📞

Châu Âu lên kế hoạch 'một mũi tên trúng hai đích', tăng tốc 'phớt lờ' năng lượng Nga

Việt An 17:11 | 20/05/2022
Ủy ban châu Âu (EC) đã trình bày kế hoạch RePowerEU - được kỳ vọng sẽ cho phép Liên minh châu Âu (EU) giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga trong dài hạn và giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng.
EU tăng tốc thoát khỏi sự phụ thuộc Nga về năng lượng. (Nguồn: Rappler)

"Một mũi tên trúng hai đích"

Ngày 18/5, phát biểu tại Brussels về kế hoạch RePowerEU, Phó Chủ tịch EC Frans Timmermans cho rằng, cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ gây ra sự gián đoạn lớn trên thị trường năng lượng, vốn đang tạo sự tăng vọt về giá. Các nước EU đều bị "ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc hơn" ở các mức độ khác nhau, do rất phụ thuộc vào khí đốt, dầu và than đá của Nga. Điều này khiến EU phải nhanh chóng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga.

RePowerEU sẽ là “một mũi tên bắn trúng hai đích” vì kế hoạch này cũng đề xuất đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng của EU. EU đã cam kết giảm 55% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 và đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2050.

Trong bối cảnh đó, RePowerEU là "tầng 11 được xây dựng trên một ngôi nhà đã có 10 tầng là Thỏa thuận xanh châu Âu”.

Kế hoạch RePowerEU dựa trên ba trụ cột là tiết kiệm năng lượng, đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng và tăng cường năng lượng tái tạo.

EC nhấn mạnh, năng lượng rẻ nhất vẫn là thứ không được tiêu thụ. Do đó, Ủy ban châu Âu đề xuất tăng mục tiêu hiệu quả năng lượng ràng buộc cho năm 2030 (so với năm 2020).

EC cũng mời các quốc gia thành viên đưa ra các biện pháp khuyến khích, thúc đẩy đầu tư vào những lĩnh vực sử dụng năng lượng hiệu quả, chẳng hạn giảm thuế VAT đối với các hệ thống sưởi tiết kiệm năng lượng.

Kế hoạch RePowerEU cũng liệt kê các hành vi và thực hành mà người dân và doanh nghiệp có thể áp dụng để giảm mức tiêu thụ năng lượng của họ.

Phó Chủ tịch EC Frans Timmermans đề xuất: "Sưởi ấm ít hơn một chút hoặc trì hoãn thời gian bật điều hòa”.

Điều này cũng như việc sử dụng xe ít hơn hoặc lựa chọn một cách khôn ngoan khi vận hành các thiết bị gia dụng. Trích dẫn các tính toán của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), EC cho rằng những biện pháp như vậy sẽ làm giảm 5% nhu cầu về khí đốt và dầu trong ngắn hạn.

Mua hàng từ nhiều nước

27 quốc gia EU đã cam kết, trong khuôn khổ gói lệnh trừng phạt thứ 5 chống lại Nga, sẽ từ bỏ than của Nga vào tháng 8/2022. Gói trừng phạt thứ 6 do EC đề xuất gần đây cũng có lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga vào cuối năm nay, với sự miễn trừ đối với những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất.

Tuy nhiên, việc áp dụng vẫn vấp phải sự phản đối của Hungary. Và nếu EC đề xuất giảm 2/3 sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga đến cuối năm 2022, thì EU không thể hoàn toàn phớt lờ việc giao hàng từ Nga.

Việc thay thế nhà cung cấp của Nga không thể được thực hiện trong tích tắc. Mỹ đã tuyên bố, họ có khả năng tăng cung cấp khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cho EU thêm 15 tỷ m3 và có thể cung cấp lên đến 50 tỷ m3 vào năm 2030. EU cũng đang kêu gọi Na Uy, Algeria, Canada, Azerbaijan, Ai Cập, Israel, các quốc gia vùng Vịnh, bao gồm cả Qatar… cung cấp khí đốt.

Kế hoạch này quy định việc tạo ra một cơ chế tự nguyện mà qua đó các quốc gia thành viên có thể nhóm các đơn đặt hàng năng lượng của họ, điều phối việc sử dụng các cơ sở hạ tầng nhập khẩu, lưu trữ và vận chuyển, đàm phán với các đối tác quốc tế để mua năng lượng.

Ông Timmermans giải thích: “Bối cảnh mua năng lượng rõ ràng là rất khác nhau, nhưng nguyên tắc thì giống nhau". Nền tảng này sẽ được mở cho Ukraine, Moldova, Gruzia và các nước Balkan. Tuy nhiên, một số quốc gia thành viên, bắt đầu với Đức, vẫn rất nghi ngờ về triển vọng mua chung này và muốn tiếp tục tự đàm phán.

Châu Âu muốn chuẩn bị cho sự gián đoạn nguồn cung đột ngột - điều mà Ba Lan và Bulgaria đã trải qua gần đây sau khi Gazprom ngừng giao hàng vì họ từ chối thanh toán bằng đồng Ruble theo yêu cầu của Nga.

Việc đảm bảo an ninh nguồn cung khí đốt cho tất cả các quốc gia thành viên sẽ yêu cầu việc xây dựng các cơ sở hạ tầng mới, chẳng hạn như các thiết bị đầu cuối mới cho LNG, các đường ống dẫn khí đốt mới để hoàn thiện các kết nối của mạng lưới. 12 dự án cơ sở hạ tầng, được tài trợ với số tiền 10 tỷ Euro, sẽ được bổ sung vào 20 dự án đã có. Ngoài ra, cũng sẽ cần sử dụng than để bù đắp việc giảm lượng khí tiêu thụ.

