📞

Chính sách đối ngoại của Indonesia đã đi đúng hướng?

07:00 | 17/12/2016
Chính sách đối ngoại độc lập của Indonesia là nhân tố quan trọng để quốc gia này có thể mối quan hệ "ấm êm" với hầu hết các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cục diện khu vực biến động

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhiều khả năng sẽ không được tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump thông qua khi ông chính thức trở thành Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2017. Điều đó đặt ra một số thách thức, trở ngại, song cũng mở ra những cơ hội nhất định để Indonesia chủ động trong chính sách đối ngoại của mình. 

Khi TPP bị "khai tử", Trung Quốc sẽ mạnh tay thúc đẩy RCEP. (Nguồn: CNN)

Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã đưa ra chính sách đối ngoại đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong chiến lược “Xoay trục", trong đó có TPP, việc hợp tác quân sự giữa Mỹ với một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, cũng như triển khai 2.500 binh sĩ của quân đội Mỹ ở Darwin, Australia. 

Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử Trump cho rằng TPP sẽ cướp mất công ăn, việc làm của người dân Mỹ và nước Mỹ sẽ xem xét lại hàng loạt hiệp định thương mại đã được ký kết cũng như trong hợp tác với các quốc gia đồng minh.

Một khi TPP không được Mỹ thông qua, Trung Quốc sẽ coi đây là một cơ hội lớn để tiếp quản vai trò của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Cụ thể, Trung Quốc đang tích cực thực hiện chiến lược “Con đường tơ lụa trên biển” do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng, thành lập Ngân hàng đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), khởi động và đang tích cực đàm phán Hiệp định Đối tác Toàn diện khu vực (RCEP). Hiệp định này được cho là sẽ thay thế TPP nếu nó không được Mỹ ủng hộ và Trung Quốc hiện đang tích cực lôi kéo các quốc gia trong khu vực tham gia vào hiệp định này.

 Việc Mỹ có xu hướng giảm sự hiện diện của mình ở châu Á, trong đó có Đông Nam Á sẽ làm cho khu vực này trở nên mất cân bằng, Trung Quốc sẽ có cơ hội để tiếp tục gia tăng ảnh hưởng.

Thế cân bằng của Jakarta

Về phần mình, Indonesia với chính sách đối ngoại độc lập, có thể nhận được nhiều lợi ích hơn trong khu vực Đông Nam Á dựa trên chiến lược phát triển đất nước của Tổng thống Jokowi. Hiện nay, Indonesia đang tập trung phát triển kinh tế với hàng loạt các dự án phát triển cơ sở hạ tầng to lớn đang thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Indonesia là quốc gia đồng sáng lập AIIB và hiện đang tích cực đàm phán để cho ra đời RCEP nhằm khẳng định vị thế nước lớn của mình ở khu vực. 

WB ước tính rằng trong vòng 5 năm tới, Indonesia sẽ cần số tiền lên đến 600 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng. (Nguồn: The Business Times)

Chính sách đối ngoại độc lập của Indonesia là nhân tố quan trọng để quốc gia này có thể mối quan hệ "ấm êm" với tất cả các bên. Với lợi thế địa chính trị của mình, đồng thời với vai trò là nước đi đầu của ASEAN, Indonesia không chỉ có quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc mà còn có quan hệ rộng mở với cả Mỹ, Nhật Bản với mục đích cao nhất là tranh thủ cơ hội, tận dụng nguồn vốn đầu tư từ các quốc gia này. 

Hiện tại, Indonesia đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp của Trung Quốc. Theo thống kê của Ban Điều phối đầu tư nước ngoài của Indonesia, tính đến hết tháng 9/2016, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tư lớn nhất vào Indonesia. Thương mại hai chiều giữa Mỹ và Indonesia đạt 113 tỷ USD vào năm 2014, hiện tại Mỹ là nhà đầu tư lớn thứ bảy tại Indonesia.  Indonesia và Mỹ có tiềm năng to lớn trong việc thúc đẩy hợp tác giữa hai nước. Khoảng 87% các doanh nghiệp của Mỹ tin rằng Indonesia sẽ ngày càng cải thiện các chính sách của mình để ưu đãi các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Mỹ.   

Bên cạnh đó, có thể thấy rằng Indonesia có mối quan hệ rất tốt đẹp với các đồng minh của Mỹ ở khu vực, chẳng hạn như Nhật Bản. Trong quý I/2016, đầu tư của Nhật Bản vào Indonesia tăng 32%, khiến Nhật Bản trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai tại đất nước vạn đảo. Indonesia cũng đã mời Nhật Bản tham gia một số dự án xây dựng quan trọng như cảng biển nước sâu Patimban, tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Surabaya và dự án khai thác dầu khí phía Nam đảo Sulawesi. Ngân hàng ADB cũng đã đầu tư lớn vào Indonesia trong nhiều năm qua và là nguồn vốn quan trọng để giúp hiện thực hóa tham vọng phát triển cơ sở hạ tầng của Tổng thống Jokowi. 

Ngân hàng thế giới đã chỉ ra rằng quốc gia nào muốn thành công với các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng của mình cần phải sử dụng ít nhất 10% GDP. Tuy nhiên, hiện nay GDP của Indonesia không thể sử dụng khoản ngân sách đến 10% cho việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Chương trình phát triển cơ sở hạ tầng phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn đến từ Trung Quốc và Nhật Bản.

Nếu một trong các mối quan hệ của Indonesia với các quốc gia này bị ảnh hưởng, nó sẽ làm chậm các dự án cơ sở hạ tầng của Tổng thống Jokowi và ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế của quốc gia này. Do đó, để có thể tranh thủ được các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, Indonesia một mặt phải thể hiện được khả năng độc lập trong quan hệ với các nước, đồng thời thể hiện đúng chức năng, vai trò của mình như một "người anh" trong ASEAN, cần tích cực quan tâm đến các vấn đề chung của khối để tạo được sự đoàn kết, thống nhất giữa các quốc gia thành viên. 

(theo Jakarta Global)