áp dụng đối với thiết bị vận chuyển khí đốt.
Gazprom thông báo rằng họ đã nhận được tài liệu từ Siemens về việc trả lại tuabin cho Nord Stream từ Canada, nhưng lưu ý tất cả đều chưa loại bỏ các rủi ro đã xác định trước đó.
Đặc biệt, vẫn còn những điểm mơ hồ liên quan đến các lệnh trừng phạt của EU và Anh đối với việc giải quyết vấn đề giao động cơ cho Nga và đại tu khẩn cấp các động cơ tuabin khí khác cho trạm Portovaya.
Phó Thủ tướng Đức Robert Habek tuyên bố rằng Nga đang chơi một “trò quỷ quyệt” khi cắt giảm nguồn cung khí đốt thông qua đường ống Nord Stream.
Quan chức Đức cáo buộc Nga đang vi phạm các hợp đồng và đổ lỗi cho bên khác. Điều này đã tạo ra sự không chắc chắn và khiến giá cả không ngừng tăng cao đối với khí đốt.
Phó Thủ tướng Habek khẳng định, Đức sẽ chống lại điều này bằng sự đoàn kết và các hành động có mục đích, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng ngừa để “sống sót” qua mùa Đông, bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), nhanh chóng lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt và giảm tiêu thụ.
“Chúng tôi đang làm việc chăm chỉ, chính phủ liên bang đang làm mọi thứ có thể cho việc này”, ông Habek nhấn mạnh trước sự hiện diện của báo giới sau tuyên bố mới nhất của Gazprom về việc giảm cung cấp khí đốt.
Thách thức đối với châu Âu
Tuy nhiên, giới quan sát ở Nga tin rằng, có nhiều thách thức đang chờ đợi chính phủ Đức và người dân châu Âu nói chung.
Ủy ban châu Âu (EC) cũng đề nghị các quốc gia thành viên tự nguyện giảm tiêu thụ khí đốt 15% từ tháng 8/2022 đến tháng 2/2023 để tồn tại qua mùa Đông sắp tới, đồng thời mở đường cho việc loại bỏ khí đốt của Nga.
Tuy nhiên, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Birol cảnh báo, tiết kiệm 15% khí đốt là không đủ để tồn tại cho đến mùa Xuân năm sau và châu Âu cần phải giảm mức tiêu thụ ít nhất 20%.
Mặc dù vậy, vài giờ sau cảnh báo của ông Birol, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp đã lần lượt từ bỏ kế hoạch của EC.
Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Teresa Ribera tuyên bố: “Chúng tôi sẽ bảo vệ các giá trị châu Âu, nhưng chúng tôi sẽ không hy sinh trong một vấn đề mà chúng tôi thậm chí không được phép bày tỏ ý kiến của mình.
Dù điều gì xảy ra, các gia đình Tây Ban Nha sẽ không bị cắt nguồn cung khí đốt hoặc điện để sử dụng trong ngôi nhà và căn hộ của họ”.
Quan chức trên nói, chính phủ Tây Ban Nha muốn giúp đỡ các quốc gia khác, nhưng cũng muốn “được tôn trọng” và rằng nước này “không thể bị áp đặt một sự hy sinh không tương xứng”.
Trong số các quốc gia từ chối thực hiện kế hoạch của EC còn có Hy Lạp. Tỷ trọng khí đốt của Nga trong nhập khẩu khí đốt của Hy Lạp là gần 40%.
Tuy nhiên, nhờ nguồn cung cấp khí đốt hóa lỏng lớn, chính phủ của ông Kyriakos Mitsotakis cho đến nay ít nhất đã cố gắng tránh được sự gián đoạn lớn.
Hy Lạp cũng đã xây dựng kế hoạch hành động trong trường hợp khẩn cấp, đề nghị EU đưa ra cơ chế hạn chế giá khí đốt và thực hiện việc mua khí đốt tập trung. Theo họ, đây là giải pháp cho vấn đề năng lượng của châu Âu.
Mới nhất ngày 26/7, chính phủ Ba Lan cũng tuyên bố không nhất trí với đề nghị cắt giảm tiêu thụ khí đốt mà EC đưa ra.
Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Ba Lan nói rằng, rất khó để đồng ý với việc bắt buộc cắt giảm tiêu thụ khí đốt nếu không biết mùa Đông tới sẽ như thế nào và họ không thể đảm bảo quyền lợi của mình.
Cuộc cạnh tranh giành khí đốt
Về phần mình, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga không quan tâm tới việc ngừng cung cấp hoàn toàn khí đốt cho các nước châu Âu, song tình hình có thể thay đổi nếu các nước tiếp tục “liều lĩnh” áp đặt các biện pháp trừng phạt.
Châu Âu hiện đang tìm cách bơm càng nhiều khí càng tốt vào kho chứa dưới lòng đất để chuẩn bị cho mùa Đông, và các nhà lãnh đạo châu lục này đang đi khắp thế giới để tìm kiếm các nguồn cung cấp “nhiên liệu xanh” thay thế.
Ngoài Mỹ, Algeria, Azerbaijan, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, các phái đoàn châu Âu còn đến tận CHDC Congo, Angola và Mozambique.
EU vẫn lúng túng trước ma trận dầu mỏ của Nga và đang nỗ lực tìm kiếm các nguồn cung khác ngoài Moscow. (Nguồn: NATO Review) |
Thủ tướng Italy Mario Draghi, thay vì chuẩn bị cho bài phát biểu quan trọng nhất tại Quốc hội, nơi mà số phận chính phủ của ông sẽ được định đoạt, đã phải cấp tốc đến Algiers.
Nhà lãnh đạo nói trước khi bay đến Algiers rằng, quốc gia châu Phi này là một đối tác rất quan trọng đối với Italy trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp và các lĩnh vực khác của nền kinh tế, trong cuộc chiến chống tội phạm, tìm kiếm hòa bình và ổn định ở Địa Trung Hải.
Một thỏa thuận về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa Pháp và UAE cũng đã được ký kết tại Paris giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống UAE Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan. Theo đó, UAE sẽ cung cấp cho người Pháp không chỉ khí đốt mà còn cả dầu mỏ.
Trước đó, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cũng tới thủ đô Baku để gặp Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev. Hai bên đạt được thống nhất về việc tăng gấp đôi nguồn cung cấp khí đốt của nước này cho châu Âu.
“Đây là tin tốt cho nguồn cung khí đốt của chúng tôi trong mùa Đông này và cho tương lai”, bà Ursula von der Leyen bình luận về kết quả của các cuộc đàm phán tại thủ đô Azerbaijan.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tại Goldman Sachs Group Inc. tin rằng, nhu cầu LNG của Trung Quốc sẽ tăng lên trong thời gian tới và châu Âu sẽ có một đối thủ mạnh mới trong cuộc cạnh tranh giành khí đốt.
Người đứng đầu bộ phận phân tích LNG tại Goldman Samantha Dart giải thích, ngay sau khi kinh tế Trung Quốc bắt đầu phục hồi sau đại dịch, tình hình trên thị trường khí đốt thế giới sẽ thay đổi đáng kể.
Điều này có nghĩa là lượng khí đốt tự do trên thị trường sẽ giảm mạnh và người dân châu Âu có ít sự lựa chọn hơn.