TS. Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng, Thanh niên thời nay phải nhận thức về trách nhiệm của mình cũng như nắm bắt thời cơ để phát triển bản thân và cống hiến... (Ảnh: NVCC) |
Tầm nhìn và khát vọng to lớn của dân tộc thể hiện trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Đây chính là sứ mệnh của thế hệ trẻ ngày nay - thế hệ được lựa chọn, có khả năng đạt “độ chín” đúng vào thời điểm cốt lõi để hiện thực hóa mục tiêu 2045.
TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên – Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam về trách nhiệm thanh niên thời hội nhập.
Trong bối cảnh hiện nay, thanh niên cần có tư duy chuyển đổi số mạnh mẽ, có khả năng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, được kỳ vọng tạo sức bật mới trong quá trình chuyển đổi số nói chung?
Trong cuộc CMCN 4.0 nói chung và công cuộc chuyển đổi số ở nước ta nói riêng, thanh niên với tư cách vừa là chủ thể vừa là đối tượng tiếp nhận và thụ hưởng. Thanh niên ngày nay có nhiều lợi thế, là thế hệ được sinh ra và lớn lên trong kỷ nguyên số. Do được tiếp cận sớm với Internet cùng với các phương tiện thiết bị kỹ thuật số từ nhỏ nên các bạn còn được “gắn nhãn” là “những công dân thời đại kỹ thuật số”.
Thế hệ thanh niên hiện nay, gồm những người sinh từ khoảng cuối thập kỷ 90 thế kỷ trước đến năm 2010 (còn gọi là thế hệ Z). Theo Tổng Cục Thống kê dự đoán, đến khoảng năm 2025, thế hệ này có thể chiếm gần 1/3 dân số trong độ tuổi lao động ở Việt Nam và là lực lượng lao động trong cuộc phát triển nhanh chóng của công nghệ 4.0.
Xác định thanh niên đóng vai trò quan trọng trong phát triển công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, CMCN 4.0, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhìn nhận chính thanh niên phải là nhân tố then chốt, đầu tàu và có tính đột phá.
Thanh niên ngày nay được trang bị đầy đủ kỹ năng và khả năng sử dụng từ cơ bản đến thành thạo công nghệ thông tin, các trang thiết bị, phương tiện phục vụ chuyển đổi số, có tư duy chuyển đổi số. Đồng thời, các em có khả năng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, phát huy tính sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ của mình trên các “mặt trận” khác nhau.
Theo tôi, thanh niên phải nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số, cũng như trách nhiệm của bản thân trong việc nhận thức trước cơ hội và thách thức, chủ động nắm bắt thời cơ để phát triển và công hiến. Trong thời gian qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp đã luôn chú trọng tổ chức chia sẻ, nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số cho thanh niên, tạo điều kiện cho thanh niên phát huy năng lực, đột phá của bản thân.
Là người tiếp xúc, làm việc nhiều với các bạn trẻ, bà cảm nhận thế nào về sự chuyển mình của thanh niên thời nay?
Trong kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Thanh niên về tìm hiểu tâm thế của thanh niên trước vấn đề chuyển đổi số, xem xét trên các khía cạnh: sự quan tâm của thanh niên đối với vấn đề chuyển đổi số và cuộc cách mạng 4.0; Sự ảnh hưởng của cách mạng 4.0 đối với thanh niên; Sự chuẩn bị của thanh niên trước công cuộc chuyển đổi số và cách mạng 4.0.
Kết quả cho thấy, có 97,3 % thanh niên được khảo sát bày tỏ sự quan tâm, rất quan tâm đối với vấn đề chuyển đổi số, năng lực số. Có thể nhận thấy, thành tựu của cuộc CMCN 4.0 đã thúc đẩy làn sóng chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ khắp toàn cầu và thanh niên luôn phải quan tâm đến vấn đề này. Có 80% thanh niên trong cuộc khảo sát cho rằng CMCN 4.0 có ảnh hưởng ít hay nhiều đến công việc, học tập và cuộc sống của họ. Có 96,1% thanh niên trong cuộc khảo sát đã có sự chuẩn bị cho bản thân trước công cuộc chuyển đổi số. Công cuộc chuyển đổi số cho thấy những chủ nhân tương lai của đất nước, những thanh niên trong thời đại 4.0 đã thấy trách nhiệm của mình để thích ứng với thời đại số.
Như vậy, thế hệ thanh niên hiện nay khá năng động, tích cực, chủ động trong việc khẳng định và cống hiến trong học tập, làm việc và đặc biệt là các hoạt động trong lĩnh vực chuyển đổi số.
Trong tình hình mới, trách nhiệm của thanh niên quan trọng thế nào, thưa bà?
Luật Thanh niên năm 2020 đã quy định trong chương II về trách nhiệm của thanh niên: Trách nhiệm đối với Tổ quốc, trách nhiệm đối với Nhà nước và xã hội, trách nhiệm đối với gia đình, trách nhiệm đối với bản thân. Trong đó quy định rõ về trách nhiệm của thanh niên trong việc phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc; xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tích cực học tập, nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng; tiếp cận, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào thực tiễn.
Trong tình hình mới, trách nhiệm của thanh niên rất quan trọng đó là, bản thân thanh niên luôn phải không ngừng học tập, nghiên cứu, tìm hiểu và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; luôn thể hiện được vai trò tiên phong, tính xung kích, sáng tạo trong chuyển đổi số và chủ động, tích cực tham gia trong mọi phong trào, chương trình chuyển đổi số do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp phát động.
