Vấn đề nóng, đáng lo ngại ở đây là giá nhà ngày một tăng vọt, khiến chủ sở hữu những ngôi nhà bỗng trở nên giàu có. Nhưng ngược lại, nó đã phá tan giấc mơ thành lập gia đình của những người trẻ tuổi.
Theo trang Tradingeconomics.com, vào tháng 12 năm 2018, giá trung bình của một ngôi nhà mới tại 70 thành phố của Trung Quốc đã tăng 9,7%/năm và tăng 0,4% so với tháng trước. Số liệu này cho thấy, đây là tháng thứ 44 liên tiếp nhà đất tăng giá và mức tăng hàng năm mạnh nhất kể từ tháng 7/2017.
Tại Trung Quốc đang tồn tại khá nhiều “thành phố ma”, nơi chứa đầy các tòa nhà với các căn hộ bỏ trống. (Nguồn: CNN) |
Giá nhà tăng vọt khiến ước mơ sở hữu một căn nhà vượt quá tầm tay của công dân trung bình ở Trung Quốc. Điều đó làm tổn hại nghiêm trọng đến triển vọng tăng trưởng dài hạn của đất nước, thậm chí, nó còn ảnh hưởng lớn hơn cả cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra.
Trên thực tế, cuộc chiến thương mại chỉ là một vấn đề tạm thời. Nó sẽ dễ dàng hơn khi Washington và Bắc Kinh tìm ra một “công thức” để xoa dịu quan hệ giữa hai nước.
Trong khi đó, vấn đề về khả năng chi trả cho việc sở hữu một căn hộ đối với những người trẻ tuổi lại thật sự hạn chế. Vấn đề đã nhanh chóng trở thành một trong những bất cập khiến giới trẻ Trung Quốc “ngại” lập gia đình.
Hơn thế, giá nhà tăng vọt ở các thành phố lớn của Trung Quốc không phải là một vấn đề ngắn hạn. Đó là sản phẩm từ chính các chính sách về đất đai của các chính quyền địa phương.
Hiện nay, tại Trung Quốc đang tồn tại khá nhiều “thành phố ma”, nơi chứa đầy các tòa nhà với các căn hộ bỏ trống. Các căn hộ trống thuộc về các nhà đầu cơ, những người hy vọng sẽ bán chúng với giá cao hơn trong tương lai.
Trong khi đó, việc giữ các căn hộ trống ở ngoài thị trường đã gây nên sự thiếu cung nhà ở rất lớn, điều này đẩy giá của những ngôi nhà cũ đã qua sử dụng lên cao. Chẳng hạn, Chỉ số giá nhà cũ của Thượng Hải đã tăng vọt từ dưới 1.000 trong năm 2003, lên khoảng 4.000 trong năm 2017.
Đó là tín hiệu xấu cho những người trẻ tuổi muốn tìm kiếm một ngôi nhà để che chở cho gia đình. Và điều đó có thể giải thích cho sự sụt giảm tỷ lệ kết hôn gần 30% trong năm năm qua ở Trung Quốc.
Tỷ lệ kết hôn thấp cũng là vấn đề đáng lưu ý cho tăng trưởng kinh tế dài hạn của nền kinh tế thứ hqi thế giới. Điều này sẽ tạo nên nhiều vấn đề nghiêm trọng, một trong số đó là tỷ lệ sinh thấp hơn và lực lượng lao động bị thu hẹp, trong khi quốc gia này đang cố gắng cạnh tranh với các quốc gia có nguồn lao động dồi dào như Việt Nam, Sri Lanka, Philippines và Bangladesh.
Sau đó, về dài hạn, hệ quả của tình trạng quá ít nhân lực làm việc, đồng thời vẫn phải hỗ trợ quá nhiều người đã nghỉ hưu, sẽ trở thành vấn đề không nhỏ đối với kinh tế Trung Quốc. Vấn đề này cũng sẽ tác động đến chi tiêu của người tiêu dùng và có thể ảnh hưởng lớn đến việc "đặt cược" tương lai đất nước trong chính sách chuyển từ nền kinh tế dựa vào đầu tư, sang nền kinh tế theo hướng tiêu dùng.