Ải Chi Lăng là vùng đất thiêng ghi dấu những trận đánh oanh liệt, đập tan các cuộc xâm lăng của phong kiến phương Bắc. (Ảnh: Hồng Hạnh) |
Vùng đất Chi Lăng (Lạng Sơn) địa linh nhân kiệt từ lâu đã đi vào tiềm thức người dân Việt Nam, nơi có truyền thống lịch sử lâu đời, với một vị trí đặc biệt quan trọng là "yết hầu" của đất nước trong việc chặn đứng các cuộc xâm lược phương Bắc, góp vào những chiến công chói lọi của lịch sử dân tộc… Phát huy thế mạnh của vùng, thời gian qua, huyện Chi Lăng đã chú trọng xây dựng phát triển du lịch gắn với di tích lịch sử, di sản văn hóa.
Lợi thế với nhiều di tích lịch sử
Chi Lăng là huyện niềm núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Lạng Sơn, nơi có nhiều dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Nùng (50,8%), dân tộc Tày (34,9%), dân tộc kinh (12,8%) và các dân tộc khác (Dao, Hoa, Mường, Cao Lan, Sán Chỉ, Ngái) chiếm khoảng 1,5%. Hiện trên địa bàn huyện có 112 điểm di tích gồm: 56 di tích lịch sử cách mạng; 10 di tích danh thắng; 6 di tích khảo cổ; 40 di tích tín ngưỡng, tôn giáo.
Trong đó có 3 di tích xếp hạng cấp quốc gia (gồm 2 di tích (Hang Lạng Nắc và Hang Gió) và 1 Khu di tích lịch sử Chi Lăng)); 5 di tích xếp hạng cấp tỉnh gồm: Hang Nà Ngụm (xã Bằng Hữu), hang Bó Nam (xã Bằng Hữu), đồi Yên Mạ (xã Quang Lang), địa điểm Phai Sa (xã Hòa Bình), Đền Cao Đức Thánh cả (TT. Chi Lăng). Những di tích này phần lớn nằm trong chuỗi quần thể di tích lịch sử Chi Lăng, đây là những điểm di tích rất có tiềm năng phát triển du lịch.
Với những nỗ lực của các cấp, ngành liên quan và người dân, du lịch của huyện Chi Lăng đã có nhiều khởi sắc, lượng khách đến huyện tăng dần qua các năm. Năm 2022, toàn huyện thu hút 120.000 lượt khách du lịch, tăng gấp 4 lần so với năm 2021, 6 tháng đầu năm 2023, thu hút trên 100.000 lượt khách, vượt 80% so với kế hoạch năm đề ra, bằng 83% so với cả năm 2022, tuy nhiên chưa xứng với tiềm năng của huyện.
Ông Vi Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Hiện nay, huyện Chi Lăng tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn đẩy mạnh việc khai thác giá trị di tích lịch sử, di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Từ năm 2022, huyện đã tập trung khai thác 2 tuyến du lịch chính.
Tuyến tham quan số 1, Du lịch lịch sử văn hóa - tâm linh, gồm: Đền Chầu Năm (thị trấn Chi Lăng) - Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng - Đền Quỷ Môn (xã Chi Lăng) - Đền Chầu Bát, Miếu Cô Chín (thị trấn Đồng Mỏ) - Đền Chầu Mười (xã Hòa Bình); Tuyến tham quan số 2: Du lịch lịch sử văn hóa và sinh thái nông nghiệp trải nghiệm: Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng - Lũy Ải - Đền Quỷ môn - Ải Chi Lăng - Núi Mặt Quỷ - khu vực trồng các sản phẩm nông nghiệp an toàn như Na, Bưởi (xã Chi Lăng và thị trấn Đồng Mỏ)…
“Hiện nay, huyện Chi Lăng đang phối hợp, liên kết với Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn xây dựng tuyến du lịch số 3, gồm các huyện: Bắc Sơn - Văn Quan - Chi Lăng - TP. Lạng Sơn”, ông Trung chia sẻ thêm.
Mặc dù, có nhiều điểm di tích lịch sử, là tiềm năng lớn để phát triển du lịch gắn với di tích lịch sử của vùng, tuy nhiên, theo bà Đinh Thị Thao, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện, hoạt động du lịch tại địa phương chưa xứng với tiềm năng, còn mang tính tự phát, các sản phẩm du lịch hiện nay đa số được khai thác đơn lẻ, thụ động, chưa hình thành được các tour, tuyến du lịch hấp dẫn và có thương hiệu.
Lượng khách đến các điểm di tích vẫn rất ít, chỉ tập trung trong một vài ngày diễn ra lễ hội như: Lễ hội Đền Trần xã Nhân Lý (mùng 6 tháng Giêng); Lễ hội Đình Làng Mỏ (mùng 7 tháng Giêng), Lễ hội thị trấn Đồng Mỏ (mùng 10 tháng Giêng), Lễ hội Đền Chầu Mười (Mỏ Ba xã Hòa Bình - ngày 11 tháng Giêng), Lễ hội Chùa Làng Trung (ngày 15 tháng 3 Âm lịch); Lễ hội Háng Ví xã Chiến Thắng (ngày 20 tháng Giêng)…
Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm
Để phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện, ông Vi Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Cấp ủy, chính quyền các cấp và các đơn vị liên quan trên địa bàn huyện Chi Lăng đã tập trung nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tập trung hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao, tạo điểm nhấn thu hút du khách.
Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng được xây dựng vào năm 1982 - nơi lưu giữ các tư liệu, tài liệu liên quan đến toàn bộ di tích lịch sử Chi Lăng. (Ảnh: Hồng Hạnh) |
Đồng thời, địa phương cũng chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Khu di tích lịch sử Chi Lăng - Di tích Quốc gia đặc biệt, trong việc giáo dục truyền thống, nghiên cứu học tập gắn với phát triển du lịch của địa phương.
Huyện Chi Lăng phấn đấu đến năm 2025, sẽ đón khoảng 8.200 lượt khách quốc tế, hơn 194.000 lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 172 tỷ đồng.
Với tiềm năng du lịch da dạng, khác biệt cả về tự nhiên và văn hóa, đặc biệt là những giá trị di tích lịch sử cấp quốc gia và bản sắc văn hóa của các dân tộc, cùng với những nỗ lực của chính quyền và nhân dân trong huyện, du lịch di tích lịch sử ở Chi Lăng sẽ tạo được sức hút lớn với du khách và thực sự trở thành một hướng phát triển kinh tế mới của địa phương.
| Vinh danh và phát triển du lịch làng nghề huyện Phú Xuyên Lễ hội Vinh danh Làng nghề huyện Phú Xuyên lần thứ IV sẽ diễn ra từ ngày 26-29/10 với nhiều hoạt động phong phú và ... |
| 'Chắp cánh' cho du lịch MICE Hà Nội phát triển Với nhiều tiềm năng phát triển du lịch MICE, Hà Nội cần “mặc áo mới” cho loại hình này... |
| Đổi mới công tác truyền thông du lịch theo hướng phát triển bền vững Ngày 7/11, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức tọa đàm 'Đẩy mạnh công tác truyền thông du lịch' nhằm nâng cao hiệu quả ... |
| Tìm giải pháp tạo đột phá trong phát triển du lịch xanh tại Việt Nam Mới đây, Báo Văn hóa và Tạp chí điện tử Thương hiệu & Sản phẩm phối hợp cùng Sở Du lịch Bà Rịa – Vũng ... |
| 'Vẽ' thêm bản đồ du lịch Việt Nam, cùng ASEAN phát triển bền vững Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành du lịch, ... |