📞

Chính sách thu hút việc làm ngành chế tạo của ông Trump bị hoài nghi

16:31 | 05/12/2016
Nỗ lực của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhằm kêu gọi các tập đoàn công nghệ Mỹ rút các cơ sở sản xuất về nước để tạo thêm việc làm cho người dân đang đứng trước nhiều hoài nghi.

Khó cạnh tranh với châu Á

Gần đây, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ hỗ trợ để Apple đưa các cơ sở sản xuất và kèm theo đó là việc làm quay trở lại Mỹ. Tuy nhiên, ý tưởng này bị nhiều chuyên gia đánh giá là ít có giá trị thực tế. Mặc dù ông Trump có thể đẩy mạnh các nỗ lực nhằm phục hồi ngành chế tạo sản xuất tại Mỹ, tuy nhiên khả năng để Mỹ tái lập thời kỳ hoàng kim là trung tâm chế tạo lớn của thế giới như trước đây là rất khó khăn.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ hỗ trợ để Apple đưa các cơ sở sản xuất và kèm theo đó là việc làm quay trở lại Mỹ. (Nguồn: Olga)

Hiện nay, Đông Á và Đông Nam Á đang là trung tâm sản xuất hàng chế tạo toàn cầu. Chuỗi cung ứng khu vực dựa trên sự liên kết công nghiệp cũng ngày một chặt chẽ giữa các nền kinh tế châu Á. Do đó, hiện hầu hết các nhà cung ứng thiết bị của Apple đều đặt tại châu Á, Apple chỉ lắp ráp các sản phẩm tại Trung Quốc còn nhập khẩu linh kiện từ các quốc gia khác như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Mặc dù ông Trump hứa sẽ có các ưu đãi để Apple xây dựng một “nhà máy sản xuất lớn” tại Mỹ trong nỗ lực lấy lại việc làm cho người Mỹ tuy nhiên việc Mỹ sao chép mô hình sản xuất của châu Á với nhân công rẻ và chi phí thấp có lẽ là điều bất khả thi.

Do đó, chắc chắn chi phí chế tạo các linh kiện sẽ gia tăng, đồng thời chi phí vận chuyển sẽ gia tăng do phải chuyển hàng xuyên Thái Bình Dương. Giả dụ Apple có chấp nhận các chi phí về kinh tế này để chứng tỏ lòng yêu nước thì vẫn còn câu hỏi về việc liệu người Mỹ có chấp nhận các việc làm lương thấp được “lôi lại” từ Trung Quốc về Mỹ hay không?

Tạo lợi thế cho các thương hiệu châu Á

Bên cạnh đó, việc chú trọng ngành chế tạo cũng sẽ làm gia tăng chi phí tiền lương cho các doanh nghiệp sản xuất tại Mỹ. Báo cáo mới đây của Business Insider cho biết, một chiếc iPhone nếu sản xuất bằng các linh kiện của Mỹ sẽ khiến giá thành bị đội lên tới ít nhất là 2.000 USD/chiếc.

Đối với các nước châu Á đang phát triển ngành sản xuất công nghệ như Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc, đây sẽ là động thái có lợi cho họ. Bởi các công ty sản xuất điện thoại thông minh như Samsung, Oppo, Huawei, Xiaomi... sẽ có lợi thế lớn hơn về giá thành. Nếu iPhone buộc phải tăng giá thì các thương hiệu châu Á sẽ có cơ hội lấn sân sang thị trường dành cho giới trung lưu của iPhone.

Các công ty sản xuất điện thoại thông minh như Samsung, Oppo, Huawei, Xiaomi... sẽ có lợi thế lớn hơn về giá thành so với iPhone. (Nguồn: Giz Guide)

Mặt khác, thay vì sản xuất cho Apple, các nhà sản xuất linh kiện sẽ cung ứng cho các công ty châu Á, do đó chưa chắc các nước châu Á sẽ bị mất đi việc làm.

Trên thực tế, việc phục hồi ngành chế tạo tại Mỹ dường như là nhiệm vụ bất khả thi. Trước đây, nước Mỹ từng bỏ ra không ít nỗ lực nhằm tái phục hồi ngành chế tạo tại quốc gia này.

Nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị thay vì nỗ lực vô ích, Mỹ nên duy trì chính sách thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao nhằm giữ vị trí đi đầu của Mỹ trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, hàng không vũ trụ, y tế và quân sự thay vì tập trung cạnh tranh với các quốc gia châu Á.

(theo Global Times)