Việt Nam phê duyệt MOU thành lập Trung tâm ASEAN-Trung Quốc
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 28/2/2020 về việc phê duyệt Bản ghi nhớ thành lập Trung tâm ASEAN-Trung Quốc giữa Chính phủ các quốc gia thành viên ASEAN và Chính phủ Trung Quốc.
Cụ thể, Chính phủ phê duyệt Bản ghi nhớ thành lập Trung tâm ASEAN-Trung Quốc giữa Chính phủ các quốc gia thành viên ASEAN và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ký ngày 6/8/2017 tại Philippines dịp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc.
Chính phủ giao Bộ Ngoại giao thực hiện thủ tục đối ngoại theo quy định. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện Bản ghi nhớ trên.
Trung tâm ASEAN-Trung Quốc được khánh thành năm 2011 với tư cách là một tổ chức liên chính phủ nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN trong nhiều lĩnh vực bao gồm thương mại, đầu tư, giáo dục, văn hóa và du lịch.
(TTXVN, Tân Hoa xã)
Covid-19 có thể đang lan rộng mà không bị phát hiện ở Đông Nam Á
Khi các trường hợp nhiễm virus corona ngày một tăng lên trên toàn thế giới, thì ít nhất tại Đông Nam Á, mọi thứ vẫn đang tiến triển ổn định và có một chút lạc quan tại đây. Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc đã cùng nhau thể hiện sự đoạn kết trong việc đánh bại dịch bệnh.
Thế nhưng, các chuyên gia y tế vẫn đang lo ngại rằng, với việc các nước Đông Nam Á nằm ngay sát biên giới Trung Quốc, có nguy cơ dịch bệnh đang lây lan rộng mà không hề bị phát hiện.
Dịch Covid-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp, đã khiến hơn 87.000 người nhiễm bệnh và hơn 3.000 ca tử vong, phần lớn là tại Trung Quốc. Thế nhưng, dịch bệnh đến nay đã lan tận sang hơn 60 quốc gia, trong đó có những quốc gia ở tận Mỹ Latinh và châu Âu.
Thế nhưng, các nước “vắng mặt” trong danh sách nhiễm virus corona gồm Myanmar, Lào (giáp biên giới Trung Quốc), Brunei, Timor-Leste và Indonesia, trong đó, một số quốc gia này vẫn duy trì đường bay trực tiếp đến thành phố Vũ Hán, nơi được coi là trung tâm dịch. Các quốc gia còn lại trong khu vực đã có trường hợp bị nhiễm bệnh.
(Khmer Times, Reuters)
ASEAN chung tay chống lại hoạt động đánh bắt IUU
Quan hệ giữa EU và một số nước thành viên ASEAN đã trở nên căng thẳng trong những năm gần đây vì hoạt động buôn bán hải sản, xuất phát từ lệnh cấm của Uỷ ban châu Âu (EC), liên quan đến “thẻ vàng” IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định).
Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam hy vọng sẽ thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN và giải quyết vấn đề này, để giúp cho quan hệ thương mại ASEAN-EU diễn ra thuận lợi và phát triển mạnh mẽ hơn.
Đối với các nước Đông Nam Á, EU là một thị trường quan trọng, nhập khẩu hải sản với lợi nhuận cao. Nhưng do các rào cản đã làm tăng sự căng thẳng giữa hai bên. Mặc dù thị phần nhập khẩu thủy sản từ các nước Đông Nam Á còn thấp, khu vực này phải chịu nhiều lệnh trừng phạt từ EC. EC đã nhiều lần xử phạt nhập khẩu hải sản từ các nước Đông Nam Á liên quan đến đánh bắt cá IUU.
Trong đó, các nước nhận “thẻ vàng” gồm Thái Lan và Việt Nam, “thẻ đỏ” là Campuchia. Quan hệ thương mại Indonesia và Malaysia cũng có những căng thẳng nhất định. Điều này đã khiến quan hệ thương mại ASEAN-EU khó phát triển trong những năm vừa qua.
ASEAN quan tâm đến vấn đề IUU không chỉ vì thiệt hại kinh tế tiềm ẩn mà còn bởi ảnh hưởng đến mối quan hệ chính trị giữa các quốc gia thành viên. Điển hình là tranh cãi về việc ngư dân Myanmar bị bóc lột lao động trên các tàu cá Thái Lan; hoặc căng thẳng liên quan đến các tàu đánh cá Việt Nam bị các nhà chức trách Indonesia bắt giữ trong các Vùng kinh tế độc quyền (EEZ) chồng chéo.
Nhận thức được tác động tiêu cực của việc đánh bắt cá IUU đối với môi trường và nền kinh tế, ASEAN đang thúc đẩy các nỗ lực chống lại vấn đề này. ASEAN đặt mục tiêu thực hiện các biện pháp bảo tồn và quản lý tài nguyên cá, thống nhất các quy định pháp luật về nghề cá và bảo vệ môi trường giữa các bên liên quan, minh bạch trong các chính sách hàng hải quốc gia, hợp tác khu vực và đóng góp của các tổ chức quản lý nghề cá khu vực.
(ASEAN Post)
Nhật Bản giúp đỡ ASEAN số hoá di sản văn hoá khu vực
Được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, di sản văn hóa luôn được miêu tả như một phần bản sắc ASEAN trong việc trở thành một xã hội đa dạng và toàn diện. Tuy nhiên, các di sản văn hoá rất dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tự nhiên hoặc nhân tạo. Ngoài ra, khoảng cách địa lý cũng khiến nhiều người dân trong ASEAN không thể tiếp cận được các di sản văn hoá trong khu vực.
Để ngăn chặn việc lịch sử bị chìm vào quên lãng, ASEAN đã quyết định số hoá di sản của họ thông qua dự án Kho lưu trữ kỹ thuật số di sản văn hóa khu vực ASEAN (ACHDA) với sự hỗ trợ tài chính và công nghệ của Nhật Bản.
Phát biểu tại buổi lễ khai trương ACHDA, ngày 27/2, tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở thủ đô Jakarta, Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng văn hóa - xã hội Kung Phoak nhấn mạnh dự án ACHDA là “bước tiến quan trọng” của ASEAN nhằm nâng cao sự hiểu biết về các di sản văn hóa đa dạng của khu vực.
Trong giai đoạn đầu tiên, ACHDA giới thiệu hơn 160 mẫu vật đã được số hóa của Indonesia, Malaysia và Thái Lan, qua đó cho phép những người tham quan tìm hiểu sâu hơn về nhiều bộ sưu tập của các bảo tàng, phòng trưng bày và thư viện thông qua mô hình ba chiều (3D), các hình ảnh, bản ghi âm và video có giá trị về các di sản văn hóa của ba nước nói trên.
Dự án ACHDA được Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Quỹ Hội nhập Nhật Bản - ASEAN (JAIF). Giai đoạn đầu của dự án đã được khởi động vào đầu năm 2018. Mục tiêu của giai đoạn hai của dự án là số hóa các bộ sưu tập của Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam trước khi mở rộng tới các nước ASEAN còn lại.
(Jakarta Globe)