📞

Chính sách kinh tế Bidenomics: Gậy ông đập lưng ông?

Khánh Linh 17:25 | 03/07/2021
Những chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ Joe Biden (Bidenomics) đang giúp nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ, phục hồi trạng thái bình thường sau đại dịch. Tuy nhiên, những mối lo về lạm phát và lãi suất tăng cao cũng đang bủa vây nước Mỹ.

Sự bất ổn của nền kinh tế Mỹ nằm ở ngay trong chính sách của Tổng thống Biden. (Nguồn: Getty)

Sau 6 tháng kể từ khi chính quyền Tổng thống Biden chính thức hoạt động, nhiều chỉ số cho thấy, nền kinh tế Mỹ đã hồi phục hoàn toàn sau đại dịch Covid-19.

Một năm trước, việc đóng cửa hàng loạt doanh nghiệp đã khiến tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng vọt lên 13,3%. Hiện tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn 5,8%. Mức lương trung bình theo giờ cũng cao hơn so với thời điểm trước đại dịch.

Thị trường chứng khoán cũng đang ở mức cao kỷ lục và người tiêu dùng Mỹ đang cảm thấy vô cùng lạc quan. Tăng trưởng GDP dự kiến đạt mức cao nhất 8% trong quý 2/2021 và dự báo một kỷ nguyên kinh doanh rộng mở.

Triển vọng lạc quan

Các ưu tiên quan trọng của Tổng thống Biden đã được hiển thị đầy đủ trong Kế hoạch giải cứu nước Mỹ trị giá 1.900 tỷ USD do đảng Dân chủ đề xuất và được Quốc hội thông qua hồi tháng Ba.

Kế hoạch của Tổng thống Biden không chỉ cho phép bổ sung hàng tỷ USD cho việc triển khai tiêm vaccine mà còn hỗ trợ trực tiếp cho nền kinh tế 1.400 tỷ USD, mở cửa lại trường học, gia hạn trợ cấp thất nghiệp tới tháng 9, giúp chính quyền các tiểu bang và địa phương, mở rộng chương trình chăm sóc sức khỏe giá rẻ (Obamacare).

Cho đến nay, những hỗ trợ này dường như đã có tác dụng giúp nền kinh tế tăng tốc trong quý 2/2021.

Dù tổng số việc làm vẫn dưới mức trước đại dịch, các nhà tuyển dụng Mỹ đã tăng thêm hơn 2 triệu việc làm kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống và dự kiến ​​sẽ thu hẹp khoảng cách trong những tháng tới. Tiền lương đã tăng 2% so với năm ngoái.

Nhà phân tích chính sách Tom Block của Hãng tư vấn Fundstrat Global Advisors nhận định: “Mọi chuyện đang diễn ra tốt đẹp. Tôi cho rằng gói kích cầu thực sự đã phát huy tác dụng. Chính phủ đang đi đúng hướng”.

Các báo cáo từ các công ty Mỹ cũng cho nhiều kết quả lạc quan. Kết thúc quý I/2021, 86% công ty thuộc nhóm S&P 500 cho kết quả thu nhập tốt hơn dự kiến. Chỉ số S&P 500 cũng tăng chóng mặt 14% trong 6 tháng, đóng phiên ở mức cao kỷ lục.

Dự kiến ​​GDP của Mỹ tăng trưởng với tốc độ 8,3% trong quý thứ hai.

Trước triển vọng hồi phục lạc quan của nền kinh tế Mỹ, Tổng thống Biden khẳng định: “Điểm mấu chốt là kế hoạch kinh tế Biden đang hoạt động. Chúng tôi đã tạo ra nhiều việc làm kỷ lục. Chúng tôi đang chứng kiến ​​sự tăng trưởng kinh tế và đang tạo ra một mô hình mới”.

