TIN LIÊN QUAN | |
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu: Kết quả thẩm định không thuyết phục! | |
Chuyên gia giáo dục: 'Cách đào tạo của chúng ta đang quá xa rời thực tế' |
Nguy cơ bị "bắt nạt" trên mạng
Một nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng, có đến 47% các em học sinh độ tuổi THCS và THPT truy cập Internet hàng ngày, thời gian truy cập trung bình là 2,5h/ngày, tương đương với 17,5h/tuần. Phần lớn các em truy cập để tán gẫu với bạn bè, chơi game online, nghe nhạc, gửi thư điện tử cho bạn, đọc tin tức, xem phim và tìm kiếm các thông tin mà bạn bè mình quan tâm.
Có thể nói, Internet là một phần không thể thiếu và mang lại nhiều lợi ích cho giới trẻ như tạo cơ hội học tập, tìm kiếm thông tin thú vị, kết nối với bạn bè và giải trí.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều nguy cơ trên mạng, trong đó phải kể đến quấy rối trực tuyến, bắt nạt trực tuyến; tiếp xúc với hình ảnh khiêu dâm, bạo lực không phù hợp; gặp người xấu trên mạng; tiếp cận với các thông tin giả gây thù hận hoặc hoang mang; bị đánh cắp thông tin cá nhân; bị dính các phầm mềm gián điệp hoặc virus…
PGS. TS. Trần Thành Nam. (Ảnh: NVCC) |
Do thiếu kiến thức và kỹ năng sử dụng mạng xã hội, nhiều em bất cẩn điền thông tin cá nhân vào các hồ sơ trên mạng, vô tình tạo mảnh đất màu mỡ để kẻ xấu có cơ hội biết được tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ, tên trường lớp… để tìm thấy các em ở ngoài đời thực.
Cùng với đó, khi tải các hình ảnh video không rõ nguồn gốc có thể khiến máy tính hoặc điện thoại bị dính virus, mất dữ liệu, hacker đánh cắp thông tin, hình ảnh cá nhân. Theo phản xạ, các em phản hồi các tin tức gây hấn hoặc quấy rối người khác có thể vô tình tiếp tay cho kẻ xấu, làm vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn. Thực tế, nhiều em "dở khóc, dở mếu" chỉ vì những thông tin của mình bị đánh cắp và trở thành "con mồi" của những trò lừa đảo, nhưng vì sợ nên giấu nhẹm đi và âm thầm chịu đựng.
Thực tế, nhiều em sống "ảo" nên thường xuyên khoe ảnh lên mạng để hút like, để thấy mình là người quan trọng. Từ đó, kẻ xấu có thể chế giễu bằng các bình luận hoặc có thể cắt ghép, chế ảnh của em để làm trò đùa, để bôi nhọ hình ảnh trên mạng của em. Đồng thời, việc nói chuyện chat với người lạ trong các nhóm chat có thể tạo điều kiện để kẻ xấu lợi dụng thu thập thông tin cá nhân, dẫn dụ rồi tiến đến xâm hại. Nhất là hiện nay phụ huynh bận rộn, không có nhiều thời gian quan tâm, ở bên và chia sẻ với con, nên khó nhận biết việc con sử dụng mạng xã hội có lành mạnh không, có "bộ lọc" nào không?
Thậm chí, nhiều em còn hồn nhiên để lộ nơi mình sống, nơi mình học. Từ đó, kẻ xấu sẽ dụ dỗ thực hiện các hành vi không lành mạnh, lưu lại và lấy video đó đe dọa, đăng tải cho mọi người xem. Đặc biệt, nhiều em cả tin hẹn "người quen trên mạng" đã dấn đến các vụ việc bắt cóc, trộm cướp, lừa đảo và xâm hại.
"Chiến lược" nào để trẻ tự giải thoát mình?
Khi bị bắt nạt trực tuyến, theo tôi cần có một số cách thức để “giải thoát mình”. Có một số chiến lược chung như không phản hồi; chặn thủ phạm; lập một tài khoản mới và đảm bảo chỉ có những người bạn tin tưởng biết; báo cáo với người quản lý trang mạng; nói với người lớn mà các em tin tưởng về sự việc để tìm giải pháp.
