Quan hệ với các đồng minh
Về các đồng minh quân sự và an ninh của Washington tại châu Á, hai ứng cử viên có hai cách nhìn nhận khác nhau. Ông Trump cho rằng, “nếu nước nào đó tấn công Nhật Bản, chúng ta phải ngay lập tức bắt đầu một thế chiến III. Còn nếu chúng ta bị tấn công, Nhật Bản không nhất thiết phải giúp đỡ chúng ta. Ở mức độ nào đó, điều này có vẻ không công bằng”.
Đối với Hàn Quốc, ông Trump nói: “Nước Mỹ đang bảo vệ họ và bản thân tôi có một vài người bạn Hàn Quốc, họ làm ăn kinh doanh với tôi. Hàn Quốc nên trả ơn chúng tôi vì đã bảo vệ họ”. Ông Trump cho rằng, Mỹ đang tiêu tốn một khối lượng tài sản lớn để bảo vệ những nước ở xa mình.
Hai ứng cử viên tổng thống có nhiều quan điểm đối lập về chính sách ở châu Á. (Nguồn: AP) |
Còn đối với ứng cử viên Clinton, bà khẳng định: “Tôi muốn trấn an các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như các đồng minh khác rằng chúng ta có các hiệp ước phòng thủ chung và chúng ta sẽ tôn trọng chúng”. Trong cuộc tranh luận cuối cùng với ông Trump ngày 19/10, bà nói rằng: “Nước Mỹ đã duy trì hòa bình dựa vào các đồng minh. Tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các đồng minh ở châu Á, châu Âu, Trung Đông và những khu vực khác”.
Đối với Philippines, bà Clinton chia sẻ: “Philippines đang nỗ lực hết mình nhưng họ cũng đang tìm kiếm sự hỗ trợ của Mỹ. Philippines có thể dựa vào Mỹ để bảo vệ lợi ích tại Biển Đông. Vấn đề này cần phải được giải quyết bằng các biện pháp ngoại giao và pháp lý chứ không phải bằng vũ lực”.
Ứng xử với Trung Quốc
Trong quan hệ với Trung Quốc, cả hai ứng cử viên đều đưa ra lập trường cứng rắn. Ông Trump cho rằng: “Trung Quốc là một vấn đề ở cả khía cạnh kinh tế và chính trị với những gì họ đang làm tại Biển Đông. Trung Quốc đang trở thành một lực lượng rất mạnh, rất lớn”. Trong lĩnh vực thương mại, ông Trump nói: “Nếu Trung Quốc không đối xử với chúng ta công bằng, toàn bộ hoạt động thương mại của họ sẽ bị đánh thuế. Chúng ta không thể quan hệ thương mại với Trung Quốc mà không có thuế. Nếu họ đánh thuế hàng hóa của chúng ta mà chúng ta không làm điều đó thì có vẻ không công bằng”.
Về phía bà Clinton, bà phản bác rằng: “Ông Trump không nhìn thấy sự phức tạp và ông ấy muốn bắt đầu một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Tôi hiểu rằng, nhiều người Mỹ có những quan ngại về các thoả thuận thương mại, tôi cũng vậy. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại là điều hoàn toàn khác và nguy hiểm hơn. Chúng tôi đã từng trải qua nó vào những năm 30 của thế kỷ trước, và thực sự đó là cuộc đại suy thoái khủng khiếp”. Bà muốn thấy một sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc. “Chúng ta cần phải nhạy bén trong quan hệ với Bắc Kinh, quân đội của Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ, họ đang thiết lập những căn cứ quân sự trên Biển Đông và một lần nữa đe dọa các nước là đồng minh hiệp ước của chúng ta như Philippines”, bà từng nói.
Tương lai của TPP
Đối với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), các ứng cử viên đều bày tỏ thái độ tiêu cực. Ông Trump đóng cửa hòa toàn tương lai của TPP, trong khi đó, bà Clinton tỏ ra bi quan.
Mặc dù có nhiều quan điểm đối lập nhưng cả hai ứng cử viên đều phản đối TPP. (Nguồn: AP) |
Bà Clinton nói: “Chúng ta chắn chắn đã đàm phán được một thỏa thuận thương mại lớn nhất, khả thi nhất. Nhưng nếu như chúng ta không thông qua được nó thì coi như tương lai của TPP đã khép lại”. Khi còn làm Ngoại trưởng Mỹ 3 năm trước, bà Clinton ủng hộ TPP với mong muốn thỏa thuận đạt được những “tiêu chuẩn vàng” trong hoạt động thương mại, tuy nhiên, khi hoàn tất đàm phán thỏa thuận, những điều khoản đạt được đã không làm cho bà Clinton hài lòng. Về phía ông Trump, ông khẳng định TPP là một “cuộc tấn công” vào doanh nghiệp Mỹ và là một thỏa thuận tồi tệ. “TPP là một điều kinh khủng. Nó không mang lại lợi ích gì ngoài những tai hại, rắc rối”, ông Trump nói.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang bước vào những giờ cuối cùng để tìm ra chủ nhân của Nhà Trắng. Tính đến thời điểm hiện tại, Các ứng viên đang chạy đua nhằm cán mốc 270 phiếu đại cử tri để đắc cử tổng thống.