Tuyên truyền cho thanh niên nói riêng và người dân nói chung về hiệu quả, tiện ích khi tham gia chuyển đổi số. Đặc biệt, vận dụng kiến thức, năng lực bản thân, phát huy tính sáng tạo, phát triển các giải pháp, ý tưởng nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong học tập, việc làm…
Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, thanh niên sẽ phát huy được giá trị bản thân, bằng tài trí của mình tích cực tham gia và đóng góp cho các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội. (Ảnh: NVCC) |
Dấn thân là một phẩm chất của người trẻ - dấn thân để khẳng định mình, để bơi ra biển lớn, dám đối đầu, vượt qua mọi thách thức, trở ngại, để trở thành phiên bản tốt hơn chính mình ngày hôm qua. Sự dấn thân của thanh niên nước ta?
Thanh niên đã sẵn sàng dấn thân vào khoa học và công nghệ, ứng dụng khoa học và công nghệ làm kinh tế. Đồng thời, nghiên cứu, sáng tạo, tham gia vào các khu vực kinh tế mới và năng động như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tham gia các hoạt động truyền thông, sáng tạo văn hóa. Hưởng ứng năm công tác Đoàn hướng về hoạt động tình nguyện của Đoàn viên, Thanh niên, tôi hy vọng thanh niên sẽ phát huy được giá trị bản thân, bằng tài trí của mình tích cực tham gia và đóng góp cho các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội và phát triển cộng đồng ở mọi miền đất nước.
Bà có gợi mở những chính sách hướng về thanh niên cũng như giúp họ phải ý thức được trách nhiệm của mình trong việc phát triển đất nước?
Trong Luật Thanh niên năm 2020 đã quy định cụ thể về trách nhiệm của thanh niên, để thanh niên thực hiện được trách nhiệm của mình trong việc phát triển đất nước. Luật đã quy định một số chính sách về học tập và nghiên cứu khoa học; lao động, việc làm; khởi nghiệp để phát huy vai trò của thanh niên, tạo điều kiện cho thanh niên nâng cao nhận thức, tâm thế.
Đồng thời, phát huy tinh thần tiên phong, sáng tạo trong nghiên cứu, ứng dụng thành quả, vận dụng có hiệu quả những yếu tố tích cực từ cuộc CMCN 4.0. Đặc biệt, tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi số quốc gia, bởi đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn 2021-2030, góp phần phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Vì vậy, các chương trình nâng cao năng lực số cho thanh niên có sự phân loại và đặc thù với từng nhóm đối tượng thanh niên; cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục trong việc tạo điều kiện, cơ chế, tạo môi trường cho thanh niên học tập, lao động, phấn đấu và rèn luyện mọi mặt để làm chủ khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn các cấp cần đồng hành với thanh niên thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, phát triển kinh tế trong thanh niên, nhất là khởi nghiệp sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số.
Công nghệ “xâm lấn” đang tác động thế nào đến tư duy, hành động của người trẻ dưới góc nhìn của bà?
Công nghệ “xâm lấn” được hiểu là sự tham gia tích cực của công nghệ, ứng dụng mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh trong các lĩnh vực phát triển và đời sống xã hội. Ưu điểm của việc các thành tựu công nghệ mới là không thể phủ nhận. Đó là sự trợ giúp cần thiết để thanh niên thực hiện các mục tiêu của mình thông qua các hoạt động thực tiễn đem lại hiệu quả và năng suất lao động cao. Tuy nhiên, mặt trái của công nghệ cũng tác động đến thanh niên, có thể có những tác động tiêu cực làm thanh niên trở nên thụ động, ỷ lại, lười sáng tạo và lệ thuộc công nghệ.
Ứng xử với công nghệ một cách văn minh mà không cản trở sáng tạo, coi công nghệ là phương tiện, không phải là mục đích hay sự chi phối, quyết định năng lực bản thân là yêu cầu khá quan trọng mà mọi thanh niên luôn phải ý thức, học hỏi và rèn luyện để làm chủ. Đồng thời, hướng tới sử dụng công nghệ hiệu quả, thậm chí đổi mới, sáng tạo quy trình công nghệ, tạo ra công nghệ mới phục vụ phát triển thanh niên và đất nước.
Xin cảm ơn bà!
| Ngày quốc tế Hạnh phúc: Hạnh phúc của người dân đến từ đâu? Mỗi người sẽ có các tiêu chuẩn khác nhau về hạnh phúc. Tiêu chuẩn này dựa trên chính sự thoải mái, hài lòng của người ... |
| Kiến tạo hạnh phúc từ đâu? Tôi tin luật nhân quả. Khi gieo hạt ớt, chắc chắn không thể hái về quả xoài thơm ngọt. Khi làm điều xấu, tạo ra ... |
| Ngày quốc tế Hạnh phúc 20/3: Hạnh phúc bình dị của một đứa trẻ Một đứa trẻ hạnh phúc là khi được yêu thương, biết quan tâm người thân, sống chan hòa, nhân ái, có trách nhiệm với cộng ... |
| GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng: Tạo dựng hình ảnh đẹp về một Việt Nam coi trọng giáo dục và học tập suốt đời Theo GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng, Việt Nam vừa có thêm 2 thành phố trở thành thành viên của Mạng lưới Thành phố học tập ... |
| Thông điệp phát triển xã hội từ bài viết quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Phát triển vì con người, coi trọng công bằng xã hội, đề cao hợp tác và đoàn kết xã hội là những thông điệp nổi ... |