Nhóm các nghị sỹ Đảng Xanh trong Nghị viện châu Âu (EP) và các tổ chức phi chính phủ về môi trường lo sợ rằng những khoản đầu tư này sẽ khiến EU liên kết vĩnh viễn với nhiên liệu hóa thạch. Hôm 17/5, một nguồn tin châu Âu thừa nhận, một số yếu tố của RePowerEU đã cấu thành "việc rời khỏi Thỏa thuận Xanh".

Kêu gọi phát triển năng lượng tái tạo

Theo một nguồn tin châu Âu, mục tiêu của châu lục này không phải là thay thế sự phụ thuộc vào Nga bằng sự phụ thuộc vào những nước khác. Do đó, EC kêu gọi phát triển năng lượng tái tạo trong Liên minh.

Chỉ thị sửa đổi năm 2021 về năng lượng tái tạo vẫn chưa được Hội đồng châu Âu và EP thông qua, nhưng EC đã đề xuất xem xét lại tham vọng của mình. Trong đó, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tiêu thụ năng lượng của châu Âu vào năm 2030 không nên dừng ở mức 40% mà nên được nâng lên 45%.

Kinh phí được lên kế hoạch cho việc tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo là 86 tỷ Euro.

EC đang đặt cược rất nhiều vào năng lượng Mặt trời. Chiến lược mà EC đưa ra nhằm mục đích tăng công suất sản xuất năng lượng bằng các tấm pin quang điện từ 165 Gigawatt (GW) hiện nay lên 320 GW vào năm 2025 và gần 600 GW vào năm 2030.

EC đề xuất vào năm 2026, mái của tất cả các tòa nhà công cộng và thương mại mới có diện tích ít nhất 250 m2 nên được trang bị các tấm pin Mặt trời và đây là trường hợp của các tòa nhà hiện có vào năm 2027. Kế hoạch này bao gồm khía cạnh công nghiệp liên quan đến các tác nhân kinh tế và chính trị ở tất cả các cấp, cũng như xã hội dân sự để EU tăng năng lực sản xuất của mình.

Đối với điện gió trong và ngoài khơi, mục tiêu là nâng công suất từ 190 GW lên 480 GW vào năm 2030.

Hôm 17/5, tại cảng Esjberg (trên bờ biển Đan Mạch), Bỉ, Đức, Đan Mạch và Hà Lan đã công bố ý định phát triển rộng rãi năng lượng gió ngoài khơi trên Biển Bắc từ nay đến năm 2050 bằng cách lắp đặt gần 150 GW tuabin gió, với cột mốc quan trọng là 65 triệu GW vào năm 2030.

Những người đứng đầu chính phủ của 4 quốc gia đảm bảo rằng, những tuabin gió ngoài khơi này cuối cùng sẽ có thể sản xuất điện cho 230 triệu ngôi nhà.

EC cũng đề xuất tăng gấp đôi việc triển khai các máy bơm nhiệt và đặt mục tiêu sản xuất 10 triệu tấn hydro xanh tại EU đến năm 2030.

Thời gian không còn nhiều, vì vậy EC đang đề xuất để đảm bảo ở cấp quốc gia, giấy phép xây dựng các dự án năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời được cấp nhanh hơn: "Chúng tôi phải đợi trung bình 9 năm (để lấy giấy phép xây dựng) đối với các dự án năng lượng gió và 4 năm đối với năng lượng Mặt Trời…".

EC khuyến khích các quốc gia thành viên xác định “các lĩnh vực ưu tiên” và đảm bảo thời gian cấp phép cho “các thủ tục không quá một năm”.

EU lấy tiền từ đâu?

EC ước tính việc thực hiện RePowerEU sẽ cần các khoản đầu tư bổ sung (tư nhân, công cộng, quốc gia, liên minh) trị giá 210 tỷ Euro vào năm 2027, so với những gì đã được lên kế hoạch trong gói năng lượng-khí hậu “Fit for 55” (30% của ngân sách châu Âu và 37% của Cơ sở phục hồi và thích ứng, yếu tố chính của kế hoạch phục hồi châu Âu).

Một số quốc gia, chẳng hạn như Đức hoặc Hà Lan, không yêu cầu được hưởng lợi từ số tiền cho vay dành riêng cho họ trong kế hoạch khôi phục châu Âu.

Ông Frans Timmermans nhấn mạnh: "Toàn bộ ý tưởng là số tiền này là của tập thể, do đó cần phải được sử dụng hợp lý".

EC cũng đang đề xuất tăng mức trợ cấp lên 20 tỷ Euro từ việc bán tín chỉ carbon thông qua hệ thống Thương mại khí thải Liên minh châu Âu (ETS), và cũng dự kiến chuyển khoản "tự nguyện" 26,9 tỷ Euro từ quỹ liên kết và 7,5 tỷ Euro từ chính sách nông nghiệp chung, khoảng 800 triệu Euro từ quỹ cơ sở hạ tầng.

Ngoài ra, còn có các khoản đầu tư từ các quốc gia thành viên và khu vực tư nhân.

Theo ông Frans Timmermans, điều này sẽ đặt ra cho 27 quốc gia thành viên câu hỏi về khả tạo ra một công cụ tài chính mới của châu Âu để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng.

EC cho rằng, các khoản đầu tư được thực hiện để đảm bảo sự độc lập về năng lượng của EU khỏi Nga là rất đáng kể, nhưng sẽ tiết kiệm cho các quốc gia thành viên khoảng 100 tỷ Euro mỗi năm.

(theo TTXVN)