Dự kiến, Thủ tướng Prayut Chan-ocha sẽ có cuộc gặp với Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi tại Văn phòng Chính phủ Thái Lan vào ngày 24/6. Tại đây, hai bên sẽ thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề lao động nhập cư Myanmar và việc hồi hương hơn 100.000 người tại 9 trại tị nạn trên lãnh thổ Thái Lan.
Bà Suu Kyi tới sân bay Suvarnabhumi, bắt đầu chuyến thăm Thái Lan ngày 23/6. (Nguồn: AP) |
Ông Prayut nói: “Myanmar sẵn sàng để họ hồi hương nhưng chúng ta phải cho họ thời gian sắp xếp mọi thứ, trong đó có việc tìm nơi cư trú. Ngoài ra phải xem xét khía cạnh nhân đạo của vấn đề mặc dù chính chúng ta cũng đang có nhiều gánh nặng”.
Nhà lãnh đạo Thái Lan nói rằng, việc hồi hương người tị nạn Myanmar sẽ tương tự việc hồi hương người Hmong ở tỉnh Saraburi của Thái Lan và việc này sẽ mất nhiều thời gian.
Trước chuyến thăm của bà San Suu Kyi, giới truyền thông sở tại và quốc tế đã nhận được thông báo của Bộ Ngoại giao Thái Lan về những quy định hạn chế khi tác nghiệp cũng như thủ tục an ninh rất nghiêm ngặt.
Theo Bộ Ngoại giao Thái Lan, các phóng viên không được phép phỏng vấn bà Suu Kyi trong cuộc “gặp gỡ báo chí” ở Văn phòng Chính phủ cùng với Thủ tướng nước chủ nhà.
Các phóng viên tham gia đưa tin về chuyến thăm này không được đem theo ba lô, túi đựng máy ảnh, máy quay – những quy định rõ ràng là nhằm mục đích hạn chế khả năng tác nghiệp báo chí. Ngoài ra, khi bà Suu Kyi có bài phát biểu tại Bộ Ngoại giao Thái Lan với tựa đề: “Myanmar, ASEAN và thế giới: Con đường phía trước”, báo giới cũng chỉ được phép có mặt ở phần mở đầu. Khi bà Suu Kyi đến thăm trại của người tị nạn Myanmar, báo chí cũng bị hạn chế và chỉ có “các cơ quan truyền thông chính thức” được tham dự.
Theo Thư ký thường trực Vụ Thông tin Báo chí Bộ Ngoại giao Thái Lan, ông Jatupon Innachit, các hạn chế này là “theo chỉ đạo” nhưng không cho biết là chỉ đạo của cơ quan nào.