Ông Obama cho rằng lý lịch bản thân ông - con trai một người da đen Kenya và người mẹ da trắng bang Kansas, cộng với tên đệm ở giữa của ông là Hussein - sẽ góp phần hàn gắn những rạn nứt giữa Mỹ với thế giới. Còn bà Clinton thì hứa sẽ bổ nhiệm chồng làm đại sứ lưu động trên khắp thế giới. Ông McCain lại dẫn ra một thực tế rằng ông đã tranh cãi với chính quyền Bush về chuyện tra tấn, ngược đãi tù nhân và sự ấm lên của khí hậu toàn cầu.
Người Mỹ đã nhìn thấy sự đe dọa "xuống cấp" hình ảnh nghiêm trọng trong nhiệm kỳ Tổng thống Bush. Bản điều tra dư luận toàn cầu hàng năm của Trung tâm nghiên cứu Pew của Mỹ đã đưa ra con số đáng buồn: 26 trong tổng số 33 nước điều tra không có cái nhìn thiện cảm với Mỹ so với năm 2002. Sự suy giảm hình ảnh của Mỹ đặc biệt là ở Châu Âu (đồng minh chính) và ở Trung Đông ("sân khấu" chính trong cuộc chiến chống khủng bố). Năm ngoái, chỉ 30% người Đức có cái nhìn thiện cảm về Mỹ, giảm so với 42% vào năm trước đó. Trong thế giới Hồi giáo, hình ảnh nước Mỹ đang "rơi" một cách thảm hại. Những cái nhìn tích cực về nước Mỹ ở Pakistan giảm 15% và 9% ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hầu hết người Hồi giáo muốn xem Pháp hay Trung Quốc là siêu cường số 1 thế giới chứ không phải Mỹ.
Tâm lý chống Mỹ gia tăng
Phản đối chính sách đối ngoại của Mỹ đã trở thành dòng chảy văn hóa chính ở nhiều quốc gia trên thế giới. Sân khấu Anh duy trì liên tục các vở kịch "bóng gió" phản đối Mỹ như The Madness of George Dubya, Guantánamo Baywatch, Stuff Happens. Hay tiểu thuyết bán chạy nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ miêu tả chi tiết chiến thắng của nước này trước quân xâm lược Mỹ.
Nhà thơ Anh Harold Pinter, nổi tiếng với những bài thơ "nhắm" vào Mỹ thổ lộ: "Chủ nghĩa chống Mỹ của tôi đã đến mức gần như không thể kiểm soát được". Margaret Drabble, tiểu thuyết gia người Anh lại bị tư tưởng chống Mỹ "ám ảnh tôi giống như một căn bệnh". Chủ nghĩa chống Mỹ lan từ giới trí thức cánh tả sang cả tầng lớp chính trị. Thậm chí các đảng chính trị có truyền thống thân Mỹ như Đảng Bảo thủ Anh cũng đang có xu hướng rời xa Mỹ.
Những tâm lý chống Mỹ như thế đã bắt đầu có tác động "trái chiều" đến các lợi ích chiến lược của Mỹ, gây khó khăn cho Mỹ sử dụng quyền lực "cứng". Chẳng hạn, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không phản đối cứng rắn như thế trong việc xem xét cho phép Mỹ sử dụng lãnh thổ làm căn cứ phục vụ cho cuộc chiến ở Iraq.
Tâm lý chống Mỹ cũng làm cho nước này khó khăn hơn để chiến đấu với các lực lượng Hồi giáo cực đoan.
Quyền lực mềm
Chính quyền Bush nhận ra điều này chậm. Thực ra, ông Bush đã khuyến khích chủ nghĩa đa phương của bà Rice. Ông cũng cố gắng cải thiện hình ảnh bằng cách tạo ra các vị trí có chức năng "quảng bá" nước Mỹ ở Bộ Ngoại giao để "đánh bóng" hình ảnh nước Mỹ. Nhưng các tên tuổi như Charlotte Beers, Karen Hughes cũng đã không đem lại được kết quả khả quan nào bởi vì ông Bush bị quá ghét ở nước ngoài. Nhưng cũng có một thực tế rằng việc chủ nghĩa chống Mỹ "nhắm" quá nhiều vào bản thân ông Bush cũng đã tạo điều kiện cho Tổng thống kế tiếp "cơ hội vàng" cải thiện cái nhìn của thế giới về nước Mỹ.
Cách dễ nhất để Mỹ khôi phục hình ảnh của mình là cần tham gia tích cực hơn trong các nỗ lực chống lại sự ấm lên của Trái Đất. Thật vậy, hình ảnh nước Mỹ bắt đầu "lung lay" từ việc từ chối ký Nghị định thư Kyoto. Quyết tâm hành động chống lại sự thay đổi khí hậu cũng đưa lại những lợi ích trong nước. Số người Mỹ xem các vấn đề môi trường như là mối đe dọa toàn cầu chính tăng từ 23% vào năm 2002 lên đến 37% vào năm 2007.
Một cách khác để đánh bóng danh tiếng là cách thức giải quyết vấn đề nhà tù Guantanamo và những cáo buộc về tra tấn tù nhân. Chính quyền mới có thể đóng cửa nhà tù này, thừa nhận các nhà tù bí mật của CIA và tuân thủ Công ước Geneva một cách thiện chí.
Một cách khác nữa là mở rộng những nỗ lực của ông Bush đối với cuộc chiến chống căn bệnh thế kỷ AIDS ở Châu Phi. Nước Mỹ cũng hi vọng hàn gắn những rạn nứt với Châu Âu.
Sự cô lập nguy hiểm
Một trong những mối nguy hiểm lớn nhất mà Tổng thống tiếp theo phải đối mặt là chủ nghĩa cô lập. Có khoảng 42% người Mỹ tin rằng đất nước nên "quan tâm đến việc của mình" và ngừng "chơi trên sân nhà khác".
Cảm giác bị cô lập này đặc biệt rõ khi đề cập đến tự do thương mại. Trong chiến dịch tranh cử, bà Hillary Clinton và ông Barack Obama đều lo lắng về toàn cầu hóa sẽ đánh mạnh vào Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ. Trong 5 năm qua, những người ủng hộ tự do hóa thương mại đang giảm dần. Số người Mỹ nghĩ rằng thương mại đưa lại lợi ích cho đất nước họ giảm từ 78% vào năm 2002 xuống 59% vào thời điểm này. Thái độ đối với người nhập cư bất hợp pháp cũng cứng rắn hơn. Giờ đây, ¾ người Mỹ cho rằng cần đưa ra nhiều hạn chế hơn đối với những người tới Mỹ sinh sống.
Thái độ chống toàn cầu hóa cũng đã bắt đầu hình thành nên chính sách công. Quốc hội đã tước bỏ quyền tự do của Nhà Trắng đối với các Hiệp định thương mại "fast-track" (luật hạn chế quyền của Quốc hội bác bỏ các hiệp định thương mại do Tổng thống đàm phán ký kết). Quốc hội cũng bỏ phiếu tán thành xây dựng một bức tường dọc theo biên giới Mexico.
Bên cạnh đó, xu hướng thắt chặt Châu Âu và Châu Mỹ đang yếu dần: Châu Âu không còn có xu hướng xem Mỹ như những người giải phóng và Mỹ cũng không còn coi Châu Âu như là quê hương tinh thần nữa. Những khác biệt về văn hóa và nhân khẩu học đang kéo hai lục địa đi theo các hướng khác nhau. Nhưng một sự kết hợp nhịp nhàng có thể kéo hai lục địa này lại gần nhau hơn. Lý do để lạc quan là Đức và Pháp hiện giờ được "dẫn dắt" bởi Thủ tướng Angela Merkel và Tổng thống Nicolas Sarkozy. Bà Merkel ủng hộ củng cố mối quan hệ Mỹ - Đức và đang tách dần khỏi Nga. Paris, một trong những "trung tâm chống Mỹ" ở Châu Âu cũng đang có những chuyển biến to lớn. Ông Sarkozy được xem như là tổng thống thân Mỹ nhất trong lịch sử nước Pháp.
Tâm lý chống Mỹ ở Châu Âu chưa bao giờ mạnh như bây giờ. Tuy nhiên, nhiều người Châu Âu vẫn có suy nghĩ “nước đôi" về Mỹ: căm ghét chủ nghĩa đế quốc Mỹ nhưng vẫn say mê văn hóa Mỹ. Đó cũng là tình cảm phổ biến của công chúng nhiều nước trên thế giới đối với Mỹ. Bởi vậy, để "được yêu", nhiệm vụ của ông chủ mới ở Nhà Trắng có vẻ cũng không phải là quá khó.
Thảo Nguyên Vy
(Theo Economist)