Nếu nhận được email hay tin nhắn, thông tin bắt nạt, hãy lưu lại ở máy tính hoặc điện thoại của em bằng cách chụp ảnh màn hình. Nếu kẻ bắt nạt vẫn tiếp tục, em có thể cần những thông tin này như là bằng chứng. Nhớ là, mỗi khi có điều gì đó xảy ra, hãy lưu lại ngày giờ, xảy ra như thế nào, ghi chép lại những bằng chứng em có.
Quan trọng hơn cả, các em hãy chia sẻ về việc mình bị bắt nạt. Bắt nạt trực tuyến có thể gây rất nhiều tổn thương, do vậy cần cho người lớn mà em tin tưởng như giáo viên hoặc phụ huynh biết để kịp thời giải quyết, ngăn thông tin ngày càng lan rộng.
Thiếu sự quan tâm đúng lúc của cha mẹ sẽ khiến trẻ bị lạc trong ma trận bị bắt nạt trên mạng ảo. (Nguồn: Internet) |
Chứng kiến hành vi bắt nạt cũng có thể gây ra những ảnh hưởng xấu. Theo tôi, các em cần hiểu để không tham gia vào việc bắt nạt, cũng như hùa theo đám đông. Hãy tử tế với người bạn bị bắt nạt, cho họ thấy rằng, mình quan tâm tới họ, để họ không đơn độc. Việc nói chuyện, chia sẻ với phụ huynh, giáo viên sẽ giúp người lớn biết khi nào những điều xấu xảy ra để có thể giúp đỡ, hỗ trợ đúng lúc, tránh tình trạng "đơn thương độc mã", không biết đối phó với tình trạng bị bắt nạt trực tuyến như thế nào.
Tất nhiên, để ứng phó hiệu quả với bắt nạt trực tuyến, các em cần học kỹ năng sử dụng mạng internet an toàn. Cụ thể, trước khi đăng, chia sẻ hay làm bất cứ điều gì trên mạng, hãy xác định xem hành vi này có khiến em có thể gặp phải bất kỳ một rủi ro nào không? Bố mẹ, họ hàng, giáo viên, những người xung quanh có nghĩ thông tin này là phù hợp? Thông tin đó có thể khiến mình gặp rắc rối với luật pháp? Ai có thể bị tổn thương hoặc xấu hổ vì những thông tin đó? Điều ta chia sẻ có chứa thông tin của cá nhân mình hoặc người khác không? Những gì ta chia sẻ có thể ảnh hưởng đến các cơ hội tương lai của chính mình như học bổng, việc làm không?
Hãy kiểm soát thông tin cá nhân như địa chỉ, số điện thoại, tên của các thành viên trong gia đình, thông tin tài sản, tình trạng tài chính… Đồng thời, các em nên cân nhắc khi chia sẻ cảm xúc cá nhân riêng tư.
Có thể nói, hành động bắt nạt trên mạng có thể gây tổn thương về tinh thần nhiều hơn hành động bạo lực ngoài đời. Do vậy, việc dạy trẻ những kỹ năng cơ bản để ứng phó với những nguy cơ tiềm ẩn trên mạng ảo là vô cùng cần thiết. Để làm được điều này, phụ huynh phải có trách nhiệm quản lý, giám sát, hãy làm "bộ lọc" thông minh và "làm bạn" với con ngay cả trong đời thực lẫn trên mạng xã hội để tránh những câu chuyện buồn, đáng tiếc từ việc trẻ bị bắt nạt trên mạng xảy ra.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu: Kết quả thẩm định không thuyết phục! Chia sẻ với TG&VN, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, lý thuyết Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại được nghiên cứu, đưa ... |
Để ngày khai trường chạm đến từng đứa trẻ… TS. Nguyễn Khánh Trung (Tổ chức Giáo dục Emile Việt) chia sẻ, ngày đầu tiên đến trường là sự khởi đầu của một chặng đường ... |
GS. Trương Nguyện Thành: Loạn trường quốc tế - Nhập nhằng thật giả TGVN. Theo GS. Trương Nguyện Thành, đã là trường quốc tế thì vấn đề kiểm định chất lượng phải do một tổ chức quốc tế ... |