TIN LIÊN QUAN | |
Quyết định công nhận 14 bảo vật quốc gia | |
Giới thiệu báu vật khảo cổ học Việt Nam tại Đức |
Đây là lần đầu tiên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức trưng bày đầy đủ 18 bảo vật từ thời văn hóa Đông Sơn, cách đây hơn 2.000 năm, thời đại của văn minh Đại Việt qua các triều phong kiến cho đến khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn – Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, mỗi bảo vật với những thông tin hấp dẫn sẽ giúp công chúng hiểu sâu sắc hơn giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật độc đáo, tư duy thẩm mỹ, sự sáng tạo, bàn tay tài hoa của nghệ nhân Việt Nam. Ban Tổ chức kỳ vọng, sự kiện này sẽ khích lệ lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam.
Chiếc bình gốm hoa lam vẽ thiên nga từ thế kỷ XV-XVI, thời Lê Sơ. (Ảnh: T.T) |
TS. Nguyễn Văn Cường – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng cho biết, cùng với các bảo vật, sự kiện còn giới thiệu nhiều các tài liệu khoa học liên quan như: bản vẽ, bản dập hoa văn, hình ảnh minh họa..., đồng thời sử dụng những kỹ thuật hiện đại, ứng dụng công nghệ 3D trong việc trình chiếu, các clip giới thiệu quá trình phát hiện và nghiên cứu, ý kiến đánh giá của các chuyên gia.
“Mỗi bảo vật quốc gia là một di sản quý giá chứa đựng những thông điệp của quá khứ, những tinh hoa của nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng, giàu bản sắc, phản ánh lịch sử văn hóa lâu đời, truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam”, ông nói.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang lưu giữ, bảo quản gần 200.000 tài liệu, hiện vật gốc có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, phản ánh truyền thống, bản sắc văn hóa, tinh thần đại đoàn kết dân tộc gắn liền với những chiến công hiển hách của dân tộc ta trong quá trình đấu tranh chống xâm lược, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Trong khối hiện vật đồ sộ này, có rất nhiều hiện vật quý hiếm, độc đáo, chứa đựng những giá trị đặc biệt, tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của đất nước.
Mô hình Pháo làng Đồng Kỵ hiến tặng Bảo tàng. (Ảnh: T.T) |
Dịp này, Bảo tàng đã đón nhận mô hình hiện vật Pháo do nhân dân làng Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) chế tác hiến tặng. Mô hình Pháo với Long, Ly, Quy, Phượng được chạm khắc tinh xảo, sơn son và thếp vàng. Đây là mô hình di sản văn hóa phi vật thể của lễ hội làng Đồng Kỵ trong đời sống sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của địa phương.
Dưới đây là một số bảo vật quốc gia tiêu biểu đang được giới thiệu tại Bảo tàng: (Ảnh: BTC)
Cây đèn hình người quỳ
Hiện vật bằng đồng, xuất hiện cách đây khoảng 2000 – 2500 năm. |
Cây đèn hình người quỳ là một hiện vật độc bản, đại diện cho nghệ thuật cổ tiêu biểu, độc đáo vào thời kỳ cuối văn hóa Đông Sơn, có sự giao lưu với văn hóa Hán. Cây đèn thể hiện kỹ thuật đúc tài khéo và phản ánh thẩm mỹ cảm quan về vũ trụ của cư dân cổ giai đoạn này. Chính vì vậy, cây đèn hình người quỳ xứng đáng đề cử xem xét xếp vào danh mục Bảo vật Quốc gia.
Mộ thuyền Việt Khê
Hiện vật văn hóa Đông Sơn xuất hiện cách đây khoảng 2000 – 2500 năm. |
Đây là loại quan tài bằng thân cây khoét rỗng, có kích thước lớn nhất trong số những ngôi mộ có quan tài bằng thân cây khoét rỗng hay còn gọi là một thuyền đã phát hiện ở Việt Nam. Bên trong mộ chứa 109 đồ tùy táng gồm chủ yếu là đồ đồng, bao gồm các loại hình vũ khí, nhạc khí, công cụ lao động và đồ dùng sinh hoạt.
Đây là mộ thuyền có kích thước lớn nhất, hiện trạng nguyên vẹn nhất, chứa đựng nhiều đồ tùy táng quý hiếm của văn hóa Đông Sơn, là nguồn tài liệu nghiên cứu các ngành nghề thủ công truyền thống và lịch sử hình thành giai cấp trong xã hội Đông Sơn.
Bia Võ Cạnh
Hiện vật bằng Đá cát từ thế kỷ III - IV. |
Là tấm bia cổ nhất Đông Nam Á. Bia là khối đá có hình trụ đứng, trên 3 mặt khắc chữ Sanskrit. Đây là tấm bia cổ nhất còn lại của Vương quốc cổ Champa. Bia được khắc bằng chữ Phạn cổ cho biết nhiều thông tin có giá trị về lịch sử Vương triều Tiền vương quốc Nam Chăm.
Chuông chùa Vân Bản
Hiện vật bằng đồng, thời Trần, từ thế kỷ XIII - XIV. |
Là chiêc chuông cổ nhất đồng thời có kích thước lớn nhất, uy nghi nhất của nền văn minh Đại Việt. Quai chuông gắn Bồ Lao hình rồng 2 đầu, thân chuông chia thành 8 ô ngăn các bởi các đường gờ nổi, miệng chuông đúc nổi băng cánh sen kép và chuông có 6 núm gõ hình hoa sen nở mãn khai.
