📞

Chính sách kinh tế trong chương trình tranh cử của bà Clinton

09:31 | 29/09/2016
Theo đánh giá của một số trung tâm nghiên cứu, chính sách kinh tế trong cương lĩnh tranh cử của Hillary Clinton sẽ có lợi cho việc làm và tăng trưởng.
Ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton. (Nguồn: AP)

Ông Paul Broholm, Giám đốc đầu tư của ngân hàng tư nhân Hà Lan Theodoor Gilissen, đã đưa ra một số nhận định về chính sách kinh tế trong cương lĩnh tranh cử của bà Hillary Clinton và đánh giá xem liệu điều này có thể bảo đảm một thắng lợi cho cựu Ngoại trưởng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ?

Đầu tháng 9, bà Hillary Clinton dường như đã tạo ra lợi thế rõ rệt trong cuộc chạy đua vào Nhà trắng, khi cơ hội giành chiến thắng của bà được hầu hết các hãng thăm dò dư luận dự báo lên tới 80-85%. Các nhà đầu tư bắt đầu đặt ra câu hỏi về những tác động kinh tế trong trường hợp ứng cử viên đảng Dân chủ thắng cử.

Trước hết, có thể tóm tắt chương trình hành động trong lĩnh vực này của bà Clinton bao gồm: Tăng thuế thu nhập và thuế lợi tức đối với những người giàu, áp đặt trần đối với các khoản miễn giảm thuế, cắt giảm thuế lợi tức đối với các tài sản nắm giữ trong thời gian dài; Tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và giáo dục, hỗ trợ thêm cho những hộ gia đình có thu nhập thấp; Tăng lương tối thiểu, tăng hỗ trợ cho giáo dục cao đẳng và đại học, thiết lập chế độ nghỉ đẻ được trả lương cho các cặp vợ chồng; Hỗ trợ và tiếp tục chính sách cho phép tăng nhập cư hợp pháp.

Nhìn chung, các đề xuất này có lợi cho việc làm và tăng trưởng chung. Việc tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng kích thích trực tiếp nền kinh tế và cải thiện lâu dài hoạt động sản xuất. Những đề xuất của bà Hillary Clinton về nhập cư sẽ cho phép tăng lượng lao động có chất lượng cho nước Mỹ trong khi hỗ trợ học tập ở bậc trung học và đại học sẽ tạo ra nhiều nhân công có tay nghề.

Việc tái phân bổ thu nhập giữa những gia đình có thu nhập cao với những gia đình có thu nhập thấp cũng được xem như là một quyết định có ảnh hưởng. Các gia đình có thu nhập trung bình có xu hướng chi nhiều hơn nguồn thu trong khi các gia đình có thu nhập cao thường có khả năng duy trì mức chi tiêu, giảm tiết kiệm.

Một phân tích do hãng Moody Analytics thực hiện đã đưa ra những kết luận đối với nước Mỹ năm 2020 nếu toàn bộ cương lĩnh của bà Clinton được thực hiện: Sẽ tạo thêm khoảng 3,2 triệu việc làm; Tăng trưởng Tổng Sản phẩm Quốc nội sẽ hơn 2,7%; Lạm phát có thể tăng thêm 0,2%, đạt mức 2,6%; Lãi suất trái phiếu kho bạc thời hạn 10 năm sẽ tăng từ 0,6% lên đến 4,6%; Nợ công có thể tăng nhẹ nhưng chỉ số nợ/Tổng sản phẩm quốc nội giảm nhẹ (xuống 78%, tức giảm 0,7%) do tăng trưởng kinh tế mạnh.

Quan điểm của bà Hillary về thương mại quốc tế vẫn còn chưa rõ ràng. Là người từ lâu ủng hộ tự do thương mại, song bà Clinton từng cam kết sẽ sửa đổi các hiệp định tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và xuyên Đại Tây Dương (TTIP), tìm cách lôi kéo những người ủng hộ Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và hạn chế sự ủng hộ đối với ông Donald Trump trong vấn đề này.

(theo Les Echos)