Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi đang lưu giữ 3 bảo vật quốc gia quý hiếm. Nổi bật nhất trong số đó là tượng Tu sĩ Phú Hưng (tượng thần Shiva) có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ IX-X.
Tiếp theo là bộ sưu tập trang sức vàng Trà Veo 3 và Lâm Thượng. Bộ sưu tập gồm 15 hiện vật là nhẫn, khuyên tai, hoa tai.
Cuối cùng là bộ sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh gồm có 18 bình hình lọ hoa được làm bằng kỹ thuật nặn tay.
|
Tượng Tu sĩ Chămpa Phú Hưng có niên đại thế kỷ IX-X. Hiện vật độc bản này cho thấy nghệ thuật tạo hình của dân tộc Chăm đã đạt đến đỉnh cao. Tượng Tu sĩ Chămpa Phú Hưng được tạo tác dưới dạng tượng tròn trong tư thế ngồi tĩnh tọa trên bệ đá, dựa lưng vào tấm tựa cách điệu đền tháp Chămpa. |
|
Tượng Tu sĩ Chămpa Phú Hưng có nguồn gốc từ tháp Phú Hưng (TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Năm 1994, tượng bị trộm rồi đưa vào TPHCM tiêu thụ. Vụ việc được Công an Quảng Ngãi phát hiện, thu giữ hiện vật và chuyển giao cho Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi lưu giữ. Năm 2018, tượng Tu sĩ Chămpa Phú Hưng được công nhận là bảo vật quốc gia. |
|
Tượng Tu sĩ Chămpa Phú Hưng là một tác phẩm đỉnh cao của người Chăm nên được giới chơi đồ cổ săn lùng. Thời điểm bị công an bắt giữ, những kẻ buôn đồ cổ khai nhận có người ra giá 50.000 USD cho bức tượng này. |
|
Bộ sưu tập trang sức vàng Trà Veo 3 và Lâm Thượng có niên đại từ thế kỷ X-XII. Bảo vật quốc gia này được tìm thấy tại khu mộ táng Trà Veo 3 (huyện Trà Bồng) và Lâm Thượng (huyện Mộ Đức). |
|
Bộ trang sức gồm 15 hiện vật là nhẫn, khuyên tai, hoa tai. Đây là những hiện vật gốc độc bản cho đến thời điểm này. Bộ trang sức được làm bằng vàng tự nhiên và được chế tác thủ công; phản ánh trình độ nghệ thuật kim hoàn đỉnh cao của nền văn hóa Chămpa. |
|
Nhiều người trầm trồ thán phục kỹ thuật chế tác trang sức tinh xảo của người Chămpa. |
|
Bảo vật quốc gia bộ sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh gồm có 18 bình hình lọ hoa được làm bằng kỹ thuật nặn tay, kết hợp dải cuộn với chất liệu đất sét được lọc kỹ pha cát mịn. Những bình gốm này có niên đại cách nay khoảng trên dưới 3.000 năm. Đây là di sản văn hóa của người Sa Huỳnh cổ được tìm thấy trong cuộc khai quật di tích khảo cổ Long Thạnh (xã Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ). |
(theo Dân trí)