📞

Chim ở đô thị thông minh hơn chim ở nơi hoang dã

20:51 | 23/03/2016
Việc tiếp cận được nguồn thực phẩm của con người làm các loài chim sống ở thành phố trở nên khôn ngoan hơn chim sống ở những vùng hoang dã.
Chim ở thành phố "láu cá" hơn chim ở nơi hoang dã (Nguồn: Washington Post)

Một nghiên cứu của trường Đại học McGill (Mỹ) vừa được công bố gần đây cho biết, các loài chim ở thành phố biết cách “học tập kinh nghiệm” hơn các "bà con" của chúng sống ở những vùng hoang dã.

"Chúng tôi thấy rằng những con chim sống ở các khu vực đô thị không chỉ giải quyết những vấn đề chúng gặp phải một cách sáng tạo hơn mà còn có khả năng miễn dịch tốt hơn so với các loài chim sống ở nông thôn” - tác giả nghiên cứu Jean-Nicolas Audet cho biết.

Audet và các đồng nghiệp đã theo dõi 53 con chim sẻ ức đỏ ở các khu vực khác nhau tại thành phố Barbados.

"Chim sẻ ở Barbados luôn biết rình để ăn cắp bánh sandwich của bạn" - ông Audet nhận xét.

Sự khác biệt giữa chim sống ở thành phố và chim sống ở nơi thôn quê là những gì? Thí nghiệm cho thấy những con chim ở thành phố thực sự bạo dạn hơn, khi người ta dứ thức ăn cho chúng, chúng lao vào chộp lấy nhanh hơn. Chúng biết cách giải quyết vấn đề - thí dụ tìm ra được thực phẩm được đặt trong lọ hoặc ngăn kéo không đóng kín.

Chúng còn học được cách phân biệt giữa các đĩa thức ăn có màu khác nhau và thận trọng hơn trước những loại thức ăn không quen thuộc, so với các con chim sống ở vùng nông thôn.

Nhưng đáng ngạc nhiên là những con chim ở thành phố còn có hệ thống miễn dịch mạnh hơn. Ông Audet và các đồng nghiệp của ông cho rằng điều này có ý nghĩa làm cho chim có khả năng nhận thức tốt hơn, vì những con chim này khỏe mạnh và có tiềm lực để “cấp nhiên liệu” cho não và cơ thể của chúng.

Những đặc điểm này dường như để phục vụ một mục đích rất rõ ràng. Khi sống ở gần người, chim học được cách tiếp cận nguồn lương thực ở những địa điểm mới và đầy thử thách. Một con chim ở vùng quê luôn luôn đi tìm hạt cây để ăn ở cùng một nơi khá an toàn, nhưng một con chim thành phố có thể phải tìm cách “thó” mẩu vụn bánh mì ở nhà hàng.  Do sống trong môi trường thường gặp nguy hiểm nên lũ chim ở thành phố phát triển não bộ hơn, ông Audet giải thích.

(theo Washington Post)