📞

Chiến lược nhân sự giúp Hàn Quốc “hóa rồng”

20:30 | 23/11/2016
Từ một nước lạc hậu và nghèo khó, chỉ trong vòng 3 thập kỷ qua, Hàn Quốc vươn mình trở thành một trong những “con Rồng châu Á” với những thay đổi kỳ diệu được mệnh danh là “Kỳ tích sông Hàn”.

Một trong những bí quyết của quốc gia này nằm ở chiến lược phát triển nhân sự xuất sắc. Thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng nhân sự, không chỉ trong khu vực kinh tế tư nhân mà trong cả khối cơ quan nhà nước để đáp ứng khả năng cạnh tranh ở quy mô toàn cầu là mục tiêu mà Chính phủ Hàn Quốc đặt ra. Và, mục tiêu ấy đã thành hiện thực.

Theo truyền thống, các công ty hay cơ quan nhà nước ở Hàn Quốc tuyển dụng lao động mới tốt nghiệp Đại học, bởi họ có thể đóng góp sức trẻ và đảm bảo cam kết lâu dài. Trong khi đó, khối doanh nghiệp nước ngoài lại có xu hướng tuyển dụng qua mạng lưới nghề nghiệp và qua sự giới thiệu tin cậy.

Một lớp học tại Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, còn có cách tuyển dụng chủ yếu dựa vào sơ yếu lý lịch, bằng cấp, mối quan hệ cá nhân và gia đình… Đây là một trong những rào cản khiến cho nhiều nhân sự giỏi nhưng không có cách nào chứng minh được năng lực của mình đành phải ra đi. Vì vậy, đến cuối những năm 1990, dịch vụ tuyển dụng và cung cấp nguồn nhân lực ở Hàn Quốc vẫn chưa phát triển bởi cách làm truyền thống này.

Năm 1997, cũng như nhiều nước châu Á, Hàn Quốc phải chịu thiệt hại nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính. Sau khi trả nợ cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), “xứ sở kim chi” nhanh chóng cải cách kinh tế, bãi bỏ nhiều quy định lạc hậu và tái cơ cấu để đảm bảo khả năng cạnh tranh của quốc gia trên quy mô toàn cầu. Và, hoạt động nhân sự quy mô quốc gia đã thực sự thay đổi.

Cải thiện ngoại ngữ

Thông qua các chính sách thay đổi giáo dục từ mầm non, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa tiêu chuẩn tiếng Anh quốc tế vào chương trình đào tạo nhằm nâng cao trình độ ngoại ngữ cho các công dân tương lai.

Trong hoạt động tuyển dụng, hầu hết các ứng viên khi nộp hồ sơ đều phải chứng minh được năng lực tiếng Anh giao tiếp và học thuật của mình qua chứng chỉ TOEIC hoặc TOEFL.

Ở vòng tiếp theo, các ứng viên sẽ tham gia phỏng vấn trực tiếp  và họ phải thể hiện được khả năng tư duy, tranh luận, thuyết phục, trình bày ý tưởng trước các chuyên gia bằng tiếng Anh. Nhờ cách làm này, mặt bằng chung về ngoại ngữ của nguồn nhân lực Hàn Quốc tăng đáng kể.

Linh hoạt và đa đạng hóa đối tượng tuyển dụng

Ngoài việc tuyển chọn những sinh viên mới tốt nghiệp theo kiểu truyền thống, các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ cũng chào đón những người lao động trung niên, phụ nữ, chuyên gia, lao động nước ngoài và du học sinh tại Hàn Quốc. Mục đích là tạo ra sự đa dạng về văn hóa và học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nhóm đối tượng khác nhau.

Chẳng hạn, Samsung - tập đoàn kinh tế lớn nhất Hàn Quốc cho phép các đơn vị thành viên tuyển dụng trực tiếp nhân sự từ nhiều quốc gia, không phân biệt ngôn ngữ, quốc tịch, miễn là các nhân sự này đạt chuẩn tiếng Anh theo đúng yêu cầu cho vị trí của mình. Nhờ đó, Samsung thu hút được 10-20% du học sinh Hàn Quốc giỏi nhất trở về làm việc, cùng lượng lớn chuyên gia nước ngoài đến đầu quân và cống hiến.

Khách quan trong thẩm định

Trước đây, ứng viên phải công khai thông tin cá nhân như: nơi sinh, họ tên cha mẹ, các mối quan hệ cá nhân… trong hồ sơ ứng tuyển. Những dữ liệu này thường ảnh hưởng lớn tới việc tuyển lựa hồ sơ. Ví dụ: những ứng viên tốt nghiệp ở các trường hạng nhất, những ứng viên có cha mẹ giữ vị trí lãnh đạo… được ưu tiên tuyển lựa mà ít dựa trên đánh giá về năng lực và hiệu suất lao động.

Tuy nhiên, hiện giờ một số công ty lớn và cơ quan chính phủ tuyên bố tiến hành phương pháp tuyển dụng “mù” (“blind” recruitment), che đi thông tin cá nhân để hội đồng đánh giá được khách quan hơn về khả năng của ứng viên.

Ngoài ra, từ năm 2015, Chính phủ Hàn Quốc giới thiệu hệ thống tuyển dụng mới - Tiêu chuẩn Năng lực Quốc gia (National Competency Standards - NCS) nhằm đánh giá trình độ và kỹ năng cho từng công việc của trên 800 ngành nghề trong lĩnh vực công lập.

Bộ tiêu chuẩn, được Chính phủ Hàn Quốc xây dựng và phát triển từ năm 2002, giúp các công ty tuyển dụng được nhân sự cần thiết không chỉ dựa trên nền tảng giáo dục và bằng cấp mà còn dựa trên năng lực tiềm năng của ứng viên. Năm 2015, 130 cơ quan công lập áp dụng bộ tiêu chuẩn này. Dự kiến, đến năm 2017, bộ tiêu chuẩn được sử dụng trên khắp các đơn vị, tổ chức thuộc lĩnh vực công.

Ngoài ra, từ năm tới, Bộ Quản lý cán bộ Hàn Quốc sẽ thay thế bài kiểm tra tiếng Anh hiện tại trong kỳ thi công chức cấp 7 bằng chứng chỉ TOEIC (từ 700 điểm) hoặc TOEFL (từ 71 điểm) và các chứng chỉ phổ biến khác nhằm đảm bảo chất lượng ngoại ngữ quốc tế cho công chức nước này.

Những thay đổi trên đã và đang tạo ra nhiều phản ứng khác nhau từ dư luận, đặc biệt là sức ép trong việc học tập của học sinh Hàn Quốc - nguồn nhân lực tương lai đang ngày càng tăng. Tuy nhiên, nhiều người Hàn Quốc công nhận nền kinh tế Hàn Quốc ngày một phát triển hơn nhờ nguồn nhân lực thay đổi cả về lượng và chất.

(Giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội)