Nấc thang mới
Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Nga tại Sochi năm 2016 đã đánh dấu “nấc thang mới” trong quan hệ giữa 2 bên cũng như khẳng định vị thế đặc biệt của ASEAN trong chính sách hướng Đông của Nga.
Là một cường quốc khu vực ở châu Á -Thái Bình Dương, Nga luôn tìm cách kết nối sâu rộng hơn với khu vực Đông Nam Á chứ không chỉ dừng ở đối tác thương mại và đầu tư. Tuyên bố Sochi cũng đưa ra thoả thuận về kế hoạch 5 năm nhằm nâng cấp quan hệ Nga - ASEAN lên mức “quan hệ đối tác chiến lược” như các quốc gia khác là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand.
Các nhà lãnh đạo ASEAN - Nga chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Nga tại Sochi. (Nguồn: Reuters) |
Từ sau Tuyên bố Sochi đến nay, chính quyền Putin đã thúc đẩy một loạt hoạt động đối thoại song phương với các nước trong khu vực Đông Nam Á nhằm tăng cường vị thế của Nga ở khu vực này. Khi cạnh tranh Mỹ - Trung tiếp tục ảnh hưởng sâu sắc tới các quyết định về an ninh và quốc phòng của ASEAN, sự tham dự của Nga vào khu vực sẽ là một nhân tố thay đổi luật chơi.
Chuyến thăm của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tới Nga cuối tháng 5 vừa qua đã nêu bật mối quan hệ đang ấm lên giữa Moscow và một số nước Đông Nam Á. Cuộc thăm viếng này ngoài việc đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ song phương giữa 2 nước, còn thể hiện rõ nét hơn quan điểm về chính sách đối ngoại của ông Duterte.
Các thoả thuận được ký kết trong chuyến công du này của ông Duterte liên quan tới năng lượng hạt nhân, nông nghiệp, du lịch và các hiệp định thương mại trị giá gần 1 tỷ USD. Đáng chú ý hơn, một hiệp định quốc phòng cũng đã được xác định nhằm mở đường cho việc trao đổi quân sự và cho phép Phillippines mua vũ khí của Nga.
Trong khi đó, quan hệ với Thái Lan cũng được thắt chặt qua chuyến thăm Moscow của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha vào tháng 5/2016 sau hơn một thập kỷ. Kết quả của chuyến công du này là thỏa thuận về hợp tác quân sự cũng như cam kết thúc đẩy thương mại song phương từ 3,98 tỷ USD của cam kết năm 2014 lên 10 tỉ USD. Hai phía cũng kỳ vọng Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ tới Bangkok vào năm 2017 để kỷ niệm 120 năm quan hệ song phương.
Ngoài ra còn phải kể đến mối quan hệ chiến lược toàn diện giữa Nga với Việt Nam ngày càng phát triển khi hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu được triển khai năm 2016. Moscow hi vọng đây sẽ là khuôn mẫu cho một thỏa thuận thương mại rộng lớn hơn giữa Liên minh và ASEAN gồm 10 thành viên.
ASEAN cân bằng quan hệ
Ở một góc nhìn rộng hơn, việc thắt chặt các mối quan hệ song phương với các quốc gia Đông Nam Á đã nhấn mạnh đến một sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Nga, đó là ưu tiên hơn khu vực Đông Nam Á.
Tổng thống Putin tuyên bố rằng Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Nga 2016 giúp mở rộng hợp tác giữa các nước ASEAN và Nga trên một loạt các lĩnh vực, từ an ninh khu vực tới chống khủng bố. (Nguồn: TASS) |
Mối quan tâm mới của Nga đối với Đông Nam Á rõ ràng được định hình bởi các yếu tố kinh tế, khi Moscow tìm kiếm cơ hội xuất khẩu vũ khí và năng lượng. Tuy nhiên, đây cũng là phản ứng rõ ràng đối với áp lực địa chính trị liên quan đến Mỹ và Trung Quốc.
Nga về lý thuyết đã cam kết định hướng lại chính sách đối ngoại của mình đối với Đông Á trong nhiều năm. Tuy nhiên, cho đến gần đây, sau khi Nga phải gánh chịu các biện pháp trừng phạt của quốc tế cho việc sát nhập Crimea, tiến trình này mới được thực hiện. Có thể nói, để bù đắp cho sự cô lập từ phương Tây (Mỹ và các nước trong Liên minh châu Âu) và duy trì đòn bẩy trong quan hệ với Trung Quốc thì ASEAN là một lựa chọn thay thế đầy tiềm năng. Ngược lại, việc xây dựng quan hệ chiến lược với Nga sẽ giúp ASEAN giữ được sự độc lập trước các thế lực bên ngoài.