📞

Chiến lược vaccine Covid-19: Những thách thức đang chờ

TS. Nguyễn Sĩ Dũng 16:43 | 14/06/2021
Chiến lược vaccine Covid-19 là phản ứng chính sách sáng suốt và kịp thời của Thủ tướng Chính phủ. Với chiến lược này, hy vọng nước ta sẽ bắt kịp với các nước trên thế giới trong việc tiêm chủng và tạo ra miễn dịch cộng đồng.

Tất nhiên, chiến lược vaccine Covid-19 khi triển khai trên thực tế sẽ không phải dễ dàng như chạy xe bon bon trên đại lộ bằng phẳng và thênh thang rộng mở, mà sẽ phải đối mặt với không ít thách thức.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: "Năng lực kỹ trị của ngành y tế chỉ bảo đảm được một nửa cho sự thành công. Một nửa khác là lòng tin của nhân dân".

Trước hết, đó là việc huy động nguồn lực tài chính từ xã hội. Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Trường Fulbright, thì ngân sách năm 2021 không có khoản dự toán chi cho chiến lược vaccine. Mặc dù, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nhanh chóng phê duyệt 12.100 tỷ đồng từ ngân sách dự phòng cho chiến lược này, thì nguồn lực tài chính thiếu hụt vẫn còn rất lớn.

Theo tính toán của Bộ Y tế, để tạo ra miễn dịch cộng đồng cần phải có 150 triệu liều vaccine. Chi phí để mua, bảo quản và tiêm chủng một số lượng vaccine như vậy sẽ lên tới 25.200 tỷ đồng, lớn hơn khoản ngân sách được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua rất nhiều. Đối mặt với sự thiếu hụt này, Chính phủ đã nhanh chóng thành lập Quỹ vaccine để huy động sức dân cho chương trình tiêm chủng.

Với sự nhiệt tình ủng hộ của các doanh nghiệp và người dân, chỉ trong một khoảng thời gian gian rất ngắn hơn 7.000 tỷ đồng đã được đóng góp cho Quỹ. Với tốc độ này, chỉ một thời gian rất ngắn nữa, Chính phủ sẽ có đủ tiền để triển khai chiến lược vaccine của mình.

Nguồn lực tài chính huy động qua Quỹ sẽ giúp Chính phủ quyết định chi tiêu nhanh chóng và linh hoạt hơn, như vậy cũng hiệu quả hơn. Chi tiêu tiền ngân sách sẽ phải tuân thủ rất nhiều quy định và ràng buộc của Luật Ngân sách. Chi tiêu tiền người dân trực tiếp đóng góp, thì sự đòi hỏi của người dân về chất lượng dịch vụ phải cao hơn và phong cách phục vụ cũng phải tốt hơn.

Ngoài ra, sự soi xét của người dân đối với hoạt động của Quỹ cũng sẽ cao hơn nhiều. Chính vì vậy, đòi hỏi về sự minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với Quỹ cũng sẽ rất cao.

Thứ hai, đó là việc tiếp cận các nguồn vaccine. Có tiền là một chuyện, mua được vaccine hay không lại là chuyện khác. Hiện nay, tất cả các nước trên thế giới đều đang thiếu hụt vaccine, chính vì vậy cuộc cạnh tranh để có được vaccine là rất khốc liệt.

Chúng ta đang thấy WHO, các tổ chức quốc tế và các nước đều đang kêu gọi phải bảo đảm quyền tiếp cận vaccine công bằng. Sự kêu gọi công bằng càng nhiều chỉ chứng tỏ một điều là sự hiện hữu của công bằng đang càng ít.

Nếu chúng ta không giỏi thương thuyết, không giỏi quan hệ nhanh chóng mua đủ vaccine hay mua được công nghệ sản xuất đủ vaccine là không hề đơn giản. Như vậy, quan trọng không chỉ là tìm cách tiếp cận vaccine của các nước, mà còn là tự nghiên cứu và sản xuất lấy vaccine cho mình.

Thứ ba, có được vaccine là rất quan trọng, nhưng tiêm chủng nhanh chóng, an toàn cho đa số công chúng (70-75% dân số) còn quan trọng hơn. Dân số nước ta là gần 100 triệu người, tiêm chủng đầy đủ 2 mũi cho 70-75 triệu người là một công việc vô cùng to lớn.

Ở đây, năng lực kỹ trị của ngành y tế chỉ bảo đảm được một nửa cho sự thành công. Một nửa khác là lòng tin của nhân dân. Chỉ một vài sự cố không đáng có trong quá trình tiêm chủng, người dân sẽ tìm cách né tránh. Khi người dân đã né tránh, thì tốc độ tiêm chủng sẽ giảm. Việc tiêm chủng có thể bị kéo dài vô tận.

Chiến lược vaccine là rất sáng suốt và kịp thời. Những thách thức trên là không nhỏ nhưng hoàn toàn có thể vượt qua.


* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không phản ánh quan điểm của Tòa soạn.