📞

Chiến dịch đối thoại giữa Mỹ và đồng minh với Nga, cuộc đối đầu khó khoan nhượng

Vũ Đăng Minh 15:00 | 12/01/2022
Nửa đầu tháng 1/2022, trong giá lạnh mùa Đông, dư luận nóng lòng dõi theo chiến dịch đối thoại về căng thẳng, xung đột ở Ukraine và an ninh châu Âu.

Nói chiến dịch là bởi diễn ra liên tiếp các cuộc gặp gỡ cấp thứ trưởng Nga-Mỹ ở Geneva, Thụy Sỹ; đối thoại giữa Nga với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussel, Bỉ, Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) và với Mỹ ở Vienna, Áo.

Gặp gỡ, đối thoại không phải là chuyện riêng giữa Mỹ và Nga.

Diễn biến tình hình nổi lên mấy vấn đề đáng chú ý.

Thứ nhất, lần đầu tiên có hội nghị đối thoại chính thức giữa Nga và NATO. Căng thẳng quanh không chỉ ở Ukraine mà còn là vấn đề bảo đảm an ninh châu Âu. Gặp gỡ, đối thoại không phải là chuyện riêng giữa Mỹ và Nga. NATO không muốn đứng ngoài cuộc, đóng vai phụ. Nga gặp khó khi đối mặt với số đông, nhưng cũng sẽ tận dụng những khác biệt dù nhỏ trong các quốc gia thành viên NATO.

Thứ hai, tuyên bố “lằn ranh đỏ” và cáo buộc lẫn nhau đối nhau chan chát, trên tất cả những vấn đề cơ bản. Từ việc NATO kết nạp thành viên, mở rộng không gian, triển khai lực lượng, vũ khí tấn công chiến lược vây quanh Nga. Đến các cuộc diễn tập, hoạt động quân sự quy mô, cường độ lớn gần biên giới, ở những địa bàn chiến lược như Biển Đen, Baltic...

Đó còn là cáo buộc về nguồn gây ra căng thẳng. Theo Mỹ và NATO, Nga triển khai lực lượng lớn gần biên giới, âm mưu tấn công Ukraine, kiểm soát một số khu vực, như từng làm ở Crimea năm 2014, là nguyên nhân gây căng thẳng. Nga phủ nhận cáo buộc, tố cáo Mỹ và NATO khiêu khích, lôi kéo các nước, đe dọa an ninh của Nga, gây đối đầu căng thẳng ở khu vực.

Thứ ba, các bên có thể làm được gì? Nga công khai các yêu cầu, điều kiện bảo đảm an ninh, không nhượng bộ và sẵn sàng đáp trả bằng các biện pháp kỹ thuật quân sự nếu Mỹ và NATO không chấp nhận. Mỹ và NATO tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ, buộc Nga phải chịu hậu quả chưa từng thấy nếu tấn công Ukraine. Mỹ và đồng minh đe dọa trừng phạt cả gói về kinh tế, thương mại, ngoại giao, chính trị, cô lập Nga với hệ thống tài chính và các tổ chức do phương Tây chi phối.

Tuyên bố nóng, tình hình căng thẳng, nhưng bối cảnh chưa hội tụ đầy đủ các yếu tố của một cuộc chiến tranh.

Không chỉ Nga mà cả Mỹ và NATO cũng phải cân nhắc hậu quả nhiều mặt, nếu chiến tranh xảy ra. Không bên nào khẳng định ra khỏi cuộc chiến mà không bị tổn thất. Các bên đều chưa thật sự sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh trực diện.

Thứ tư, các bên đều nói mình có lý. Mỹ và NATO khẳng định việc mở rộng thành viên, bố trí lực lượng và thế trận quân sự ở các quốc gia sát và gần biên giới Nga là công việc nội bộ, không đe dọa ai. Nga không có quyền can thiệp. Nếu NATO kết nạp Ukraine và một số quốc gia khác có biên giới giáp hoặc gần Nga, sẽ tạo ra thòng lọng siết cổ, kề vũ khí chiến lược vào đầu Nga. Làm sao Moscow không lo, không phản ứng được.

Mỹ và NATO cho mình quyền tự do hành động, nhưng lại cáo buộc Nga bố trí lực lượng ở khu vực gần biên giới, trong lãnh thổ của mình, là đe dọa an ninh, có ý đồ tấn công Ukraine. Phương Tây thường xuyên tuyên truyền về các sự kiện: Nga xâm lược Gruzia năm 2008, chiếm Crimea năm 2014, chủ mưu, đứng sau lực lượng nổi dậy ly khai ở Donbass, miền Đông Ukraine và can thiệp các vấn đề chính trị, nội bộ của Mỹ và nhiều nước phương Tây trong nhiều năm..

Thứ năm, căng thẳng khó hạ nhiệt. Các bên đều thấy cần tìm kiếm giải pháp kiểm soát xung đột. Con đường khả dĩ là duy trì kênh liên lạc, gặp gỡ, đối thoại.

Nhưng mục tiêu, ý đồ chiến lược và quan điểm khác xa nhau, thậm chí đối lập, khó hóa giải. “Lằn ranh đỏ” như “con dao hai lưỡi”, có thể đẩy các bên vào tình thế khó xử, “tiến thoái lưỡng nan”. Không thể từ bỏ hoàn toàn, nhưng giữ cả gói thì bế tắc, có thể dẫn tới xung đột.

Chưa bắt đầu đã thấy khó. Sau cuộc gặp đầu tiên, Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ, tôi không nghĩ chúng ta sẽ chứng kiến bất kỳ đột phá nào trong những tuần tới. Phía Nga cũng cho biết không chắc chắn có tiếp tục đối thoại hay không.

Tuy nhiên, thông tin không chính thức rò rỉ một số vấn đề có thể thảo luận. Mỹ và đồng minh có thể cam kết không triển khai vũ khí tấn công chiến lược ở Ukraine. Đổi lại, Nga rút lực lượng khỏi khu vực biên giới Ukraine, chấm dứt các hành động đe dọa.

Hai bên có thể trao đổi về việc triển khai các tổ hợp tên lửa ở châu Âu theo khuôn khổ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và giới hạn quy mô, phạm vi các cuộc diễn tập quân sự, hoạt động của máy bay ném bom chiến lược sát biên giới hai nước... Phải chăng đó là kiểu “ném đá dò đường”.

Đồng ý trao đổi đã là chuyện khó, nhưng thống nhất như thế nào càng khó hơn và mới là quyết định. Có thực sự tin nhau hay không lại là chuyện rất khác. Nhưng dù sao vẫn hy vọng các cuộc gặp gỡ, đối thoại sẽ diễn ra theo đúng dự định và có bước đi nho nhỏ, trên chặng đường dài. Hãy theo dõi và chờ đợi.