Theo các nguồn tin thân cận với Trung tâm quốc gia về An ninh mạng (NCSC) của Vương quốc Anh, kết luận trên sẽ "có sức nặng khá lớn" đối với các nhà lãnh đạo châu Âu.
Các quốc gia khác có thể đưa ra lập luận rằng, nếu nước Anh có thể tự tin giảm thiểu các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia từ thiết bị 5G của Huawei, thì họ cũng có thể làm điều tương tự. Qua đó, những nước này có thể trấn an công chúng và thuyết phục chính quyền Mỹ rằng, họ đang hành động một cách thận trọng trong việc tiếp tục cho phép các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông của nước họ sử dụng thiết bị của Trung Quốc, miễn là họ thực hiện các biện pháp phòng ngừa được Chính phủ Anh khuyến nghị.
Bên cạnh đó, mặc dù không trực tiếp đưa ra bình luận trong bài báo của Financial Times, nhưng NCSC đã nhắc lại những lo ngại trước đó về khả năng bảo mật và kỹ thuật của thiết bị Huawei.
Chính phủ Anh đã kết luận rằng, họ có thể giảm thiểu những rủi ro phát sinh từ việc sử dụng các sản phẩm thiết bị phục vụ mạng 5G của doanh nghiệp viễn thông Huawei. (Nguồn: BBC) |
Cơ quan này đã đưa ra những yêu cầu về việc Huawei cần phải cải thiện và hy vọng doanh nghiệp viễn thông này sẽ thực hiện chúng trong tương lai gần.
Cuộc chạy đua xây dựng mạng 5G càng quyết liệt thì căng thẳng giữa nhiều nước càng gia tăng.
Trong những tháng gần đây, Mỹ cùng một số đồng minh liên tục lên tiếng xem các doanh nghiệp viễn thông Trung Quốc, tiêu biểu là Huawei, là nguy cơ lớn đối với an ninh quốc gia và lấy lý do này để loại Huawei khỏi các dự án 5G.
Nhìn chung, các nước châu Âu đang đứng trước một “bài toán khó” khi một mặt không thể phớt lờ những nguy cơ an ninh trong bối cảnh chỉ còn ít tháng nữa là mạng 5G sẽ được thương mại hoá tại nhiều thành phố châu Âu.
Mặt khác, đa số các nước châu Âu cũng không thể chọn giải pháp loại trừ Huawei, hay các công ty viễn thông Trung Quốc như Mỹ chủ trương, do các sản phẩm mang tính cạnh tranh của Huawei có lợi cho nền kinh tế.