TIN LIÊN QUAN | |
‘Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh’ chính thức có bản tiếng Nhật | |
"Những dòng sông trên thế giới 2017" đến Hà Nội |
Ông suy nghĩ như thế nào về việc loại bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trình sách giáo khoa?
Là người được học, tôi thấy đó là một tác phẩm có ý nghĩa rất lớn trong kho tàng văn học Việt Nam. Chí Phèo không chỉ là một đại diện ưu tú của dòng văn học hiện thực phê phán, mà còn là "đứa con tinh thần" của nhân dân được thai nghén, nuôi dưỡng, sinh nở và sống vượt qua thời kỳ tăm tối dưới ách thực dân, phong kiến trước cách mạng.
Ai đó nói, văn là con người, là cuộc sống, là đạo đức. Bởi vậy, trước khi đưa đề xuất loại bỏ bất kỳ tác phẩm nào, chúng ta phải hiểu đó là tác phẩm văn học trong thời kỳ nào, giai đoạn xã hội nào.
Có thể nói, đây là kiệt tác vượt qua thời gian, như bông hoa trí tuệ, góp phần hình thành tâm hồn Việt. Từng hình ảnh, âm thanh trong Chí Phèo đã là "một phần của cuộc sống”, quen thuộc, dung dị, đủ chất thôn dã, định dạng người nông dân với nỗi truân chuyên... Vì thế, theo tôi, chẳng có lý do gì lại loại tác phẩm này.
Chí Phèo được đánh giá là tác phẩm mang nhiều ý nghĩa giáo dục, quan trọng là chúng ta đọc bằng cả trái tim hay chưa? Nếu loại bỏ tác phẩm này, chúng ta sẽ để mất gì?
Theo tôi, nếu Chí Phèo bị loại khỏi sách giáo khoa, chúng ta sẽ mất đi niềm tự hào văn học, mất đi sự hiểu biết được vẽ thành tranh một thời kỳ hỗn mang dưới ách thực dân, phong kiến. Đồng thời, chúng ta còn mất đi hình ảnh, sản phẩm của xã hội ấy.
Tất cả những nhân vật trong tác phẩm Chí Phèo đến lối hành văn, triết lý nhân sinh trong đêm đen là một kho báu. Những âm thanh của Chí Phèo dường như vẫn cứ âm ỉ cháy khi thầy cô ngừng giảng, khi đã gập sách lại. Sẽ rất thiệt thòi nếu thế hệ sau này không được chiêm ngưỡng tuyệt phẩm đó trên ghế nhà trường.
Chỉ khi đọc bằng cái tâm, bằng cả sự chân thành của trái tim sẽ hiểu được giá trị giáo dục nhân cách con người qua tác phẩm. Đó là những con người đau khổ trong xã hội ấy đã dũng cảm đứng lên giành quyền làm người lương thiện. Chung quy lại, nếu bỏ tác phẩm Chí Phèo, học sinh sẽ thiếu, sẽ mất một góc nhìn về xã hội thời ấy.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. (Nguồn: dangcongsan.vn) |
Theo ông, tác phẩm Chí Phèo có thực sự ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách cho giới trẻ hay không?
Tác phẩm này như một rường cột lớn của văn học Việt Nam. Nếu bỏ sẽ tạo sự trống vắng, thiếu thốn, làm nhạt đi vị mặn mồ hôi của văn học trong nhà trường. Một người nông dân bị bần cùng hóa muốn vươn lên làm người lương thiện... nếu tắt ngấm, lấy gì tạo nên nền tảng tâm hồn trẻ thời nay?
Lẽ nào thời đại 4.0 thì bỏ văn học truyền thống? Chẳng lẽ, người ta dễ quên những viên gạch đất nung của văn học Việt xa xưa để thay thế bằng bê tông, cốt thép? Giới trẻ ngày nay có thể có suy nghĩ khác nhưng tôi cho rằng, nếu được truyền thụ, hướng dẫn chu đáo thì họ sẽ có thể cảm nhận nhiều điều qua Chí Phèo, có thể tự hào về áng văn đẹp đó, có thể sánh với những tác phẩm lớn và đẹp của nước ngoài.
