Ảnh minh họa. |
Tận diệt "mùa xuân”
Cánh én nhỏ làm nên mùa xuân. Từ bao đời nay, chim én là loài chim trời báo hiệu mùa xuân đến. Vào dịp tháng giêng, tháng 2, ở các vùng núi cao, loài chim này thường tụ về, chao lượn khắp không gian để hưởng tiết trời ấm áp. Thế nhưng, trong những năm trở lại đây, chim én đã và đang phải đối diện với sự hủy diệt của con người. Số lượng chim én cứ ít dần theo thời gian.
Chúng tôi có dịp về huyện Bảo Yên (Lào Cai), trực tiếp chứng kiến tục săn bắt chim trời của người dân nơi đây. Vào khoảng tháng giêng, tháng 2, từng đàn chim én bay về Nghĩa Đô trú ngụ. Đây cũng là thời điểm mà người Tày ở các xã dọc quốc lộ 279 như Tân Dương, Xuân Hòa, Vĩnh Yên, Nghĩa Đô "ra quân” bẫy chim én. Bẫy chim én được người dân thiết kế hết sức đơn giản, chỉ cần 4 cột tre ghép lại thành một khung hình vuông. Quan trọng hơn cả là trên các điểm đậu của bẫy tre sẽ được người ta quệt vào đó một ít nhựa cây rừng. Để nhử từng đàn chim én xuống neo đậu, ở các bẫy, người dân buộc vào đó dăm ba con chim én sống, họ gọi đó là chim mồi.
Bẫy chim như thế được người dân dựng khắp nơi. Khi thì ở cánh đồng dưới chân núi, khi thì ở trên đỉnh núi, khi thì ở ngay cạnh nhà ở... Chim én được người dân Tày mang ra chợ bán. Và cũng từ đó, chim én trở thành một món ăn đặc sản của vùng cao, mang lại nguồn lợi lớn cho người dân. Mỗi con chim còn sống được người dân bán với giá từ 7-8 ngàn đồng.
Cứ như thế, nhiều năm nay, số lượng chim én ở vùng cao Bảo Yên ít dần. Ông Hoàng Văn Vày ở xã Tân Dương cho chúng tôi biết: "Gia đình tôi bẫy chim én từ nhiều năm nay, ngày nhiều nhất cũng bẫy được vài trăm con”. Cháu Cổ Văn Đợi ở xã Nghĩa Đô thích thú cho rằng: "Trẻ con bọn cháu thú lắm với trò bẫy chim, hơn thế lại còn bán được tiền nữa”. Một người già ở xã Vĩnh Yên cho rằng: "Vẫn biết giết hại chim trời là có tội và làm ảnh hưởng đến môi trường nhưng từ lâu ở đây bẫy chim là một phong tục, tập quán rồi nên khó bỏ lắm”.
Không cho chim tránh rét
Mùa đông về cũng là lúc nhiều loài chim ở phương Nam bay về tránh rét ở các vùng núi, trung du. Cùng với hành trình của nó, các loài chim còn có ảnh hưởng tích cực tới môi trường sống và mùa màng. Chim Chăm là một điển hình, nhưng loài chim này cũng đang đứng trước nguy cơ bị tận diệt.
Tại xã Ấm Hạ (Hạ Hòa- Phú Thọ) nơi có núi Buộm cao ngất và luồn phía dưới chân núi là những dòng suối nhỏ. Đây cũng là địa điểm hấp dẫn cho loài chim Chăm lông đen trắng, mỏ đỏ, to hơn chim én bay về tránh rét mỗi khi mùa đông về. Những năm đầu, loài chim này được bình yên bởi sự hiền lành của người dân. Cứ ngỡ "đất lành chim đậu”, nhưng hai, ba năm trở lại đây, những bẫy chim được đặt ngay dưới chân núi, "không cho chim tránh rét”.
Nắm được đặc điểm của loài chim Chăm hay sống trên núi cao và thường sà xuống uống nước mỗi khi trời nắng tại các khe suối, một số tay săn chim ở đây đã thiết kế những bẫy chim tương đối tinh xảo. Chỉ cần một tấm lưới rộng được luồn dây xung quanh, đặt dưới lòng suối và chính giữa lưới buộc một hai con chim mồi. Trời nắng đẹp, từng đàn chim Chăm sà xuống uống nước và tự chui đầu vào bẫy.
Một người dân làm nghề bẫy chim Chăm nhiều năm nay cho biết: Có ngày bẫy được tới hai, ba trăm con. Điều đó có nghĩa là có tới hàng ngàn con chim Chăm bị bẫy và bị làm thịt ngay sau đó. Chim Chăm khi bị mắc bẫy sẽ được bán với giá cao. Nếu năm ngoái, người ta bán 5000 đồng/ 1 con thì năm nay đầu mùa đã bán được với giá cao hơn từ 8-10 ngàn một con. Được biết chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp gì trước tình trạng săn bẫy chim Chăm.
Theo Đại Đoàn Kết