📞

Chinh phục thị trường Halal Qatar

Hoàng Nam 08:00 | 01/09/2024
Việt Nam và Qatar đang đứng trước nhiều cơ hội hợp tác trong phát triển ngành công nghiệp Halal, mang lại lợi ích cho cả hai nước. Đại sứ quán khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam sang tìm hiểu thị trường, trực tiếp đánh giá khẩu vị và xu hướng tiêu dùng sở tại để có chiến lược kinh doanh phù hợp.
Đại sứ Việt Nam tại Qatar Nguyễn Huy Hiệp.

Đó là khẳng định của Đại sứ Việt Nam tại Qatar Nguyễn Huy Hiệp trong trao đổi với Báo Thế giới và Việt Nam về cơ hội cho doanh nghiệp Việt chinh phục thị trường Halal tại quốc gia Trung Đông này.

Đại sứ có thể cho biết tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Qatar trong phát triển ngành công nghiệp Halal?

Việt Nam và Qatar đang đứng trước nhiều cơ hội hợp tác trong phát triển ngành công nghiệp Halal, mang lại nhiều lợi ích cho cả hai nước.

Là quốc gia có kinh tế phát triển và thu nhập bình quân đầu người thuộc hàng cao nhất thế giới, song do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, Qatar vẫn có nhu cầu nhập khẩu đến 90% thực phẩm, trong đó có thực phẩm Halal. Trong khi đó, Việt Nam có điều kiện tự nhiên đa dạng và các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm phong phú, hoàn toàn có thể trở thành đối tác quan trọng bảo đảm an ninh lương thực cho Qatar.

Nhìn vào sự tăng trưởng nhanh của thị trường Halal hiện nay và việc các sản phẩm Halal được tiêu thụ bởi cả người Hồi giáo và phi Hồi giáo thì Qatar là thị trường đáng để doanh nghiệp Việt Nam lưu tâm. Đây vừa là thị trường tiêu thụ, lại có thể là cửa ngõ và điểm trung chuyển để thâm nhập thị trường khu vực cho các sản phẩm Halal của Việt Nam, trước hết là thực phẩm, sau đó đến các sản phẩm khác như thời trang, dược, mỹ phẩm…

Bên cạnh tăng xuất khẩu thực phẩm Halal sang thị trường Qatar và khu vực, hai nước còn có tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực du lịch Halal, trong đó Việt Nam cung cấp các sản phẩm và dịch vụ du lịch đáp ứng tiêu chuẩn Hồi giáo, đặc biệt là cho phân khúc khách hàng cao cấp người Qatar. Đại sứ quán nhận thấy xu hướng du lịch mở rộng sang khu vực Đông Nam Á và ra ngoài các quốc gia quen thuộc với khách Qatar như Thái Lan, Malaysia... đang trở nên phổ biến hơn. Do đó, Việt Nam cần chuẩn bị tốt để sẵn sàng đón nhận làn sóng du lịch từ các quốc gia Hồi giáo.

Theo chia sẻ của Đại sứ, có thể nhận thấy, cơ hội không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận, thâm nhập thị trường Halal của Qatar?

Thị trường Halal đang phát triển nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu, không chỉ ở những quốc gia có người theo Hồi giáo, trong đó khu vực Trung Đông được coi là khu vực có tiềm năng lớn. Việt Nam có nhiểu sản phẩm nông sản, thực phẩm, sản phẩm chế biến phù hợp với nhu cầu và tiêu chuẩn Halal của Qatar.

Quan hệ hai nước thời gian qua có những bước phát triển tích cực. Lãnh đạo ta đã và đang dành nhiều sự quan tâm trong việc tăng cường quan hệ nhiều mặt với khu vực Trung Đông, Vùng Vịnh, trong đó có Qatar. Đây là những điều kiện khá thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm hợp tác với đối tác Qatar để phát triển sản phẩm Halal, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh thuận lợi, những thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam muốn chinh phục thị trường quốc gia Trung Đông này cũng không ít?

Phải nhận thức rằng, Việt Nam còn là cái tên khá mới mẻ trên bản đồ Halal toàn cầu, trong khi nhiều nước bạn bè ASEAN của chúng ta, gần nhất là Thái Lan, đã gây dựng được thương hiệu sản phẩm Halal từ lâu.

Đáng mừng là thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức rõ hơn tiềm năng của thị trường Halal toàn cầu và có rất nhiều nỗ lực trong việc chuẩn hóa và thống nhất quản lý việc cấp chứng chỉ cũng như tiêu chuẩn Halal.

Việc thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia ngày 24/4/2024 chính là bước đầu quan trọng để chuyên nghiệp hóa quá trình sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam đạt tiêu chuẩn Halal.

Đối với Qatar, tiêu chuẩn Halal cơ bản tương đồng với tiêu chuẩn chung các nước vùng Vịnh (GCC), thậm chí với một số sản phẩm như hải sản thì không khắt khe bằng tiêu chuẩn của Saudi Arabia. Do đó, sản phẩm Halal đã vào được thị trường GCC ở khu vực thì cơ hội tiếp cận thị trường Qatar thuận lợi hơn nhiều. Tất nhiên, việc đạt được chứng chỉ Halal để vào Qatar hay GCC cũng đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng về thị trường, thị hiếu khách hàng và đầu tư kinh phí, nhân lực phù hợp từ các doanh nghiệp.

