Donald Trump: Bản chất chính sách, thực chất thành bại (Bài cuối)
Tranh biếm họa của Lichuan Xia (CNN). |
Mọi chuyện xảy ra ở nước Mỹ và với nước Mỹ đều luôn có tác động tới thế giới bên ngoài, nếu không trực tiếp thì cũng gián tiếp, nếu không nhiều thì cũng không ít. Luật pháp Mỹ dành cho tổng thống quyền hành pháp rất rộng rãi và độc lập mà tổng thống cầm quyền từ 4 đến 8 năm. Vì thế, thông lệ thường thấy ở Mỹ cho đến nay là tổng thống đương nhiệm ít kế thừa và tiếp nối người tiền nhiệm trong khi coi trọng đường lối chính sách và cách thức cầm quyền riêng.
Bất ngờ và khó lường
Dù nhìn nhận kết quả cầm quyền đến nay của ông Trump như thế nào, coi là thành công hay thất bại thì chúng vẫn có tác động rất mạnh mẽ tới thế giới. Tuỳ thuộc vào mức độ quan hệ với Mỹ mà các nước trên thế giới đánh giá khác nhau về mức độ tác động này, nhưng khác nhau về định lượng nhiều hơn là về định tính.
Nhưng điều mà ai ai cũng không thể không xác nhận và công nhận là chỉ có rất ít trong số các tổng thống Mỹ đến nay trong khoảng thời gian gần hai phần ba nhiệm kỳ cầm quyền đầu tiên tạo nên được những tác động ấy, cả trên phương diện tích cực cũng như tiêu cực đối với nước Mỹ và thế giới bên ngoài nước Mỹ. Có thể thấy được rất rõ điều ấy trên bốn phương diện tác động tới vị thế ảnh hưởng và vai trò của Mỹ đối với thế giới, tới trật tự thế giới, tới cục diện quan hệ quốc tế và tới việc giải quyết những vấn đề đặt ra lâu nay chung cho cả thế giới.
Ông Trump đã làm cho chính trị thế giới và quan hệ quốc tế không chỉ đơn thuần trở nên sôi động mà còn biến động với bất ngờ và rất khó lường. "Nước Mỹ trước hết" được ông Trump hiểu và thực hiện theo hướng vì lợi ích của nước Mỹ, phân biệt rõ ràng giữa lợi cho nước Mỹ và cho thế giới cũng như kiên quyết không làm nếu chỉ thấy có lợi cho thế giới mà không có lợi cho Mỹ. Vị thế, ảnh hưởng và vai trò của Mỹ trên thế giới được ông Trump sử dụng theo cách suy tính lợi ích ấy. Chính vì thế, trong nhìn nhận của bên ngoài, ông Trump đã làm suy giảm ảnh hưởng và vai trò của Mỹ trên thế giới so với trước.
Tư duy lợi ích và trật tự thế giới
Ẩn hiện ở đây là hai điều đáng chú ý về cách tiếp cận và tư duy lợi ích của ông Trump.
Thứ nhất, người này coi trọng cái gọi là "sức mạnh cứng" hơn hẳn cái gọi là "sức mạnh mềm" của nước Mỹ đối với hiện tại cũng như tương lai của nước Mỹ.
Thứ hai, việc tập trung làm cho nước Mỹ mạnh giầu lên ở trong nước được coi trọng và ưu tiên hơn việc duy trì và tăng cường vị thế, mở rộng ảnh hưởng và đề cao vai trò ở thế giới bên ngoài. Thực chất ở đây là bớt hoặc không tăng bên ngoài để tập trung cho bên trong. Người bên ngoài có thể để ý trước hết đến cái thua thiệt của Mỹ ở bên ngoài trong khi ông Trump lại để tâm trước hết vào cái lợi cho nước Mỹ ở bên trong.
Trật tự thế giới đa cực dựa trên sự thiết chế của các quy định và nguyên tắc được nhất trí chung giữa các nước trên thế giới, của luật pháp quốc tế, dựa trên hoạt động của các thể chế và khuôn khổ diễn đàn đa phương, dựa trên nhận thức được mặc định chung là tất cả các nước trên thế giới tự giác chấp nhận và chịu sự thiết chế ấy. Chỉ như thế thì trật tự thế giới đa cực mới ổn định và bền vững, mới bao hàm được mẫu số lợi ích chung lớn nhất cho tất cả.
Trật tự thế giới này, đang có hoặc đang định hình, đã bị ông Trump tấn công quyết liệt từ ngay sau khi lên cầm quyền ở Mỹ. Những quyết sách của ông Trump đã làm nó bị rung chuyển và xáo động mà nếu ông Trump cứ tiếp tục như vậy trong thời gian tới, đặc biệt cả trong nhiệm kỳ cầm quyền thứ hai khi có được, thì điều chắc chắn là sẽ không dẫn đến trật tự thế giới đơn cực tuyệt đối, trật tự thế giới đa cực chung được củng cố hoặc sẽ hình thành một dạng hỗn hợp giữa trật tự thế giới đa cực trên những phương diện này và đơn cực trên những phương diện khác.
Cục diện quan hệ quốc tế nói chung đã và đang tiếp tục thay đổi bởi ông Trump. Điều này là không thể tránh khỏi khi ông Trump chủ trương giảm sự tham gia của Mỹ vào các thể chế, khuôn khổ và tổ chức quốc tế đa phương, thực thi chủ nghĩa đơn phương và không coi trọng chủ nghĩa đa phương.
Vì thái độ của ông Trump bất hợp tác hoặc tham gia chỉ trong chừng mực có lợi cho nước Mỹ nên các liên minh và liên kết mà Mỹ lâu nay vẫn tham gia, thậm chí còn đóng vai trò chủ chốt, đều bị suy yếu về khả năng và suy giảm vai trò và ảnh hưởng, buộc phải cải tổ thể chế và điều chỉnh chiến lược hoạt động.
Điều chỉnh để thích ứng
Bất chấp chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế, ông Trump đã đẩy cả đồng minh, đối tác lẫn đối thủ lâu nay của Mỹ vào tình thế khó khăn, khó xử mới, tạo ra những tình huống mới trong quan hệ quốc tế buộc tất cả các bên liên quan phải có những quyết định và quyết sách mới không mấy dễ dàng. Vì Mỹ là đối tác quan trọng nên tất cả đều phải xử lý và sắp xếp lại quan hệ của họ với Mỹ.
Kết quả cầm quyền cho tới nay của ông Trump ở Mỹ gây ra thêm không ít vấn đề mới cho nước Mỹ và tác động làm cho việc các nước khác cùng với Mỹ giải quyết những vấn đề thời sự và cấp thiết chung cho cả thế giới trở nên phức tạp và khó khăn hơn bởi phía Mỹ không những chỉ giảm mức độ tham gia mà thậm chí còn cản phá.
Bài học đối với tất cả từ đây là chính vì ông Trump dẫn dắt nước Mỹ như thế nên thế giới bên ngoài càng cần phải thống nhất quan điểm và phối hợp hành động để vừa lôi kéo Mỹ đóng góp, tham gia vào chuyện chung vừa giảm thiểu sự cản phá của Mỹ lại vừa cùng nhau nỗ lực giải quyết những vấn đề chung đối với thế giới trong tình huống Mỹ không tham gia hoặc thậm chí còn cản phá.
Nước Mỹ không phải là cả thế giới và nước Mỹ cũng phải cần thế giới để giải quyết những vấn đề của chính nó và để phát triển đi vào tương lai.
Dịch Dung