Nguy cơ tiềm ẩn

Dù vậy, những tín hiệu vui từ nền kinh tế và việc kiểm soát tốt dịch bệnh chưa thể khỏa lấp những lo lắng về nguy cơ chính sách kinh tế của Tổng thống Biden có thể bị "trật bánh".

Theo các nhà kinh tế, sự bất ổn nằm ở ngay trong chính sách của Tổng thống.

Việc mới đây Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất gói ngân sách 6.000 tỷ USD, nâng chi tiêu liên bang lên mức cao nhất kể từ Thế chiến thứ II, có thể khiến cho nền kinh tế Mỹ phát triển quá nóng và gây ra một đợt tăng giá đột biến.

Theo ông Allen Sinai, nhà kinh tế và chiến lược gia toàn cầu tại công ty Decision Economics, khi quay trở lại làm việc, người tiêu dùng Mỹ chắc chắn sẽ đổ xô đi mua sắm sau hàng tháng trời tiết kiệm và tích lũy trong đại dịch. Nguy cơ thị trường tăng trưởng quá nóng hiện là mối nguy lớn nhất đối với nền kinh tế Mỹ.

Trước bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang phục hồi mạnh mẽ, các nhà kinh tế lại bắt đầu tự hỏi liệu những nỗ lực kích thích gần đây nhất của Nhà Trắng có thực sự là một điều hay?

Tuần trước, Tổng thống Biden và một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng thông báo họ đã đạt được một thỏa thuận trị giá 1.200 tỷ USD để tài trợ cho việc cải thiện đường xá, cầu, băng thông rộng và đường thủy. Thượng viện dự kiến ​​sẽ xem xét dự luật này trong những tuần tới.

Trong khi đó, chính quyền cũng đang yêu cầu các nhà lập pháp phê duyệt thêm 1.800 tỷ USD chi tiêu mới và các khoản tín dụng thuế hướng đến đối tượng trẻ em, sinh viên và gia đình.

Các nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế trong nhiều tuần đã cảnh báo rằng chi phí đầu vào tăng cao, mặc dù có thể kiểm soát được trong thời gian dài, nhưng có khả năng sẽ được chuyển sang người tiêu dùng Mỹ nếu các doanh nghiệp cảm thấy “quá tải”.

Và đã xuất hiện nhiều bằng chứng cho thấy tình trạng này.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng mạnh vào mùa Xuân này và tháng Năm vừa qua đã tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ cao nhất kể từ năm 2008. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi - thước đo lạm phát của Fed, tăng 3,4% trong tháng Năm so với năm 2020, tăng nhanh nhất kể từ đầu những năm 1990.

Khi ngân hàng trung ương cảm thấy rằng nền kinh tế đang "quá nóng" và giá cả đang tăng cao quá mức, ngân hàng sẽ tăng lãi suất và hạn chế mua tài sản để giúp “hãm phanh" cho nền kinh tế.

Lạm phát liên tục hoặc nguy cơ lạm phát cũng có thể tác động đến nền kinh tế theo những cách trực tiếp hơn. Lãi suất cao hơn do Fed thắt chặt đồng nghĩa với việc sẽ có ít người dân có khả năng vay mua ô tô hoặc nhà hơn. Lạm phát tăng nhanh cũng làm cho bất kỳ mức giá nào - tiền lương, giá nhà, hoặc giá một gallon sữa - dễ biến động hơn.

Chủ tịch Fed Jerome Powell nhắc lại rằng, mặc dù ông dự kiến ​​lạm phát gia tăng vào năm 2021, nhưng điều này có thể chỉ là thoáng qua.

“Tôi không nghĩ rằng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và những kích thích tài khóa như hiện nay thì bất kỳ ai cũng có thể lạc quan hoặc cho rằng lạm phát chỉ là một 'đốm sáng'. Lịch sử đã chứng minh, một khi một nền kinh tế đi lên, tinh thần dâng cao và chi tiêu tăng lên thì lạm phát sẽ theo sau”, ông Jerome Powell lo lắng.

(theo CNBC)