So với các thị trường rộng lớn ở Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal ở Qatar nhỏ hơn. Mặc dù vậy, mức độ cạnh tranh không kém phần khốc liệt bởi các doanh nghiệp Việt Nam phải chia thị phần với các doanh nghiệp Trung Đông, Nam Á và Đông Nam Á khác vốn đã có chỗ đứng vững chắc tại đây, nổi bật là các công ty từ Syria, Lebanon, Iran, Oman, Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, Thái Lan... Trong bối cảnh này, ngoài chất lượng, các doanh nghiệp cần phải cân nhắc thêm các yếu tố về giá cả, sự đa dạng khẩu vị, mẫu mã... để tạo tính cạnh tranh.

Đại sứ quán khuyến khích các doanh nghiệp sang tìm hiểu thị trường, trực tiếp đánh giá khẩu vị và xu hướng tiêu dùng sở tại để có chiến lược kinh doanh phù hợp. Đại sứ quán luôn đồng hành hỗ trợ, giúp tiếp nhận và quảng bá sản phẩm Halal chất lượng của các doanh nghiệp Việt Nam đến thị trường sở tại.

Doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý gì khi tiếp cận thị trường Halal Qatar, thưa Đại sứ?

Để tiếp cận, thâm nhập thị trường Qatar, theo tôi, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý một số vấn đề như: Nắm rõ các quy định và tiêu chuẩn Halal của Qatar, thị hiếu và thói quen tiêu dùng, tập quán kinh doanh của sở tại. Tìm kiếm, xây dựng đối tác tin cậy tại địa bàn để có được sự hỗ trợ trong việc thâm nhập thị trường và xây dựng uy tín cho sản phẩm của mình.

Doanh nghiệp cần đầu tư trong quảng bá, tiếp thị sản phẩm để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng gốc bản địa và người nhập cư theo đạo Hồi, có thể tham gia các sự kiện, triển lãm ngành Halal ở sở tại. Doanh nghiệp cần chú trọng tìm hiểu kỹ về văn hóa và tôn giáo của người dân Qatar và các cộng đồng người nước ngoài nhập cư có nhu cầu sử dụng các sản phẩm Halal, đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm theo các tiêu chuẩn của Qatar, khu vực và quốc tế.

Halal Qatar là thị trường đáng để doanh nghiệp Việt Nam lưu tâm. (Nguồn: Getty Images)

Một yếu tố khác là để xuất khẩu thành công sản phẩm Halal vào Qatar, doanh nghiệp Việt Nam trước hết cần tuân thủ các quy định hải quan về xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất khẩu thực phẩm nói chung vào thị trường này, trong đó có các quy định về giấy tờ nguồn gốc hàng hóa, quy định về dán nhãn, ngôn ngữ... Quy định của Qatar đối với thực phẩm thường xuyên được Cục an toàn thực phẩm, Bộ Y tế cập nhật, là nguồn thông tin quan trọng mà doanh nghiệp nên tham khảo trước khi xuất khẩu hàng hóa.

Thời gian qua, Đại sứ quán đã tìm hiểu và gửi về các bộ, ngành liên quan trong nước các tài liệu như Hướng dẫn về nhập khẩu thực phẩm Halal, các cơ sở Hồi giáo được cấp phép chứng nhận giết mổ Halal và chứng nhận sản phẩm Halal do Bộ Y tế Qatar ban hành. Tài liệu này quy định chi tiết các yêu cầu để sản phẩm bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn Halal khi nhập khẩu vào Qatar, đồng thời, liệt kê danh sách các cơ sở chứng nhận Hồi giáo trên toàn thế giới được phía Qatar công nhận, trong đó có cơ sở của Việt Nam. Các doanh nghiệp có thể tham khảo tài liệu này để có thêm thông tin cần thiết, hữu ích khi lựa chọn sản phẩm xuất khẩu phù hợp (lưu ý tiêu chuẩn Halal của Qatar áp dụng chặt chẽ với các sản phẩm từ thịt và thực phẩm chế biến), cũng như lựa chọn cơ sở uy tín của Việt Nam để cấp chứng nhận Halal, bảo đảm sản phẩm tiếp cận được thị trường.

Với những tiềm năng và cơ hội như trên, Đại sứ quán có định hướng gì trong việc thúc đẩy hợp tác trong ngành công nghiệp Halal giữa hai nước?

Thời gian tới, Đại sứ quán sẽ tiếp tục duy trì, phát huy quan hệ hợp tác với các cơ quan chức năng và các hiệp hội doanh nghiệp liên quan của Qatar để tìm hiểu, cung cấp thông tin thị trường, các quy định và tiêu chuẩn Halal của sở tại, tìm kiếm cơ hội hợp tác, giới thiệu, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp bạn, như tại các sự kiện Doha Coffee International Exhibition (26-28/9), Food Qatar và Qatar Halal Forum (12-14/11) tới đây.

Bên cạnh đó, cơ quan cũng sẽ hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thúc đẩy các dự án hợp tác chung trong lĩnh vực Halal, tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, chế biến các sản phẩm Halal.

Đồng thời, Đại sứ quán sẽ thúc đẩy ký kết các văn kiện giữa các cơ quan liên quan của hai nước để tạo khuôn khổ pháp lý cho hợp tác trong lĩnh vực Halal, trước mắt là giữa Tổng cục Tiêu chuẩn và đo lường Việt Nam và Cơ quan tiêu chuẩn Qatar.