📞

Chìa khóa để doanh nghiệp không lỡ chuyến tàu CMCN 4.0

15:58 | 13/09/2018
Doanh nghiệp (DN) đổi mới sáng tạo muốn trụ được trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 thì vấn đề cốt lõi chính là nền tảng khoa học công nghệ vững.  

​Đó là nhận định của ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ tại Tọa đàm trực tuyến “Start up 4.0 - Diễn đàn khởi nghiệp sáng tạo” do báo Thế Giới & Việt Nam tổ chức bên lề “Diễn đàn toàn thể về khởi nghiệp sáng tạo trong thời đại CMCN 4.0” trong khuôn khổ WEF ASEAN 2018, tại Hà Nội, ngày 11/9/2018. 

Tại sự kiện, các nhà quản lý, giới doanh nhân đã trao đổi về những cơ hội, thách thức mà cuộc CMCN 4.0 mang lại cho DN, những xu hướng kinh doanh mới trong kỷ nguyên số, bài học kinh nghiệm và lời khuyên hữu ích dành cho DN để bắt kịp xu hướng của thời đại. 

Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ

Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã vào cuộc rất khẩn trương, kịp thời, đưa ra những chính sách để tận dụng những cơ hội của CMCN 4.0 và đối phó với những thách thức. Cụ thể, ngay từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo và ban hành Chỉ thị 16 về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0.

Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh đến phát triển một số trụ cột để Việt Nam có thể tiếp cận CMCN 4.0 kịp thời nhưng thận trọng, trong đó, hạ tầng công nghệ thông tin là một trong những yếu tố quan trọng. Trụ cột thứ hai là đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực, thay đổi chương trình đào tạo nghề, đào tạo đại học, sau đại học.

Trụ cột thứ ba chính là khoa học công nghệ (KHCN). Muốn tiếp cận cuộc CMCN 4.0, không có cách nào khác là Việt Nam cần nâng cao năng lực KHCN, đẩy mạnh ứng dụng KHCN và công nghệ số, thúc đẩy hình thành DN đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện cho các DN lớn đi đầu về công nghệ. Trụ cột thứ tư chính là phát triển môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh để các DN vươn ra toàn cầu, nhấn mạnh hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Chỉ thị 16 ra đời kịp thời đã tạo khí thế cho các Bộ, ngành, địa phương, DN hướng đến cuộc CMCN 4.0. Về lâu dài, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Khoa học & Công nghệ phối hợp với các đối tác, đặc biệt là với các chuyên gia Australia, trong năm nay, thực hiện báo cáo đánh giá về các kịch bản phát triển nền kinh tế số đối với Việt Nam. Khi có một đánh giá toàn diện như vậy thì Việt Nam tự biết mình có thế mạnh gì trên “chuyến tàu 4.0” và tập trung phát triển lĩnh vực nào. Chẳng hạn, Việt Nam có thể dựa trên thế mạnh về nông nghiệp, dược liệu, du lịch, nguồn nhân lực công nghệ thông tin để định ra những hướng đi đúng, từ đó có chiến lược tiếp cận đối với cuộc CMCN 4.0 một cách hợp lý và hiệu quả hơn; cần có cách tiếp cận trong ngắn hạn, dài hạn, vừa khẩn trương nhưng cũng cần ổn định và bền vững.

DN đổi mới sáng tạo muốn trụ được trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0, vấn đề cốt lõi chính là nền tảng KHCN vững, nâng cao hiệu quả các chương trình phối hợp giữa nhà khoa học và DN, giúp DN hoàn thiện công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Ông Nguyễn Văn Thảo, Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao

WEF ASEAN 2018 là sự kiện đối ngoại lớn nhất của đất nước trong năm 2018, hết sức có ý nghĩa đối với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Đây là hoạt động khẳng định sự quyết tâm và tính đúng đắn của chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng và đã tới thời điểm mà các nhà lãnh đạo, các doanh nghiệp cần bàn với nhau về những xu hướng phát triển của thế giới và đặc biệt là việc định hình hướng phát triển cho các nước ASEAN.

Trước làn sóng của cuộc CMCN 4.0, các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng cũng chịu tác động không nhỏ, nhưng không chỉ có tác động tiêu cực mà chúng ta còn có rất nhiều cơ hội. Đây là lúc cần ngồi lại với nhau, để định hình rõ nét những cơ hội, những thách thức. Và việc này, Việt Nam cũng không làm được một mình, cần có sự phối hợp giữa cộng đồng quốc tế, khu vực, giữa các chính phủ với giới học giả, DN để đạt được hiệu quả cao nhất.