Biết rằng, mỗi người có quyền được thể hiện chính kiến của mình. Tuy nhiên nếu nói tác phẩm này làm lệch lạc nhận thức của thế hệ trẻ là chưa thỏa đáng, phiến diện. Bao nhiêu người đã học Chí Phèo và nhân cách của mỗi người như thế nào, dĩ nhiên không phải do tác phẩm này mà ra.
Có thể nói, trẻ cần phải học nhiều, vấp ngã nhiều mới trưởng thành. Nhưng thực tế, cha mẹ đang định đoạt sự phát triển của con, không dám cho con được thử thách, được thua cuộc. Vì thế, con mãi non nớt, vẫn là đứa trẻ “vắt mũi chưa sạch”. Ai đó nói, cuộc đời không trong vắt, sạch sẽ như trường lớp. Nhưng việc hình thành nhân cách cho trẻ phải được xây dựng từ nhỏ, ngay trong gia đình chứ không phải do một tác phẩm.
Trong khi đó, Chí Phèo mang đầy đủ cốt cách, giá trị như phản ánh lịch sử, xã hội, giá trị nghệ thuật, nhân văn… Nếu như cho rằng tác phẩm này ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý giới trẻ thì hãy nhìn lại “Túp lều bác Tom” của Harriet Beecher Stowe hay “Những người khốn khổ” của Victor Hugo sẽ được cho là tác phẩm có nhiều nhân vật không mang tính giáo dục hay sao?
Không riêng Chí Phèo mà khi loại một tác phẩm văn học cần phải có một quá trình dài hơi?
Tôi không trách người đề xuất nhiều, nhưng rõ ràng cần phải "chiếu nghỉ cầu thang" để tìm hiểu một cách cẩn trọng, đừng vội "ném đồ vào sọt rác".
Tại sao lại cắt cụt hết bài học của trẻ? Để trưởng thành và sâu sắc hơn, hẳn các bạn trẻ cần được đọc và cảm thụ nhiều hơn, cảm nhận và trăn trở nhiều hơn qua các tác phẩm. Thay vì để trẻ được tiếp xúc, va chạm, tại sao chúng ta lại cách ly trẻ với mọi thứ? Rõ ràng, khi trẻ càng biết nhiều sẽ dễ miễn dịch, còn nếu không biết sẽ dễ mắc bệnh. Nói là trẻ con cần được cách ly với cái xấu, càng sống trong lồng ấp, trẻ sẽ càng dễ tổn thương.
Vì thế, không riêng gì Chí Phèo, khi loại bỏ một tác phẩm văn học hẳn cần phải có một quá trình dài hơi. Cũng giống như làm luật, phải đánh giá tác động xã hội trên mọi phương diện. Câu hỏi đặt ra là: tại sao lại loại bỏ một tác phẩm có sức sống dường như rất mãnh liệt ra khỏi đời sống học đường? Cái được là gì? Cái mất là gì? Hay đơn giản chỉ là ý thích tầm thường? Hay là một sự phản bội khoa học? Tôi cho rằng, cần phải thận trọng suy xét, đánh giá, cân nhắc, nếu không sẽ hối tiếc.
Trân trọng cảm ơn ông!
Lise Nguyễn chia sẻ, chị lựa chọn đến Pháp bởi tiếng Pháp là ngôn ngữ chị gắn bó từ thuở nhỏ, cũng như đã quen thuộc ... |
Tìm lại “Ký ức nước Nga” giữa thành phố mang tên Bác Chương trình “Những ngày sách Nga tại TP. Hồ Chí Minh” sẽ diễn ra từ ngày 1 - 8/11 tại đường sách Nguyễn Văn Bình ... |
Bộ sách Văn học Hàn Quốc lần đầu ra mắt tại Việt Nam Sự kiện ra mắt hai bộ sách về văn học Hàn Quốc đã mở đầu cho chuỗi sự kiện kỷ niệm 25 năm thiết lập ... |