📞

Chính biến ở Myanmar: Từ các góc nhìn đến kịch bản

Vũ Đăng Minh 08:00 | 04/03/2021
TGVN. Myanmar vốn đã khó khăn, sau chính biến càng khó hơn. Thời gian tới, tình hình Myanmar có thể diễn biến theo kịch bản nào?
Chính biến ở Myanmar xảy ra không phải là điều bất ngờ. (Nguồn: EPA-EFE)

Điều gì đang diễn ra ở Myanmar

Ngày 1/2, ngay trước kỳ họp đầu tiên của Quốc hội mới được bầu, quân đội Myanmar (Tatmadaw) ban bố tình trạng khẩn cấp, phế truất chính quyền dân sự, bắt giữ Tổng thống Win Myint, Cố vấn Nhà nước, Chủ tịch Đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) Aung San Suu Kyi và các thành viên nội các, Quốc hội, trao quyền lực cho chính quyền quân sự, do Thống tướng, Tổng tư lệnh Min Aung Halaing đứng đầu.

Sự việc không quá bất ngờ vì trước đó đã có cáo buộc bầu cử gian lận và nhiều tranh cãi. Cuối tháng 1, người phát ngôn quân đội cảnh báo không loại trừ khả năng đảo chính và có những động thái điều quân về thủ đô Naypyidaw.

Xa hơn nữa, năm 1962, quân đội Myanmar đảo chính, chính quyền quân sự lên nắm quyền trong hơn 50 năm. Năm 2011, đảng được quân đội hậu thuẫn giành thắng lợi, lập chính phủ do tướng Thein Sein làm Tổng thống. Ông Thein Sein có những cải cách dân chủ, hợp tác với bà Aung San Suu Kyi. Năm 2015, NLD thắng cử, lập chính quyền dân sự không do người quân đội đứng đầu. Nhưng quân đội vẫn có ảnh hưởng lớn trong chính trường. Hiến pháp quy định quân đội nắm 25% ghế Quốc hội, kiểm soát 3 bộ chủ chốt và Tổng tư lệnh quân đội có thể lâm thời nắm quyền trong những trường hợp cực kỳ nghiêm trọng.

Quân đội cáo buộc NLD gian lận bầu cử và bà Aung San Suu Kyi vi phạm pháp luật để phế bỏ chính phủ. Nhưng theo một số nhà nghiên cứu, lý do sâu xa là lãnh đạo Tatmadaw lo ngại chính phủ do NLD kiểm soát sẽ tìm cách hạn chế quyền lực, tầm ảnh hưởng của quân đội và đi theo con đường mà quân đội không mong muốn.

Hàng ngàn người dân Myanmar biểu tình ở các tỉnh, thành phố, tổng đình công trên cả nước, phản đối quân đội, đòi thả người bị bắt giữ, khôi phục chính quyền dân sự. Chính quyền quân sự hạn chế Internnet, mạng xã hội. Cảnh sát sử dụng vòi phun nước, đạn cao su, đạn khói, đạn nổ để ngăn chặn, giải tán biểu tình, làm nhiều chục người chết. Một tháng trôi qua, biểu tình vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Các góc nhìn khác nhau

Sự kiện ngày 1/2 ở Myanmar được các nước, truyền thông quốc tế đặt tên khác nhau: Khủng hoảng, chính biến, binh biến, đảo chính và "cải tổ nội các”… Cái vỏ ngôn ngữ phần nào thể hiện góc nhìn về sự kiện Myanmar.

Tuyên bố phê phán đảo chính của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không được thông qua. Ngày 26/2, Liên hợp quốc tổ chức phiên họp không chính thức thảo luận về khủng hoảng Myanmar. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ lo ngại và khẳng định “việc sử dụng vũ lực nhằm vào người biểu tình ôn hòa và các vụ bắt giữ tùy tiện là không thể chấp nhận được”, kêu gọi cộng đồng quốc tế “cùng nhau gửi một tín hiệu rõ ràng đến quân đội Myanmar rằng họ phải tôn trọng nguyện vọng của nhân dân được thể hiện thông qua bầu cử và ngừng đàn áp”.

