Toyota là một trong những nhãn hàng dự định tăng giá bán vào năm sau. (Nguồn: Japan Times) |
Trong số 80 công ty được khảo sát được thực hiện từ ngày 7-21/11, 23% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ đang cân nhắc tăng giá đối với các sản phẩm tiêu dùng, trong khi 49% doanh nghiệp cho biết họ chưa đưa ra quyết định về vấn đề này.
Về lý do dẫn đến việc tăng giá sản phẩm, các doanh nghiệp đã viện dẫn những vấn đề như đà tăng của chi phí nguyên vật liệu, vận chuyển và sự yếu đi của đồng Yen. Cuộc khảo sát trên cũng cho thấy 15% doanh nghiệp không tiết lộ quyết định của họ về việc có tăng giá sản phẩm hay không.
Trong cuộc khảo sát, chỉ có Torikizoku Holdings Co., doanh nghiệp điều hành chuỗi quán rượu kiểu Nhật "izakaya", cho biết rằng họ không xem xét việc tăng giá.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy 30% doanh nghiệp không chắc chắn về việc tăng lương trong năm 2023 và 33% không tiết lộ quyết định của mình.
Khi được hỏi về việc doanh nghiệp đã tiến hành bao nhiêu đợt tăng giá trong năm nay, 13% doanh nghiệp cho biết họ chưa tăng giá, trong khi 29% trả lời một lần và 14% trả lời hai lần.
Kết quả cuộc khảo sát được công bố giữa bối cảnh giá tiêu dùng trong tháng 11 tại Tokyo tăng 3,6% so với một năm trước đó, ghi dấu mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1982 khi đà tăng của giá năng lượng và thực phẩm khiến ngân sách của các hộ gia đình ngày càng eo hẹp.
Tập đoàn Daio Paper cho biết sẽ tăng giá đối với hơn 20% các sản phẩm tiêu dùng, bao gồm giấy ăn, giấy vệ sinh và giấy nhà bếp, kể từ ngày 21/1.
Yorifusa Wakabayashi, Chủ tịch của Daio Paper Corp., nói rằng sự sụt giảm khối lượng bán hàng là "không thể tránh khỏi" và ông đã yêu cầu đội bán hàng cố gắng đảm bảo lợi nhuận.