Thay đổi cách tiếp cận
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay từ thời điểm tranh cử vị trí tổng thống đã cam kết có những thay đổi căn bản so với chính quyền tiền nhiệm Barack Obama về kinh tế, xã hội, trong đó có việc thay đổi chính sách của Mỹ đối với toàn cầu hóa, thực hiện việc bảo hộ kinh tế trong nước. Điều này gây ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Indonesia.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence thăm Indonesia ngày 20/4 vừa qua là một tín hiệu tốt cho quan hệ Mỹ - Indonesia, nhưng vẫn chưa thể khiến người dân đất nước vạn đảo cảm thấy an tâm. (Nguồn: Reuters) |
Việc ông Trump làm Tổng thống thứ 45 của Mỹ thực sự khiến nhiều người ngạc nhiên. Ngay cả những nhà bình luận có nhiều kinh nghiệm nhất cũng không tiên đoán rằng ông sẽ bước vào trị trí của người đứng đầu quốc gia mạnh nhất thế giới. Đối với Indonesia và thế giới, Tổng thống Obama - tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ cũng như khu vực Thái Bình Dương, đã có cách tiếp cận hợp lý đối với đạo Hồi cũng như thực hiện những chính sách khiến nhiều nước trên thế giới ủng hộ. Ngược lại, Tổng thống Trump lại cam kết bảo hộ kinh tế Mỹ, không ủng hộ toàn cầu hóa, với mục đích vực dậy nền sản xuất trong nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động Mỹ đang bị ảnh hưởng bởi toàn cầu hóa.
Không giống như ông Obama, người đã trải qua một phần thời thơ ấu của mình ở Jakarta, ông Trump không có sự hiểu biết tương tự về châu Á- Thái Bình Dương và Indonesia. Đối với Indonesia và Đông Nam Á, điều này gây ra những vấn đề phức tạp.
Tổng thống Trump đã đề cập đến những rào cản thương mại đối với các sản phẩm của Trung Quốc và có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong quan hệ với Bắc Kinh so với các chính quyền trước đây. Bắc Kinh có thể đáp trả quyết liệt với bất kỳ hành động kích động kinh tế và chính trị nào. Chúng ta đang sống trong giai đoạn bước ngoặt của lịch sử toàn cầu. Trung tâm quyền lực toàn cầu đang chuyển từ Washington sang “Con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc- một dự án được kỳ vọng là biểu tượng cho sự phát triển về kinh tế và chính trị đang không ngừng gia tăng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý đối với quan hệ Mỹ- Trung Quốc không phải là thương mại mà là vấn đề Biển Đông và Đài Loan. Bất cứ tính toán sai lầm nào của hai bên đều có thể phát sinh mâu thuẫn và khi một sức mạnh đang gia tăng đụng độ với sức mạnh lớn nhất của thế giới có thể gây ra những thảm họa toàn cầu. Những thảm họa này rất đáng lo ngại và có thể ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á. Việc ngăn chặn điều này cần được ưu tiên trong việc hoạch định chính sách của các quốc gia trên thế giới cũng như khu vực.
Chưa có ấn tượng tốt đẹp
Đối với Indonesia, nền kinh tế mới nổi của thế giới, nền kinh tế lớn nhất ở Đông Nam Á và là nước đi đầu trong phát triển ASEAN, Tổng thống Trump chưa tạo ra những ấn tượng tốt trong mắt Jakarta.
Tổng thống Trump chưa tạo ra những ấn tượng tốt trong mắt Jakarta. (Nguồn: AP) |
Ông Trump có vẻ chưa quan tâm nhiều đến Indonesia - quốc gia có dân số theo đạo Hồi lớn nhất thế giới với hơn 250 triệu người khi ông đề xuất một lệnh cấm toàn bộ người Hồi giáo vào Mỹ trong giai đoạn vận động tranh cử. Tổng thống Trump đã nhiều lần nỗ lực áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với người Hồi giáo và điều đó đã khiến nhiều người Indonesia tức giận. Chuyến thăm Indonesia gần đây của Phó Tổng thống Mike Pence nhằm trấn an nước này đã không thể làm Jakarta thay đổi khuynh hướng dần tách khỏi ảnh hưởng của Mỹ.
Ông Trump đã tách Mỹ khỏi Indonesia và châu Á theo các mức độ khác nhau, và điều đó đã đặt dấu chấm hết cho các thành quả mà Mỹ dày công gây dựng hình ảnh của mình dưới thời ông Obama. Đáng chú ý nhất là việc Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ để lấp đầy khoảng trống kinh tế và thương mại ở khu vực. Mỹ sẽ không có quyền tiếp cận thị trường giống như Trung Quốc.
Những năm tiếp theo của nhiệm kỳ, Tổng thống Trump chắc chắn sẽ có thêm những thay đổi về chính sách chính trị, kinh tế. Cũng giống như phần còn lại của thế giới, Indonesia đang phải tìm cách điều hòa những áp lực của chủ nghĩa dân túy cũng như chủ nghĩa cực đoan và đưa ra các biện pháp cần thiết để tham gia cuộc cạnh tranh toàn cầu trong một nền kinh tế toàn cầu hóa. Đây sẽ là những thách thức không nhỏ để có thể tiếp tục thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển trong bối cảnh Mỹ và một số quốc gia đang thực hiện chính sách bảo hộ, siết chặt nhập khẩu hàng hóa để kích thích sản xuất trong nước.