📞

Chiều cao trung bình của người Việt thấp hơn nhiều nước châu Á

05:07 | 01/02/2018
Ngày 31/1, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam phát động Phong trào đẩy mạnh dinh dưỡng toàn cầu tại Việt Nam và triển khai Chỉ thị số 46/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dinh dưỡng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới tham dự.  

Trong những năm qua, dù được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức: Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi còn ở mức cao (24,3%); tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng chưa được cải thiện như mong đợi; 80,3% phụ nữ có thai thiếu kẽm; tình trạng thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa… gia tăng nhanh; thể lực, tầm vóc của người Việt còn hạn chế so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Phát biểu tại Lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thể lực và tầm vóc của người Việt Nam còn rất hạn chế. Chiều cao của cả nam giới và nữ giới Việt Nam tăng rất ít trong nhiều năm qua. Từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chỉ tăng thêm được 3 cm và hiện đạt 164 cm ở nam và 153 cm ở nữ.

Lễ phát động Phong trào đẩy mạnh dinh dưỡng toàn cầu tại Việt Nam. (Ảnh: V.T)

“Chiều cao này thấp hơn chiều cao trung bình cùng nhóm tuổi của đa số các nước trong khu vực châu Á và còn cách rất xa so với mục tiêu đặt ra”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến lo ngại.

Để cải thiện tầm vóc của người Việt Nam, Bộ Y tế đặt ra mục tiêu tăng chiều cao của trẻ em trai và trẻ em gái 5 tuổi từ 1,5cm-2cm so với năm 2010, tăng chiều cao đạt được của người trưởng thành theo giới 1-1,5cm so với năm 2010.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, quá trình triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo chỉ thị của Thủ tướng chính phủ còn có những khó khăn, thách thức và chưa đạt được mục tiêu đã đề ra, không chỉ về chiều cao.

Trong đó, tỷ lệ thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn ở mức cao, chiếm 24,6% năm 2015. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới năm tuổi là 13%, thiếu máu là 27,8% và thiếu kẽm có tỷ lệ rất cao tới 69,4%. Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai là 32,8% và thiếu kẽm tới 80,3%. Điều này cũng làm ảnh hưởng lớn tới phát triển chiều cao, tầm vóc của người Việt Nam.

Đáng chú ý, tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em toàn quốc là 5,3%. Tại TP. Hồ Chí Minh, con số này tăng gấp 3 lần trong hơn 10 năm qua (từ 3,7 lên 11,5%). Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa và các yếu tố nguy cơ sức khỏe liên quan đến dinh dưỡng đang gia tăng nhanh ở cả trẻ em lẫn người trưởng thành. Đây chính là nguyên nhân quan trọng làm gia tăng gánh nặng bệnh tật do các bệnh không lây nhiễm.

Tỷ lệ thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn ở mức cao. (Nguồn: Báo Gia đình và Trẻ em)

“Ước tính Việt Nam hiện có tới 12 triệu người bị mắc tăng huyết áp và khoảng 3 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, trên 2 triệu người mắc bệnh hô hấp mạn tính, trên 125.000 ca được phát hiện mắc ung thư”, Bộ trưởng thông tin.

Để cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em, thời gian tới, Bộ Y tế đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi toàn quốc xuống dưới 21,5%, ở vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên xuống dưới 28%; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng gày còm ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 5%; giảm tỷ lệ phụ nữ tuổi sinh đẻ thiếu năng lượng trường diễn xuống dưới 12%; khống chế tỷ lệ thừa cân, béo phì ở người trưởng thành ở mức dưới 12%; giảm mức tiêu thụ muối trung bình ở người trưởng thành xuống dưới 7 gam/người/ngày.

Tại Lễ phát động, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành ký cam kết thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dinh dưỡng và đẩy mạnh phong trào dinh dưỡng toàn cầu tại Việt Nam.