Mỹ, nhóm G7 và nhiều nước phương Tây khác coi đây là đảo chính quân sự, hành động chiếm đoạt quyền lực bất hợp pháp, phản đối sử dụng bạo lực gây thương vong cho người biểu tình, kêu gọi phối hợp trừng phạt các lực lượng đứng sau đảo chính và bạo lực tại Myanmar. Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách Chính sách An ninh và Đối ngoại Josep Borrel xác nhận EU sẽ thông qua các biện pháp trừng phạt và sớm thực thi nhằm đáp trả những diễn biến này. New Zealand là nước đầu tiên tuyên bố cắt đứt quan hệ với Myanmar.

Thái độ của Trung Quốc ở một cực khác biệt với phương Tây. Bắc Kinh cho đó là “cuộc cải tổ nội các”, “sự xáo trộn nội các nghiêm trọng”, chặn tuyên bố chung của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án đảo chính. Trung Quốc nhận là quốc gia láng giềng thân thiện, hy vọng các bên giải quyết phù hợp các khác biệt trong khuôn khổ hiến pháp, luật pháp, nhằm giữ ổn định chính trị, xã hội.

Trung Quốc tỏ thái độ khá “ôn hòa” bởi họ đánh giá Myanmar có vị trí quan trọng, khép nối vòng cung đầu tư, giao thông của “Vành đai, Con đường” ở Đông Nam Á; là cửa ngõ thuận lợi nhất để đi tắt ra Ấn Độ Dương, tránh sự phụ thuộc vào eo biển Malacca và hai nước có quan hệ khá chặt chẽ. Gần đây, chỉ trong thời gian ngắn, từ 9/2020-1/2012, Ngoại trưởng Vương Nghị đã có 2 chuyến thăm Myanmar.

Phương Tây vốn ủng hộ “Phong trào chuyển đổi dân chủ” của NLD và bà Aung San Suu Kyi. Nhưng năm 2016, 2017, họ có biểu hiện lạnh nhạt với chính phủ do NLD lãnh đạo, vì cuộc khủng hoảng người tị nạn Hồi giáo Rohingya. Trung Quốc tận dụng cơ hội “lấp chỗ trống”, duy trì quan hệ với cả NLD, bà Aung San Suu Kyi và quân đội Myanmar.

Hai nước thỏa thuận nhiều dự án trong Hành lang kinh tế Trung Quốc - Myanmar (CMEC), trong đó có dự án đường xe lửa cao tốc trị giá 8,9 tỷ USD nối Vân Nam với vùng duyên hải Myanmar ở Ấn Độ Dương.

Từ việc Ngoại trưởng Vương Nghị trong chuyến thăm Myanmar tháng 1/2021 đã gặp Thống tướng Min Aung Halaing cùng nhiều quan chức cấp cao khác và thông tin sau ngày 1/2, nhiều chuyến bay bí mật từ Trung Quốc đến Myanmar, được cho là chở trang bị, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ Tatmadaw, nhiều nước phương Tây cho rằng Bắc Kinh ngầm ủng hộ hoặc bật đèn xanh cho đảo chính.

Nhiều người dân Myanmar cũng nghĩ như vậy, tụ tập tuần hành ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở thành phố Yangon, kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc. Dĩ nhiên, Bắc Kinh phản đối mọi cáo buộc.

Cũng có dư luận cho rằng Trung Quốc “mất nhiều hơn được” vì chính biến ảnh hưởng đến các dự án nhiều tỷ USD trong CMEC, tình hình “mất khả năng điều khiển”, tạo cơ hội cho phương Tây can dự. Trung Quốc sẽ “khó xử” do có quan hệ với cả phe dân sự và quân sự.

Ngày 2/3, Ngoại trưởng các nước ASEAN họp trực tuyến, ra tuyên bố không chính thức của Chủ tịch về tình hình của Myanmar.

Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi luôn theo sát diễn biến tình hình của khu vực và nhất trí rằng sự ổn định chính trị của bất kỳ quốc gia thành viên nào cũng là điều cần thiết để đạt được cộng đồng ASEAN hòa bình và ổn định và thịnh vượng chung.

Chúng tôi bày tỏ sự quan ngại về tình hình ở Myanmar và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, không kích động bạo lực.

Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan tìm kiếm giải pháp hòa bình, thông qua đối thoại và mang tính xây dựng và hòa giải vì lợi ích của người dân và kế sinh nhai của họ.

ASEAN sẵn sàng hỗ trợ Myanmar một cách tích cực, hòa bình và mang tính xây dựng”.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị ASEAN phối hợp chặt chẽ, phát huy vai trò, sử dụng hiệu quả các công cụ, cơ chế hợp tác hiện có, trong đó có phối hợp với các tổ chức và cơ chế toàn cầu, bao gồm Liên hợp quốc, nhằm giúp Myanmar ổn định tình hình vì lợi ích của nhân dân và đất nước Myanmar, cũng như vì hoà bình, ổn định khu vực và đoàn kết, uy tín của ASEAN.

Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammuddin Hussein kêu gọi Myanmar cần tiếp tục hợp tác với các quốc gia thành viên ASEAN để tránh trở thành "một đường đứt gãy" có thể dẫn đến sự bất ổn ở khu vực.

Có nhiều mức phản ứng, nhưng điểm chung là mong muốn các bên tránh sử dụng bạo lực, đối thoại giải quyết căng thẳng phù hợp với Hiến pháp, luật pháp, tôn trọng ý kiến của nhân dân Myanmar. Nhiều nước ủng hộ trừng phạt, nhưng cũng có ý kiến cho rằng nó ít hiệu quả, ảnh hưởng đến người dân, cô lập chính quyền quân sự càng đẩy họ ngả vào vòng tay nước lớn.

Đảo chính không phải là chuyện hiếm

Trên thế giới, thay đổi chính quyền ở các quốc gia diễn ra theo nhiều cách khác nhau: (i) Thông qua bầu cử; (ii) Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ đương nhiệm, lập chính phủ mới; (iii) Các cuộc biểu tình đông người, có thể được nước ngoài hỗ trợ, gây áp lực buộc chính phủ từ chức; (iv) Đảo chính lật đổ chính phủ đương nhiệm bằng biện pháp quân sự; (v) Nước ngoài tạo cớ tiến công quân sự lật đổ chính phủ một nước không “thân thiện” với mình… Các hình thức (iii), (iv), (v) thường dẫn đến thay đổi thể chế chính trị.

Nhiều nước từng xảy ra đảo chính, có nước nhiều lần. Châu Phi là nhiều nhất ở: Mali (1991, 2012), Nam Sudan (2013), Ai Cập (2013), Libya (2013, 2015) Burkina Faso (2015), Zimbabwe (2017)… Ở châu Âu, đảo chính là “chuyện thường ngày” của Thổ Nhĩ Kỳ. Từ khi lên cầm quyền năm 2014, Tổng thống Tayyip Erdogan cải tổ, nắm quân đội, đập tan đảo chính, âm mưu đảo chính năm 2016, 2020. Ở Đông Nam Á, Thái Lan cũng đã từng chứng kiến hàng chục cuộc đảo chính, Philippines cũng xảy ra một số cuộc…

Đảo chính thường xảy ra ở những nước có mâu thuẫn sắc tộc sâu sắc, chính trị, xã hội bất ổn, đói nghèo… Các cuộc đảo chính nhằm thay đổi chính quyền hợp hiến bằng bạo lực, vì quyền lợi của một sắc tộc, đảng phái, tác động tiêu cực đến sự phát triển đất nước, đến an ninh, đời sống nhân dân, bị người dân sở tại và cộng đồng quốc tế phản đối.