CMCN 4.0 đang là một chủ đề được bàn thảo sôi nổi trên toàn cầu và với khu vực ASEAN cũng vậy. Vì vậy, khi Việt Nam đưa ra thảo luận trong các nước ASEAN về chủ đề của WEF ASEAN 2018 là “ASEAN 4.0: Tinh thần DN và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” thì được các nước ủng hộ rất cao. Đây là lý do tại sao Hội nghị WEF ASEAN 2018 được tổ chức tại Việt Nam thu hút được sự quan tâm lớn. Số lượng các nhà lãnh đạo DN toàn cầu đến dự cũng lớn nhất từ trước đến nay. Việt Nam đã đưa ra đúng chủ đề, đúng thời điểm và nội dung đưa ra là thiết thực, phù hợp không chỉ với ASEAN mà còn phù hợp với cộng đồng quốc tế.

WEF là một diễn đàn về ý tưởng, nơi những bộ óc của thế giới thảo luận với nhau, định hình về tương lai phát triển của kinh tế thế giới. Và rõ ràng, đã đến lúc Việt Nam khẳng định có đủ “tầm”, đủ vị thế để trao đổi về những vấn đề lớn có tính chất xu hướng quốc tế.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo của hơn 1.000 DN hàng đầu thế giới đến Việt Nam dự Hội nghị lần này sẽ mục sở thị một đất nước Việt Nam đổi mới, phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là một Chính phủ kiến tạo, hành động, tạo môi trường tốt nhất cho sáng tạo, khởi nghiệp với chủ đề CMCN 4.0 của WEF.

Ông Nguyễn Duy Chính, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành

Để đón đầu những thành tựu của CMCN 4.0, Tập đoàn đã có những bước chuẩn bị chu đáo. Trong 3 năm gần đây, Tân Á Đại Thành đã đầu tư nguồn lực vào dây chuyền sản xuất hiện đại, sản xuất ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn châu Âu và thân thiện với môi trường. Điển hình như sản phẩm ống nhựa (ra mắt thị trường năm 2016) được sản xuất trên dây chuyền công nghệ nhập khẩu từ Đức, mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam sản phẩm đạt tiêu chuẩn.

Gần đây, các sản phẩm bình nước nóng của Tập đoàn cũng đã được xuất khẩu sang các thị trường như: Indonesia, Nga, Ấn Độ... Quý I/2019, Nhà máy Tân Á Hà Nam đạt tiêu chuẩn châu Âu cũng sẽ đi vào hoạt động. Chúng tôi rất kỳ vọng với dây chuyền sản xuất thông minh đạt tiêu chuẩn quốc tế này, sản phẩm của Tân Á Đại Thành sẽ thuyết phục được các nhà nhập khẩu trên thế giới.

Về cuộc CMCN 4.0, Tập đoàn Tân Á Đại Thành có nhiều cơ hội nhưng thách thức cũng không phải là nhỏ. Với triết lý kinh doanh “Phồn vinh cuộc sống Việt”, Công ty đã có sự chuẩn bị chu đáo đối với cuộc CMCN 4.0, từ máy móc, dây chuyền sản xuất, công nghệ đến con người, tôi tin rằng đây sẽ là cơ hội rất lớn đối với Tân Á Đại Thành vươn ra thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, Công ty cũng đã có những bước chuẩn bị để thích nghi, theo kịp các DN quốc tế, trước mắt là các DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Hiện nay, Chính phủ cũng đã có nhiều hoạt động để tuyên truyền, quảng bá, giúp cho DN Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tôi tin rằng DN Việt cũng sẽ bắt kịp và khẳng định được năng lực của mình trên thị trường quốc tế.

Bà Lê Nữ Thùy Dương, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành

CMCN 4.0 đã và đang làm thay đổi rất nhiều đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có công ty chúng tôi, một đơn vị hoạt động trên 40 năm với nhiều lĩnh vực. Hiện Công ty tập trung vào đầu tư kinh doanh bất động sản, phát triển sân golf và các khu đô thị nghỉ dưỡng phức hợp với những tiện ích đi kèm để phục vụ cộng đồng dân cư. Việc ứng dụng phần mềm vào quản lý, điều hành dự án là rất quan trọng.

Với đội ngũ hơn 3.000 nhân viên và hàng chục ngàn khách hàng sử dụng dịch vụ và sản phẩm của Công ty, chúng tôi đã áp dụng các phần mềm quản lý và đang triển khai phần mềm quản lý ERP, là hệ thống phần mềm tích hợp trong quản lý tài chính, kế toán, hành chính, nhân sự, bán hàng. Thông qua phần mềm này, DN nắm bắt thông tin nhanh chóng, kịp thời, hoạt động một cách hiệu quả nhất. DN không mất nhiều thời gian để kiểm tra, kiểm soát, tất cả đều được quản lý theo hệ thống, tiết kiệm nguồn lực. Bên cạnh đó, Công ty cũng đã ứng dụng công nghệ Big Data trong hoạt động tiếp cận khách hàng, quảng bá truyền thông.

Sắp tới, Công ty hướng đến quản lý theo công nghệ BIM (Building Information Modeling - quá trình tạo lập và sử dụng mô hình thông tin trong giai đoạn từ thiết kế, thi công và vận hành công trình) để quản lý mọi khâu trong hoạt động xây dựng dự án, tiết kiệm chi phí và bảo đảm chất lượng thi công.