📞

Châu Phi - “đấu trường” mới giữa Trung - Nhật

10:27 | 01/09/2016
Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi lần thứ 6 (TICAD-6) diễn ra cuối tuần trước không chỉ gây chú ý bởi số tiền khổng lồ mà Nhật Bản cam kết đầu tư cho châu Phi.

TICAD đã cho thấy kế hoạch đầy tham vọng của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe trong quyết tâm chinh phục thị trường châu Phi, tranh giành “chiếc bánh” đầy hấp dẫn này với các cường quốc khác, đặc biệt là Trung Quốc.

Bước ngoặt chính sách của Tokyo

Châu Phi đang được đánh giá là thị trường tiềm năng nhất thế giới, và điều này được chứng minh rất rõ qua việc các nước, từ phương Tây đến phương Đông, đang đổ xô đến nơi này để tìm kiếm cơ hội thiết lập quan hệ đối tác.

Không ai có thể phủ nhận thực tế châu Phi đang là một “chân trời mới” đầy hấp dẫn về mặt thị trường và đầu tư. Nguồn lực của châu lục này rất dồi dào, cả nguồn lực con người lẫn tự nhiên. Nhật Bản đã có mặt ở châu Phi từ sớm nhưng có vẻ chưa thực sự tận dụng được cơ hội và dường như họ đã nhận ra sai lầm này. Vì vậy, TICAD-6 được cho là bước ngoặt trong chính sách của Tokyo đối với châu Phi.

Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta (trái), Thủ tướng Shinzo Abe and Tổng thống Chad Idriss (phải) tại TICAD-6 tổ chức ở Nairobi hôm 27-28/8.

Trên thực tế, khuôn khổ TICAD đã được thiết lập từ năm 1993 và được tổ chức đều đặn 5 năm một lần tại Nhật Bản. Tuy nhiên, hội nghị lần này có sự thay đổi được miêu tả là mang tính lịch sử. Theo đó, lần đầu tiên, TICAD được tổ chức ngay trên đất châu Phi và diễn ra chỉ 3 năm sau TICAD 2013.

Khu vực có nhiều lợi ích

Tại TICAD-6 diễn ra trong hai ngày 27-28/8 ở thủ đô Nairobi (Kenya), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cam kết đầu tư 30 tỷ USD cho châu Phi trong 3 năm tới, trong đó 10 tỷ USD dành cho phát triển cơ sở hạ tầng.

“Đây là khoản đầu tư đặt niềm tin vào tương lai của châu Phi, một sự đầu tư để Nhật Bản và châu Phi cùng phát triển”, Thủ tướng Abe phát biểu tại hội nghị.

Nhật Bản quyết thực hiện chiến dịch “tấn công” mạnh mẽ vào châu Phi vì nhiều lợi ích, không chỉ trong lĩnh vực năng lượng, kinh tế, đầu tư mà cả vì lợi ích chính trị. Nhật Bản vốn được biết đến là một quốc gia nghèo tài nguyên và việc họ hướng đến một lục địa sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, phong phú như châu Phi là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, chính quyền Thủ tướng Abe cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội phát triển thương mại, đầu tư ở một thị trường tiềm năng như châu Phi – nơi đối thủ Trung Quốc của họ đang thiết lập một vị thế khá vững mạnh.

Vị thế của Bắc Kinh ở châu Phi rõ ràng là một áp lực đối với Tokyo. Dù bất lợi hơn trong việc tăng cường quan hệ với châu Phi, Nhật Bản không phải là không có cơ hội, khi nước này chọn hướng không cạnh tranh về số lượng với Trung Quốc mà lựa chọn chất lượng. Ông Abe cam kết “công nghệ chất lượng cao và phát triển nguồn nhân lực” của Nhật Bản sẽ hỗ trợ công nghiệp hóa cho các nước châu Phi, bao gồm cả lĩnh vực nông nghiệp.

Chính quyềnThủ tướng Shinzo Abe quyết tâm chinh phục thị trường châu Phi.

Ngoài lý do về năng lượng và kinh tế, Nhật Bản còn quyết tâm quay trở lại châu Phi để tranh giành ảnh hưởng chính trị tại đây với Trung Quốc. Tokyo mong muốn thiết lập quan hệ đối tác ngày càng mạnh mẽ với các nước châu Phi để vận động sự ủng hộ của những nước này cho cuộc cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mà Nhật Bản hy vọng sẽ giành được một chiếc ghế thường trực.

Châu Phi hưởng lợi gì?

Sau khi cam kết đầu tư 32 tỷ USD cho châu Phi trong thời gian 5 năm tại TICAD năm 2013, quyết định của Nhật Bản trong việc đầu tư thêm 30 tỉ USD tại TICAD-6 lần này được đưa ra vào thời điểm tốt hơn đối với châu Phi.

Trong bối cảnh doanh thu từ dầu mỏ đang ngày một suy giảm, giá cả hàng hóa khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng và nhiều cuộc xung đột mới nổ ra, sự đóng góp của Nhật Bản cho các quốc gia châu Phi vào thời điểm này có ý nghĩa rất lớn. Đối với các quốc gia châu Phi, để đáp ứng tiềm năng phát triển kinh tế, việc xây dựng cơ sở hạ tầng là một điều bắt buộc. 10 tỷ USD đầu tư của Nhật Bản sẽ được sử dụng để phát triển mạng lưới điện, các hệ thống giao thông, đường sá và cầu cảng. Nguồn vốn đầu tư và công nghệ của Nhật Bản cũng là những yếu tố mà các nước châu Phi đang rất cần.

Qua những phân tích kể trên, có thể nói, Nhật Bản và châu Phi kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội phát triển thực sự cho nhau. Dù vậy, có ý kiến cho rằng Nhật Bản sẽ khó chinh phục thị trường châu Phi khi Trung Quốc đã xây dựng được vị thế vững chắc như hiện nay.

Tuy nhiên, giới phân tích tin rằng châu Phi sẽ không dại gì bỏ lỡ “cơn gió” từ Nhật Bản để giúp họ “bay lên”. Các quốc gia châu Phi đương nhiên luôn muốn tận dụng cơ hội từ cả Trung Quốc và Nhật Bản hay bất kỳ nước nào khác để giúp họ phát triển.