Chính biến ảnh hưởng lớn đến sự ổn định, phát triển đất nước và đời sống của người dân Myanmar. Ảnh chụp người dân mua rau trên đường phố ở Yangon, ngày 2/2/2021. (Nguồn: AP)

Những kịch bản nào cho Myanmar

Cách phản ứng của các nước với chính biến ở Myanmar xuất phát từ lo ngại tác động đến an ninh, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và trật tự thế giới dựa trên luật pháp. Bên cạnh đó là lợi ích quốc gia, lo ngại phá vỡ các mối quan hệ đã thiết lập. Cũng có nước tận dụng chính biến để gia tăng ảnh hưởng, can dự vào Myanmar và khu vực.

Điều đó cho thấy “tính 2 mặt”, “tiêu chuẩn kép” của một số nước trong việc đánh giá tình hình, các biến động nói chung, chính biến Myanmar nói riêng. Cáo buộc gian lận bầu cử thường được sử dụng nhưng khó kiểm chứng. Có người cho rằng: Bỏ phiếu không quan trọng bằng kiểm phiểu!

Chính biến ở Myanmar ảnh hưởng lớn đến sự ổn định, phát triển đất nước và đời sống của người dân. Nền kinh tế bị suy thoái do đại dịch, có nguy cơ khủng hoảng do trừng phạt. Lực lượng quân sự một số sắc tộc được nước ngoài ủng hộ gia tăng hoạt động; mâu thuẫn sắc tộc, mâu thuẫn giữa NLD với quân đội có thể trầm trọng hơn. Myanmar vốn đã khó khăn, sau chính biến càng khó hơn. Thời gian tới, tình hình Myanmar có thể diễn biến theo các kịch bản khác nhau.

Kịch bản chính quyền quân sự thỏa thuận thành lập chính phủ lâm thời có đại diện của quân đội, NLD, một số đảng phái khác hoặc nhượng bộ khôi phục chính quyền dân sự rất khó hoặc không thể xảy ra.

Kịch bản khả dĩ nhất là tiến hành cuộc bầu cử mới. Chính quyền quân sự tận dụng thời gian cầm quyền, nỗ lực chuẩn bị để đảng được quân đội hỗ trợ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử mới. Họ sử dụng chiêu bài phân bổ số ghế quốc hội theo tỷ lệ giữa các đảng phái, sắc tộc để tập hợp các dân tộc thiểu số thành một lực lượng đông đảo, vượt trội NLD. Quân đội Myanmar có thể lợi dụng sự đối chọi giữa các nước để giảm tác động của trừng phạt.

Bà Aung San Suu Kyi và phong trào biểu tình được nhiều nước ủng hộ, NLD có ý định lập chính phủ mới để đấu tranh với phe quân sự. Nhưng thực lực hạn chế, có thể chấp nhận bầu cử mới sau khi thỏa mãn yêu cầu thả người bị bắt, không sử dụng bạo lực, khôi phục hoạt động xã hội.

Trước áp lực cộng đồng, vai trò trung gian hòa giải quốc tế, 2 bên có thể đối thoại, đàm phán, tổ chức bầu cử có giám sát quốc tế. Cuộc bầu cử có thể diễn ra sau hoặc trước thời hạn 1 năm.

Kịch bản xấu là biểu tình tiếp tục lan rộng, kéo dài, chính quyền quân sự sử dụng bạo lực đối phó, lực lượng vũ trang một số sắc tộc gia tăng hoạt động, thế lực bên ngoài can dự, gián tiếp hoặc trực tiếp hỗ trợ lực lượng bên trong theo ý đồ riêng. Myanmar khủng hoảng toàn diện, xung đột kéo dài.

Xảy ra kịch bản nào phụ thuộc chủ yếu vào nhân tố bên trong, thực lực, tính toán chiến lược của các phe phái. Tác động bên ngoài và vai trò của quốc tế, nhất là Liên hợp quốc, ASEAN rất quan trọng. Đại diện Liên hợp quốc và ASEAN có thể làm trung gian hòa giải, chắp nối để đại diện các bên đối thoại, tiến tới giải pháp chính trị, tổng tuyển cử công bằng, có sự giám sát quốc tế.