Đức dự kiến dành khoản ngân sách quốc phòng năm 2022 cao kỷ lục. (Ảnh: DPA) |
Số liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (Sipri) cho thấy lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh, số lượng vũ khí hạt nhân toàn cầu được dự báo sẽ tăng .
Dù tổng số đầu đạn hạt nhân trên thế giới hiện tại là 12.705 đơn vị, giảm nhẹ so với con số 13.080 cách đó một năm, nhưng cả 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đều có kế hoạch gia tăng số lượng đầu đạn trong kho vũ khí của mình. Đây là điều đi ngược lại lời kêu gọi phi hạt nhân hóa trên toàn cầu.
Một con số thống kê khác cũng khiến nhiều người giật mình: Năm 2021, ngân sách quốc phòng của thế giới đã tăng lên mức kỷ lục 2 nghìn tỷ USD, đánh dấu năm thứ 7 tăng liên tiếp.
Mỹ vẫn là nước mạnh tay nhất trong chi tiêu quốc phòng, với khoảng 700 tỷ USD, tiếp đó là Trung Quốc với 230 tỷ USD, Ấn Độ hơn 75 tỷ USD và Anh ở vị trí thứ 4 với gần 70 tỷ USD.
Đặc biệt, chi tiêu quốc phòng của nhiều nước châu Âu có xu hướng tăng nhanh. Đức chẳng những tăng ngân sách quốc phòng lên 50 tỷ Euro, mà còn lập quỹ đặc biệt 100 tỷ Euro để hiện đại hóa quân đội.
Trong khi sẵn sàng vung tay chi tiêu cho quốc phòng, người ta lại bỏ qua thảm cảnh mà thế giới đang phải đối mặt. Theo thống kê, đến đầu năm 2021, đã có gần 200 triệu người tại 53 nước lâm vào cảnh mất an ninh lương thực.
Còn theo Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, từ đầu năm đến nay, khoảng 276 triệu người trên thế giới đã phải đối mặt với nạn đói. Do chuỗi cung ứng lương thực bị gián đoạn bởi xung đột Nga-Ukraine, nguy cơ sẽ có thêm 47 triệu người rơi vào cảnh thiếu ăn.
Nếu nghịch lý trên không được ngăn chặn, thảm cảnh chắc sẽ không chỉ dừng ở nạn đói.