Trên thân chuông khắc minh văn chữ Hán nói về những người có công khai phá sơn lâm, mở mang đất đai lập dựng chùa Vân Bản. Chuông là nguồn tài liệu quý để nghiên cứu lịch sử, văn hóa Phật giáo Việt Nam nói chung, thời Trần nói riêng.
Ấn “Môn hạ sảnh ấn”
Hiện vật bằng đồng, thời Trần, niên hiệu Long Khánh thứ 5 (1377). |
Phát hiện năm 1962 tại xã Hương Giang, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Ấn hình vuông, đế ấn tạo ba cấp, núm ấn hình bia đá. Cạnh phải lưng ấn khắc dòng chữ Hán: “Môn hạ sảnh ấn” - ấn của sảnh Môn hạ. Cạnh trái lưng ấn khắc dòng chữ “Long Khánh ngũ niên ngũ nguyệt nhị thập tam nhật tạo” - chế tạo vào ngày 23 tháng 5, niên hiệu Long Khánh 5, đời vua Trần Duệ Tông (trị vì: 1372 - 1377). Mặt ấn hình vuông, đúc 4 chữ kiểu triện cùng nội dung chữ trên cạnh phải lưng ấn “Môn hạ sảnh ấn”.
Sảnh Môn hạ là một trong những cơ quan hành chính trung ương cao nhất thời Trần, do vua Trần Minh Tông (trị vì: 1314 - 1329) đặt ra năm Khai Thái 2 (1325) thay cho Hành khiển ty ở cung Quan triều thuộc Nội mật viện. Đây là cơ quan thân cận của nhà vua, có nhiệm vụ giữ bảo ấn, truyền lệnh của vua tới các quan, nhận lời tấu lên vua và các công việc lễ nghi trong cung. “Môn hạ sảnh ấn” là chiếc ấn đồng có nội dung rõ ràng nhất, niên đại cụ thể nhất liên quan đến lịch sử hành chính trung ương triều Trần.
Trống Cảnh Thịnh
Hiện vật bằng đồng, thời Tây sơn, niên hiệu Cảnh Thịnh (1800) |
Trống đồng Cảnh Thịnh hiện vật độc bản trong phức hợp trống đồng Việt Nam. Tạo hình trống thể hiện sự độc đáo khi mô phỏng theo kiểu trống da truyền thống. Hoa văn trang trí chính đúc nổi đề tài Tứ linh mang ý nghĩa biểu trưng cho đất nước thái bình thịnh trị, xã hội an lạc và Long Mã cõng Hà đồ, Thần Quy chở Lạc thư, hai biểu tượng khởi nguyên của Kinh Dịch – tư tưởng triết học của người Á Đông về quy luật của sự biến đổi.
Một giá trị đặc biệt khác của trống đồng Cảnh Thịnh chính là phần tư liệu cho biết trống được đúc vào tháng 4 nhuận năm Cảnh Thịnh thứ 8 thời Tây Sơn (1800) tại Chùa Cả (Linh Ứng tự), tức Chùa Nành, xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội ngày nay.
Ấn “Sắc mệnh chi bảo”
Hiện vật bằng vàng, thời Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 8 (1827) |
Ấn có núm hình rồng cuốn, lưng ấn khắc 2 dòng chữ Hán: Thập tuế hoàng kim, trọng nhị bách nhị thập tam lượng lục tiền. (Vàng 10 tuổi, nặng 223 lạng 6 tiền - khoảng 8,3kg) và Minh Mệnh bát niên thập nguyệt cát nhật tạo. (Đúc vào ngày lành tháng 10 năm Minh Mệnh 8, 1827). Mặt ấn đúc nổi 4 chữ triện Sắc mệnh chi bảo.
Ấn được dùng để ban cấp cáo sắc cho văn võ cùng phong tặng thần và người. Là hiện vật độc bản, biểu trưng cho quyền lực nhà Nguyễn, có giá trị đặc biệt trong sưu tập kim bảo triều Nguyễn hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Sách Đường Kách mệnh
Sách tập hợp những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc trong thời gian hoạt động cách mạng ở Quảng Châu (Trung Quốc) những năm 1925 – 1927. |
“Đường Kách mệnh” là sự vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về đấu tranh giải phóng dân tộc gắn với cách mạng vô sản, là nền tảng cho việc tìm hướng đi mới cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của cách mạng Việt Nam và là văn kiện lý luận chính trị đầu tiên của Đảng, đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối của cách mạng Việt Nam.
Việt Nam có hai đề cử Di sản Tư liệu Chương trình Ký ức Thế giới Hai hồ sơ của Việt Nam đăng ký là “Thơ văn trên Kiến trúc cung đình Huế” và hồ sơ “Mộc bản trường học Phúc ... |
Bức giá tượng Lạc Long Quân trở thành bảo vật quốc gia Bảo vật miêu tả cảnh Lạc Long Quân cùng văn võ bá quan xem hội đua thuyền và tái hiện sống động xã hội thời ... |
Bảo vật triều Nguyễn ra mắt công chúng Lần đầu tiên, 22 quyển kim sách triều Nguyễn cùng 10 kim bảo liên quan đã chính thức được giới thiệu tới đông đảo khách ... |